Chính quyền Mỹ chấm dứt chương trình bảo vệ người di cư

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/9 đã ra lệnh chấm dứt chương trình bảo vệ những người di cư trẻ tuổi không có giấy tờ khỏi việc bị trục xuất được thực hiện dưới thời ông Obama và thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua một chương trình thay thế trong vòng 6 tháng tới.

Nhiều người đã biểu tình phản đối quyết định của chính quyền Mỹ. Ảnh: NYT

Theo New York Times, Chương trình Hoãn hành động pháp lý với người đến Mỹ khi còn là trẻ em, gọi tắt là DACA, là chính sách được thực hiện chính quyền của ông Barack Obama thực hiện từ năm 2012, theo đó cho phép những người đã được đưa bất hợp pháp tới Mỹ khi còn là trẻ em được ở lại Mỹ mà không phải lo bị trục xuất ngay lập tức, đồng thời trao cho họ quyền được lao động hợp pháp tại nước này.

Thông tin về việc hủy bỏ chương trình nói trên đã được Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions thông báo. “DACA đã bị hủy bỏ”, ông Sessions tuyên bố ngắn gọn. Cả ông Trump và ông Sessions đều dùng những ngôn từ gây tranh cãi của những nhà hoạt động chống di cư khi nói về việc hủy bỏ chương trình. Theo những người này, những người ở lại Mỹ bất hợp pháp là những người vi phạm pháp luật, làm tổn thương tới những người Mỹ bản xứ khi chiếm đi công việc của họ, đồng thời khiến mức lương của người Mỹ giảm xuống.

Tổng thống Mỹ trong một tuyên bố nói rằng ông bị thôi thúc hành động vì lo ngại cho “hàng triệu người Mỹ đã trở thành nạn nhân của hệ thống không công bằng này”. Còn ông Sessions thì cho rằng chương trình này đã “từ chối việc làm của hàng trăm người người Mỹ khi cho phép những người nhập cư bất hợp pháp được làm những công việc đó”. Theo tính toán được giới chức Mỹ đưa ra hồi tháng 3 vừa qua, khoảng 800.000 người trẻ trưởng thành đang được thụ hưởng Chương trình DACA sẽ nằm trong nhóm bị trục xuất khi chương trình này bị hủy bỏ.

Ngay sau tuyên bố của ông Sessions, các cuộc biểu tình đã nổ ra trước Nhà Trắng và trụ sở Bộ Tư pháp cùng nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ. Một số nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ và cả Cộng hòa, các giám đốc điều hành các doanh nghiệp, các chủ tịch trường đại học cùng các nhà hoạt động ủng hộ di cư đã lên tiếng chỉ trích động thái của chính quyền Mỹ là “vô cảm”, chỉ mang tầm nhìn ngắn hạn, không công bằng với những người di cư trẻ.

Họ cũng cảnh báo về nguy cơ gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ. “Hôm nay là một ngày buồn với đất nước chúng ta. Thật vô cùng tàn nhẫn khi trao cho những người trẻ giấc mơ Mỹ, khuyến khích họ ra bước ra khỏi bóng tối và tin tưởng vào chính phủ của chúng ta rồi lại trừng phạt họ vì điều đó”, người sáng lập facebook Mark Zuckerberg viết trên trang cá nhân.

Cựu Tổng thống Mỹ Obama cũng gọi quyết định của người kế nhiệm ông là một quyết định sai lầm và tàn nhẫn. “Dù người Mỹ lo ngại hay phàn nàn gì về việc di cư thì chúng ta cũng không nên đe dọa đến tương lai của nhóm người trẻ vốn không có lỗi trong việc họ được đưa đến Mỹ, không đưa tiềm ẩn bất cứ đe dọa nào và cũng chẳng lấy đi thứ gì của chúng ta”, ông Obama viết trên facebook.

Tuy nhiên, New York Times cho biết, ít giờ sau những phản ứng giận dữ đối với quyết định của mình, ông Trump dường như đã nghĩ lại. Trong một tuyên bố được đưa trên mạng xã hội đêm 5/9, ông kêu gọi Quốc hội Mỹ “hợp pháp hóa DACA”.

Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo sẽ xem xét lại vấn đề này nếu các nhà làm luật của Mỹ không luật hóa được một chương trình tương tự chương trình đã được ông Obama tạo ra thông qua việc thực thi quyền điều hành. Dù cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đều ủng hộ việc hợp pháp hóa những người di cư đã được đưa tới Mỹ khi còn là trẻ em nhưng cho đến nay Quốc hội Mỹ vẫn chưa đạt được sự thống nhất về một thỏa thuận di cư phổ quát.

Tâm An

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//quoc-te/chinh-quyen-my-cham-dut-chuong-trinh-bao-ve-nguoi-di-cu-353038.html