Chính phủ liêm chính & hành trình kiến tạo niềm tin

Ngay sau khi Chính phủ mới được hình thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có tuyên bố được người dân trông đợi và kỳ vọng: “Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính”. Và thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp đã được nhiều đại biểu đánh giá cao tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội. Hầu hết các đại biểu đều ghi nhận quyết tâm và nỗ lực tự đổi mới chính mình của Chính phủ để thực sự biến những thông điệp được lòng dân nói trên thành hiện thực, khởi đầu cho việc xây dựng lòng tin.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát chợ đầu mối Long Biên- ảnh T.L

1.Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ hồi tháng 4/2016, sau khi nghe khá nhiều ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ ngành, các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận: “Chính phủ mới kiện toàn chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ”.

Đây là phát súng lệnh cần thiết và kịp thời để vực dậy cả bộ máy hành chính cồng kềnh, chậm chạp bấy lâu nay, cũng có thể nói sự chuyển biến tư duy từ “Chính phủ mệnh lệnh” sang “Chính phủ kiến tạo” cho thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tập thể Chính phủ đã “điểm trúng huyệt” và bắt đầu bốc trúng những thang thuốc đặc trị.

Tư duy “Chính phủ kiến tạo” là luồng gió mới thổi vào những quan niệm cũ kỹ về vị trí, vai trò của người cán bộ, công chức, những gì diễn ra cho thấy không ít cán bộ, công chức thời nay “nhầm tưởng” vị trí giữa “công bộc” và “ông chủ”. Sự “nhầm lẫn” tai hại ấy chính là nguồn cơn của tệ quan liêu, cửa quyền, xa dân, hách dịch.

Quyết tâm của Thủ tướng là điều thấy rõ qua khoảng thời gian gần 5 tháng từ khi nhậm chức, bằng những hành động chân thành, chỉ đạo sát với thực tế. Người dân hoàn toàn có thể tin tưởng vào một vị lãnh đạo “nói đi đôi với làm”.

Lời xin lỗi nhân dân sau sự kiện cả đoàn xe tháp tùng đi vào phố đi bộ ở Hội An: “Tôi đã đi bộ hàng cây số rồi, xe ô tô vẫn đi phía sau. Tôi không biết. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của tôi trong việc quán xuyến. Vì vậy, tôi xin lỗi nhân dân, mong nhân dân thông cảm”.

Trong tình huống mà lỗi do thuộc cấp gây ra, tuy bản thân mình hoàn toàn không biết, nhưng người đứng đầu cơ quan hành pháp đã lập tức lên tiếng nhận trách nhiệm, nhận lỗi trước dân và xin lỗi nhân dân, thái độ đó quả là một làn gió mới thổi vào nền “hành là chính” đả phá vào nếp nghĩ “quan luôn đúng”!

Thông điệp chân thành ấy ngoài việc nhận khuyết điểm về mình, còn là một lời nhắc nhở những người đứng đầu các cấp, rằng có những khuyết điểm do cấp dưới làm, tuy anh không biết, nhưng với tư cách là người đứng đầu, anh vẫn là người liên đới chịu trách nhiệm. Hãy quán xuyến công việc cho thật tốt, đừng để khuyết điểm xảy ra.

2.Ngay sau khi nhậm chức, đồng thời với thông điệp xây dựng Chính phủ liêm chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không quên đưa ra thông điệp thực hành tiết kiệm. Ngày 29/7/2016, tại phiên làm việc cuối của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, người đứng đầu Chính phủ đích thân hứa trước quốc dân đồng bào việc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là hội họp, xe công, đi công tác nước ngoài. Ông cũng làm gương không mua xe mới. Ngày 1/8/2016, chủ trì phiên họp Chính phủ, Thủ tướng khẳng định từng thành viên chính phủ phải gương mẫu đi đầu trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí. Cuối tháng 8, cũng trong phiên họp Chính phủ, ông nhắc lại rõ ràng thông điệp: “Phải sử dụng tiết kiệm mồ hôi công sức của dân”. Ông nhấn mạnh, ngân sách chính là mồ hôi công sức của nhân dân.

Để thay đổi và xây dựng được bộ máy đáp ứng các đòi hỏi của Chính phủ mới, vấn đề con người luôn là yếu tố đặc biệt quan trọng. Các chuyên gia hiến kế, Chính phủ nên kế thừa, phát triển kế sách lập quốc của cha ông ta. Đó là “lập quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi công”, tức là xây dựng đất nước phải coi giáo dục làm đầu, coi nhân tài làm trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy ông đã không quên bài học này. Ông khẳng định dùng người tài, chọn người tài cho đất nước chứ không phải để chọn người nhà. Người hiền tài dù ở trong núi thẳm, rừng sâu cũng phải tìm cho được. Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu liêm chính, hành động vì dân là phải tạo ra được môi trường bình đẳng cho mọi cá nhân có cơ hội tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý đất nước. Chính phủ phải ngăn chặn được lợi ích nhóm, cục bộ chính sách ngay từ khi khởi xướng.

Những tư tưởng tâm huyết ấy rất đáng quý. Nhưng giờ đây cần phải chứng minh bằng hành động và đo được hiệu quả bằng biến chuyển tích cực không chỉ của từng cá nhân người lãnh đạo mà phải là của cả hệ thống. Tuy nhiên, sự khởi đầu bao giờ cũng xuất phát từ việc nêu gương sáng của chính bản thân người lãnh đạo. Nói và thực hành liêm chính, là sự khởi đầu cho việc xây dựng lòng tin. Tăng trưởng kinh tế đã khó, thế nhưng tăng trưởng niềm tin của dân còn khó hơn gấp nhiều lần. Có niềm tin thì mới có được sức mạnh vật chất lẫn tinh thần. Dân là tất cả, dân mất lòng tin coi như mất tất cả.

3. Công cuộc kiến tạo luôn là một hành trình gian nan, vất vả. Thậm chí, là phải vượt qua rất nhiều rào cản về nhóm lợi ích, sự thâu tóm quyền lực, sự nhũng nhiễu, cạm bẫy lẫn cám dỗ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại thì kiến tạo chính là giải pháp duy nhất để hy vọng.

Tư duy nhiệm kỳ, thái độ trục lợi vinh thân phì gia, tình trạng con nối ngôi cha làm quan, người nhà theo người thân làm lãnh đạo, kéo bè kết cánh… đã thật sự đẩy quốc gia vào tình thế khó khăn. Đó là chưa kể đến những chướng ngại vật mà đầu tàu của xã hội là các doanh nghiệp đang lần mò vượt qua, những chướng ngại vật có tên hành chính. Doanh nghiệp ngoài đối diện với khó khăn thương trường còn phải oằn mình chống trả với sự “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Có những doanh nghiệp được ưu ái đến ngạc nhiên nhưng cũng có những doanh nghiệp đầy côi cút.

Chính vì vậy, thổi một luồng gió mới trên mặt trận thông tin để tăng cường sự giám sát nhằm đấu tranh với cái chưa đúng, cái tiêu cực, cái nguy cơ hậu họa chính là điều tối quan trọng cho quá trình kiến tạo.

Một chính phủ kiến tạo là một chính phủ không ngần ngại lắng nghe, không ngần ngại chuyện mất lòng vì lời nói. Quan trọng hơn, lắng nghe để hành động, để bảo vệ sự tôn nghiêm và tính chính danh của công cuộc ấy. Chứ không phải lắng nghe rồi để đấy. Nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước là nhiệm vụ và nỗ lực của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương dựa trên nền tảng lợi ích thuộc về nhân dân, Thủ tướng đã rung chuông, hãy rung liên hồi.

An Huy

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/chinh-phu-liem-chinh-hanh-trinh-kien-tao-niem-tin/