Chính sách vì dân

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Tờ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Đây là Dự thảo Nghị định thu hút nhiều sự quan tâm của người dân và báo chí trong thời gian gần đây. Bởi gần như tất cả mọi người đều là đối tượng điều chỉnh của Nghị định. Ngoài ra, văn bản này lại càng trở thành tâm điểm của dư luận khi mà hầu hết các báo thời gian qua đều đề cập đến cuộc tranh luận giữa các bên tham gia xây dựng dự thảo. Hiếm có nghị định nào lại có những quan điểm trái chiều khá gay gắt từ các cơ quan quản lý đến vậy.

Để hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ, Bộ GTVT - cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, lắng nghe ý kiến đóng góp của các tổ chức, hiệp hội và người dân. Tuy nhiên, cho tới dự thảo lần thứ bảy - lần cuối cùng, chỉ riêng việc có hay không xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ phương tiện cũng đã có tới 10 bộ, 16 địa phương, 5 tổ chức chính trị đồng tình chưa xử phạt và 21 địa phương, 3 bộ có ý kiến ngược lại.

Rồi còn hàng loạt các nội dung gây tranh luận khác như xử phạt người đội MBH không đạt chuẩn, xử phạt lái xe vì hộp đen không hoạt động, trách nhiệm cấp cứu người bị nạn của người gây tai nạn, rút GPLX với người đi sai làn đường hay không?...

Ý kiến đóng góp sửa đổi Nghị định có nhiều và còn chưa thống nhất hoàn toàn nhưng có thể nói, chưa bao giờ, kể từ khi ban hành Nghị định lần đầu, cơ quan soạn thảo lại thể hiện một quan điểm rõ ràng và xuyên suốt như vừa qua.

Chủ trương của Bộ GTVT là những quy định xử lý vi phạm phải đảm bảo tính khả thi. Mức phạt phải phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội của người dân, hành vi vi phạm phải được cụ thể hóa để dễ xác định, không gây tranh cãi, đảm bảo hiệu quả khi xử lý vi phạm.

Việc Bộ GTVT đề xuất chưa phạt người đội MBH rởm, chưa chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định, giảm mức phạt quá cao với các cá nhân, tăng mức phạt với tổ chức, được dư luận hết sức đồng tình. Nó thể hiện tính nhân văn trong quản lý nhà nước, tính tường minh trong thực thi công vụ, hạn chế tối đa người thực thi công vụ lợi dụng quyền hạn để gây khó cho người tham gia giao thông.

Khác với phong trào soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật kiểu “chưa quản được thì cấm”, tinh thần sửa Nghị định lần này của Bộ GTVT cho thấy một cách tư duy mới: Cái gì còn khó cho dân thực thi thì chưa xử phạt. Cơ quan nhà nước phải tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực thi, rồi mới xử phạt. Đây là một quan điểm hợp lòng dân.

An Khanh

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/chuyen-doc-duong/201308/chinh-sach-vi-dan-328452/