Chính quyền xã 'tiếp tay', doanh nghiệp 'múc' đất ruộng làm gạch!

Được chính quyền xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) “bật đèn xanh”, hơn 2 tháng nay, một số hộ dân, doanh nghiệp đã ồ ạt huy động máy móc khai thác đất trồng lúa bán cho nhà máy sản xuất gạch.

Nhận được phản ánh của người dân về tình trạng khai thác đất lúa ồ ạt tại xứ đồng Rào, thôn Tân Phan, xã Kỳ Giang, PV Báo Hà Tĩnh điện tử có mặt và chứng kiến khoảng hơn 2 ha đất ruộng đang bị đào bới nham nhở, có những chỗ bị khoét sâu hơn 1m.

Số diện tích đất sản xuất lúa này được một số hộ dân ở thôn Tân Phan bán cho Công ty Nhật Minh (địa chỉ ở huyện Cẩm Xuyên) khai thác với giá 5 triệu đồng/sào. Theo ước lượng, số đất đã bị “múc” khỏi ruộng khoảng hơn 70 ngàn khối.

Điều đáng nói, hoạt động này diễn ra công khai, kéo dài hơn 2 tháng nhưng chính quyền địa phương không hề ngăn chặn, xử lý.

Ông Trần Minh Lam – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Giang cho biết, xã đã cho phép Công ty Nhật Minh mua đất ruộng của một số hộ dân với tổng diện tích 2,1 ha. Số đất ruộng này đã được Công ty Nhật Minh khai thác, bán lại cho Nhà máy Gạch Kỳ Giang.

Theo lý giải của ông Lam, xứ đồng Rào là vùng đất cao táo nên xã đã cho phép người dân cải tạo, hạ thấp mặt ruộng để thuận lợi trong sản xuất.

Ông Lam cũng thừa nhận, việc cải tạo đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cồn đất hàng chục ngàn khối tập kết tại Nhà máy Gạch Kỳ Giang được mua từ việc khai thác tài nguyên trái phép tại xã Kỳ Giang

Trao đổi với phóng viên dưới góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Trí Hà – Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt - Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh khẳng định, việc lợi dụng cải tạo đất vùng cao cưỡng để khai thác, lấy tầng mặt của đất trồng lúa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, lợi bất cập hại.

“Lớp đất mặt hay gọi là tầng đất canh tác (dày khoảng 15 - 20cm) quyết định đến năng suất cây lúa. Tầng đất này càng dày càng giữ được nước và các chất dinh dưỡng. Việc khai thác lớp đất canh tác làm suy giảm chất lượng đất, năng suất lúa, dễ bị sâu bệnh hơn” – ông Hà phân tích.

Theo ông Hà, nếu khai thác đến tầng đất sét phía dưới sẽ bị xáo trộn cấu trúc đất, dễ sụt lún, khó cơ giới hóa, lúa dễ đổ ngã, thu hoạch khó, năng suất giảm, công lao động gia tăng. Những mảnh ruộng như thế dù có bón phân rất nhiều cũng phải mất từ 5 - 6 năm mới phục hồi được.

Chính quyền huyện Kỳ Anh liệu có hay biết sự việc này?!

Thanh Hoài – Hồ Phúc

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/chinh-quyen-xa-tiep-tay-doanh-nghiep-muc-dat-ruong-lam-gach/118849.htm