Chính sách lao động nữ trong doanh nghiệp: Tùy lòng... hảo tâm!

PN - Pháp luật lao động có những quy định đãi ngộ rất cụ thể về các chính sách đối với lao động (LĐ) nữ làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, nhiều DN đã cố tình "phớt lờ" không thực hiện, khiến không ít LĐ nữ phải chịu thiệt thòi.

Chính sách bị "quên" "Luật quy định không được đơn phương chấm dứt hợp đồng (HĐ) LĐ đối với LĐ nữ trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều LĐ nữ khi vừa mang thai, sắp đến ngày sinh hoặc hết thời gian nghỉ thai sản cùng lúc với việc HĐ hết hạn, đã bị chủ DN cho nghỉ việc một cách... hợp pháp", lãnh đạo Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM bức xúc. Sở dĩ chủ DN dễ dàng "xóa tên" LĐ nữ trong thời gian mang thai là do phần lớn chỉ ký HĐLĐ có thời hạn một năm. Loại HĐ này được ký đi ký lại nhiều lần, bất chấp quy định của Bộ luật LĐ "chỉ được ký HĐ xác định thời hạn tối đa hai lần". Căn cứ vào HĐLĐ, khi LĐ nữ có thai mà hết hạn HĐ, chủ DN chỉ cần thông báo không ký tiếp là... xong! Chỉ riêng KCX Linh Trung 1, trong năm 2009, đã có hàng trăm LĐ nữ bị mất việc trong thời gian mang thai. Ông Nguyễn Thành Thái - Phó chủ tịch công đoàn các KCX-KCN TP.HCM nói, DN loại bỏ những LĐ này là nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí. Luật pháp rất khó can thiệp vào những trường hợp này mà tùy thuộc vào lòng "hảo tâm" của chủ DN. Lao động nữ ngành dệt may thường xuyên phải tăng ca Một số quy định khác như: DN phải bố trí cho nữ công nhân nghỉ 30 phút, có phòng thay đồ cho nữ công nhân trong thời gian kinh nguyệt, có phụ cấp nuôi con nhỏ... nhưng hầu hết các DN đều không thực hiện. Thậm chí, ngay bản thân người LĐ cũng không biết có quy định này. Theo đại diện một số DN, thì "việc buộc cho công nhân nữ nghỉ 30 phút trong thời gian có vấn đề về sức khỏe phụ khoa là bất khả thi, vì DN không thể nào kiểm tra, giám sát chuyện này được! Còn chuyện xây nhà trẻ, sẽ là hợp lý hơn nếu Nhà nước đứng ra xây và DN đóng góp". Về quy định dạy nghề dự phòng cho LĐ nữ, phía chủ sử dụng LĐ cũng cho rằng, "chuyện đào tạo nghề để công nhân làm ra sản phẩm tốt cho DN đã khó; giờ còn bắt đào tạo thêm nghề khác phòng khi thất nghiệp là chuyện không tưởng". Các tổ chức công đoàn cơ sở cũng cố gắng đưa vào những nội dung ưu đãi LĐ nữ trong thỏa ước LĐ tập thể, nhưng nhìn chung không khác mấy so với những quy định tại Bộ luật Lao động, chỉ mang tính hình thức và thường không được tuân thủ nghiêm túc. Còn nhiều bất cập Các văn bản pháp luật đều quy định rõ về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi dành cho người LĐ, trong đó có những quy định riêng đối với LĐ nữ. Tuy nhiên, thực tế là số đông LĐ nữ tại các KCN - KCX phải làm việc trong điều kiện, môi trường không đảm bảo, quá nặng nhọc, nhiều người phải làm tăng ca 4-6 tiếng/ngày trong thời gian dài. Về vấn đề này, các chủ sử dụng LĐ đều cho rằng, họ phải bố trí LĐ nữ làm tăng ca nhiều giờ là vì chính người LĐ yêu cầu. Nhiều công nhân cũng thừa nhận điều này. Họ cho biết, mức lương cơ bản hiện nay dao động từ 1,2 đến 1,3 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập thực tế cao hơn chút ít, không đủ chi phí để đảm bảo cuộc sống, nên muốn đủ sống, công nhân phải "đòi" tăng ca. Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - tiền lương - tiền công Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, bày tỏ: "Công nhân đều biết tăng ca ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian, hạnh phúc gia đình, nhưng họ không thể không tăng ca vì miếng cơm, manh áo trước mắt. Nếu cứ làm việc theo kiểu vắt kiệt sức thế này thì chỉ đến 35 tuổi, phần đông LĐ nữ đã đuối sức, khó có thể làm việc lâu dài. Những ngành sử dụng nhiều LĐ nữ như dệt may, da giày, do chênh lệch giới tính, thường xuyên tăng ca, nên nhiều nữ công nhân đã không tìm được hạnh phúc riêng tư”. Trên 70% công nhân đang làm việc tại các KCX-KCN TP.HCM là LĐ nhập cư, phần lớn trong độ tuổi sinh sản, nhu cầu về nơi gửi trẻ, trường học cho con em là rất lớn. Tuy nhiên, theo ông Lâm Văn Tiếp, Phó ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM, với mức học phí như hiện nay, dù có nhà trẻ, trường học, một bộ phận không nhỏ công nhân cũng không thể gửi con nổi vì eo hẹp về tài chính. Cũng vì đời sống không đảm bảo, công việc thiếu ổn định, hệ thống chính sách chưa được thực hiện nghiêm túc, nên gần đây, số lượng LĐ nữ nhập cư vào TP.HCM và các tỉnh thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam giảm sút mạnh, tạo nên tình trạng khan hiếm LĐ trầm trọng. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận: "Chính sách pháp luật dành cho LĐ nữ của chúng ta có nhiều điểm rất tiến bộ, nhưng thực tế lại có nhiều điều khoản không thực hiện được nên thời gian tới rất cần xem xét để sửa đổi theo hướng hợp lý hơn". Việt Hùng

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/vieclam/2010/Pages/chinh-sach-lao-dong-nu-trong-doanh-nghiep-tuy-long-hao-tam.aspx