Chính sách, ý dân và sự đồng thuận xã hội

Cơ quan chức năng đang lấy ý kiến các chuyên gia, đơn vị liên quan về độ tuổi nghỉ hưu để năm 2017 trình Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, tuổi nghỉ hưu được đề xuất sẽ tăng từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ, tăng từ 60 lên 62 tuổi đối với nam.

Ảnh minh họa: Internet

Phải nói đây là một dự thảo chính sách nếu được thực hiện sẽ có tác động hết sức sâu rộng đối với xã hội. Đây là vấn đề liên quan đến không chỉ những người đang “ngấp nghé” tuổi hưu mà còn đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, đến cơ hội việc làm của giới trẻ, cũng như nhiều vấn đề khác như hiệu quả, năng suất công việc, đến an sinh xã hội… Chính vì vậy mà không chỉ giới công nhân viên chức, các chính khách, chuyên gia, tổ chức liên quan mới quan tâm thảo luận mà dư luận xã hội cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này.

Những người ủng hộ đưa ra một số lập luận chính như: Nếu không tăng tuổi hưu thì quỹ tiền lương sẽ bị ảnh hưởng, mất cân đối nghiêm trọng và sẽ không có khả năng chi trả trong thời gian tới; hoặc xu hướng tăng tuổi hưu là tất yếu vì nhiều nước trên thế giới cũng đã thực hiện; tuổi thọ, sức khỏe của người Việt Nam cũng đã thay đổi, tăng lên…

Trong khi đó, những ý kiến phản đối cho rằng nên xem lại cung cách quản lý quỹ bảo hiểm xã hội hiệu quả hơn; tăng tuổi hưu sẽ khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng, người trẻ không có cơ hội việc làm, làm trầm trọng thêm tình trạng “tham quyền cố vị” vốn đang ngày càng phổ biến. Hoặc như đối với nhiều ngành nghề người lao động chỉ muốn nghỉ hưu với mức tuổi như hiện nay vì không thể đảm bảo sức khỏe để làm việc tiếp…

Xem ra, ý kiến nào cũng có vẻ hợp lý, nhưng những ý kiến đưa ra, dù ủng hộ hay phản đối dường như mới chủ yếu dựa trên những đánh giá định tính, chưa có báo cáo nào cụ thể được công bố để có thể đánh giá vấn đề một cách định lượng, có cơ sở khoa học, có sức thuyết phục, điều hết sức cần thiết để đi đến việc ra một quyết sách.

Chẳng hạn như, quỹ tiền lương đang được quản lý, sử dụng như thế nào? Khả năng chi trả những năm tới với những số liệu cụ thể ra sao? Số người sẽ tiếp tục lao động do thay đổi tuổi hưu là bao nhiêu? Số người trẻ gia nhập thị trường lao động nhưng không tìm được việc làm, đặc biệt là trong khu vực công do tăng tuổi hưu là bao nhiêu? Bao nhiêu người chuẩn bị đến tuổi hưu hiện nay có khả năng và nguyện vọng tiếp tục lao động, bao nhiêu người muốn nghỉ? Nói xu hướng tăng tuổi hưu là tất yếu vì nhiều nước trên thế giới cũng đã thực hiện thì đó là những nước nào, có điều kiện kinh tế, xã hội tương tự hay khác với Việt Nam, hiệu quả của việc tăng tuổi hưu ở các nước ra sao…

Tất cả những vấn đề đó cần được trả lời một cách thỏa đáng để cuộc bàn luận có cơ sở khoa học hơn, cũng như việc ra quyết sách sẽ chính xác hơn. Vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, các viện nghiên cứu chính sách, các đoàn công tác, học tập kinh nghiệm nước ngoài… chính là ở chỗ trả lời những câu hỏi này một cách trung thực, khách quan nhất.

Hơn nữa, với một vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng triệu người lao động, đến cuộc sống của hàng vạn gia đình, liệu ý kiến của một số chuyên gia, một số cơ quan Nhà nước, viện nghiên cứu, một số đại biểu, chính khách… dù là ủng hộ hay phản đối thì liệu có đủ đảm bảo sự đúng đắn, khách quan hay không, có đại diện cho đa số ý kiến của người dân hay không, hay để rồi sau đó ra những quyết sách thiếu chính xác dẫn đến sự phản ứng của người dân.

Liên quan đến quyền lợi của người lao động, mới năm ngoái, chúng ta đã từng có bài học về việc phải sửa đổi quy định tại Điều 60 về bảo hiểm xã hội một lần theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Ở thời điểm đó, đã có những đại biểu tự cảm thấy có lỗi trong tư cách một đại biểu đã góp ý và biểu quyết Luật Bảo hiểm xã hội và đã gửi lời xin lỗi đến cử tri về những vướng mắc trong điều luật này, thậm chí đề nghị: “Quốc hội hãy xin lỗi người lao động. Đừng nhận lỗi cho có”.

Kết quả là, Quốc hội khóa XIII đã phải thảo luận nghiêm túc và ra nghị quyết sửa đổi về vấn đề này. Rõ ràng, việc ra quyết sách một cách vội vàng, khi chưa có những cơ sở khoa học chắc chắn, dựa trên ý kiến của một nhóm bao giờ cũng tồn tại khả năng sai lầm, thậm chí bao hàm trong đó cả khả năng tồn tại “lợi ích nhóm” mà Chính phủ đang kiên quyết bài trừ.

Chính vì vậy, với một vấn đề lớn, liên quan đến hàng triệu người lao động cũng như cuộc sống của hàng triệu người già, tương lai của cả một thế hệ trẻ, nên chăng chúng ta áp dụng Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội thông qua tháng 11/2015, đã có hiệu lực từ 1/7/2016 để thực hiện một cuộc trưng cầu rộng rãi về vấn đề tuổi hưu của người lao động, làm cơ sở để quyết định sửa đổi hoặc giữ nguyên luật về tuổi hưu dựa trên ý kiến của đa số được trưng cầu. Khi đó, quyết định được đưa ra sẽ phản ánh chính xác hơn nguyện vọng của người lao động và chắc chắn sự đồng thuận xã hội sẽ cao hơn khi thực hiện.

Đình Hùng

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/chinh-sach-y-dan-va-su-dong-thuan-xa-hoi_t114c68n111374