Chợ cá làng tôi

Chợ cá làng tôi còn gọi là chợ cá Kim Đôi. Kim Đôi là tên làng xưa, bây giờ gọi là Thạch Kim; Kim Đôi cũng có nghĩa là Gò Vàng - Cái Gò Vàng như mũi chân cái nhô ra màu cát vàng vốn là nơi có lạch biển sâu Cửa Sót tàu thuyền về tấp nập. Bây giờ là cảng cá Cửa Sót, cảng cá lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh đã xây khá khang trang, người dân họp chợ cá bán buôn khá rộn ràng nhộn nhịp.

Chợ cá thường bắt đầu họp từ 3 giờ sáng cho đến khoảng 6 giờ thì tan chợ. Đó là khoảng thời gian để đón các loại thuyền, tàu đánh bắt trở về và kịp thời phân phối khơi thông mạch hàng tươi đến các đầu mối, các chợ buổi sáng. Dân quê tôi thường truyền nhau câu nói cửa miệng: Chạy như chạy cá tươi”, nghĩa là cũng một loại hải sản nhưng tươi thì được giá, còn ươn thì mất giá; Mà đặc điểm của hải sản là cá càng ngon, độ đạm càng cao thì dễ ươn vì thế chạy thi với thời gian, với thời tiết nhất là những ngày nắng nóng diễn ra thầm lặng và quyết liệt. Lại có những loại cá đặc sản quý hiếm như: cá mú, cua, ghẹ, tôm hùm, mực nháy thì lại có những đồ chuyên dụng riêng đựng nước biển sạch, sục oxi để cho hải sản sống thì càng được giá.

Khu vực cá câu.

Khu vực cá câu.

Buổi sáng tôi thường có thói quen hay đạp xe thể thao dọc kè chắn sóng và thỉnh thoảng ghé qua chợ cá để mua những loại cá tươi rói từ biển vừa mới đánh bắt về. Nhưng để mua được đúng “hàng câu, hàng chuẩn” không phải dễ. Phải qua mấy lần “đụng” hàng kém chất lượng nói theo kiểu dân quê tôi là phải trả “học phí” tôi mới dần dần tìm ra đầu mối hay chính xác hơn là “lần” ra các giăng mắc ở chợ cá mà người thường mới đến không thể biết được.

Nó như một tấm lưới tàng hình bủa xuống ngày thường, bủa xuống công việc bán mua, bủa xuống mọi mánh khóe của thị trường. Thì ra cứ nhìn mặt bằng đông đúc của chợ cá với muôn sắc màu, sắc áo với muôn giọng nói nhỏ to mà phần lớn là phụ nữ thì ta đâu biết ở đây vô hình thành ba khu vực chợ có biên giới hẳn hoi dù không phân chia rạch ròi mà chỉ có người trong cuộc mới biết và tự nguyện “khoanh vùng” cho mình các khu chợ riêng biệt ấy.

Hằng, cô bé bán cá ở chợ bảo tôi: Chú phải nhìn vị trí tàu thuyền và các loại xe tải đậu dưới nước và trên bờ mới phân biệt được các khu vực chợ cá theo “luật bất thành văn". Khu vực ngoài cùng tính theo chiều ngang của cảng cá từ đường vào là “cá giạ”, nghĩa là đối diện với khu vực các tàu đánh bắt bằng lưới giạ. Thường cá ở đây nhiều, rẻ nhưng không ngon vì chất lượng cá đã ngâm trong hầm cá lâu ngày.

Khu vực tiếp theo là “cá xe”, cá này được bốc dỡ từ các xe đông lạnh đã chở xuống đây từ rất sớm trước khi chợ họp. Cá thường được đựng trong các khay ướp các hóa chất. Cá loại này được đánh bắt từ các tỉnh khác nhập hàng về đây từ các xe tải đông lạnh lớn bỏ mối xuống ngã ba Thạch Long (trên đường quốc lộ 1) để phân ra các xe tải nhỏ đưa về đây bán chủ yếu cho những người ở các nơi khác về mua còn dân địa phương họ không bao giờ mua ăn vì cá ngâm tẩm hóa chất mà thường mua đi bán ở các địa phương xa khác.

Khu vực cuối chợ là “cá câu” đối diện với các tàu thuyền câu nhỏ hơn các tàu giạ lớn đậu san sát mép cảng. Tàu thuyền câu này chủ yếu là của dân địa phương, đánh bắt thời gian ngắn, hải sản tươi roi rói chưa “qua đá” và các hóa chất bảo quản. Ở khu vực này từng dãy cá thu xếp hàng dài cỡ 10kg trở lên da cá còn bóng nhẵn mắt cá ánh ngời lân tinh; những rổ mực như còn nhấp nháy óng ánh tươi rói; những khay tôm vằn biển như còn búng càng thon thót tí tách.

Tôi hỏi Hằng: Phân biệt cá câu với cá xe thì nhìn vào đâu để biết. Hằng bảo: Chú cầm con cá lên thì dễ nhận ra cá câu: Mang cá đỏ hồng còn nhớt mắt cá sáng và trong, thân cá còn cứng căng như cá đang còn cựa quậy trong lòng tay mình. Còn cá xe thì mang cá thâm xám, mắt cá lờ đờ đỏ và thân cá mềm dù đã được rửa sạch nước biển để không ai biết đã ướp qua đá và hóa chất ngâm tẩm.

Khu vực cá giạ.

Khu vực cá giạ.

Qua việc buôn bán ở khu vực cá câu chiếm địa bàn rộng nhất ở chợ cá tôi còn biết thêm nhiều bí ấn thú vị. Đầu tiên con cá đưa từ thuyền lên bờ là phải trả tiền công cho người chuyển cá gọi là “tiền bánh” thường chuyển một tạ cá thì được 200.000 ngàn đồng. Sau đó vợ “nhà nghề” ra giá. “Nhà nghề” là chủ thuyền, người bỏ tiền ra đóng tài sản mà mua các dụng cụ câu lưới để thuê bạn chài xuống đi đánh bắt.

Chợ cá làng tôi lâu nay còn có một từ thông dụng hay dùng là “cá xe” - là các xe ôtô đông lạnh chở cá các nơi về đây để bán khi ngư trường cá quê tôi hiếm dần và nghề vó ánh sáng ở đây không còn tồn tại vì thế mới có câu “cá xe đè cá vó”. Nhưng còn một loại cá xe khác là xe máy của dân làng tôi chở cá tươi, cá nướng vào các chợ nông thôn bán. Cá xe thô sơ nhất là phương tiện xe đạp đèo cá len lỏi vào các ngõ xóm đến từng nhà rao bán. Cá cứ thế đi muôn nơi mang vị đậm đà biển khơi lộng gió đến với từng bữa ăn gia đình Việt thuần nông có thêm chất tươi, chất đạm.

Hằng còn cho biết thêm giờ có thông tin hiện đại nên “chợ cá ảo” trên mạng của quê tôi đã vươn ra đến tận Hà Nội. Tất nhiên, phải là cá câu, cá chuẩn, cá có thương hiệu uy tín, cá của làng bán cho các ki ốt của người làng ngoài đó. Thông qua Facebook, qua các video, nhất trí gửi theo xe giường nằm từ quê tôi ra bến xe Nước Ngầm, Mỹ Đình sau khi đã đóng thùng cẩn thận, đúng tiêu chuẩn gửi cá tươi sạch trong thời gian ngắn nhất và nhận tiền gửi qua tài khoản.

Tôi hỏi Hằng: Dân gian có câu “chim, thu, bù, ngứa” là sự sắp xếp thứ tự các loại cá ngon đúng không, bởi thấy có rất nhiều loại cá đặc sản rất đắt hiếm nhưng không được xếp loại ở đây như cá nhở. Hằng nói: Câu ấy chưa chính xác lắm vì cá ngon, cá béo phải đúng mùa “mùa nào thức ấy”, ví như mùa hè đánh vó mành thì được nhiều loại cá nục, cá chuối, còn cá thu, cá trồi đánh bắt bằng câu vằng, loại sợi dây câu dài nhiều lưỡi câu cá được nhiều nhưng béo theo con nước. Mùa đông chủ yếu cá béo nằm sát đất như cá hồng, cá mú, cá nhở. Đặc biệt là con mực.

Hằng được gọi là chuyên gia “mực câu” bởi bằng kinh nghiệm của mẹ truyền lại đã nắm được nhiều bí quyết, bí mật, mà bí quyết lớn nhất vẫn là sự thật thà sòng phẳng trong bán mua mực. Vì mực là “mực nẹo” mực gắn với nhưng gì đen tối và cùng có người đã dùng thủ đoạn để buôn mực giả dối.

Ví như: họ dùng bàn là để là phẳng con mực to rộng hơn sau đó ướp vào nền đất ướt một đêm. Mực hút chất đất lên màu da phấn trắng phơi nặng hơn nhiều nhưng nướng lên thì khét lẹt. Còn mực của Hằng mua ở chợ cá Kim Đôi thường là mực một nắng mổ phơi ngoài biển ướp cái nắng cái gió trong lành của đại dương, ướp cả tình người rộng mở phóng khoáng của người dân chài, ướp cái linh khí của đất trời cao rộng nên có chất lượng đặc biệt rất ngon của vùng quê biển nơi đây: Mực ngon, ngọt là món đưa cay rất tuyệt.

Sở dĩ mực ở chợ cá làng tôi ngon là vì nồng độ nước mặn ở đây đủ độ mặn, đủ độ lạnh cần thiết. Mực ở biển trong miền Nam không ngon không béo bằng ngoài này bởi nước biển quanh năm trong đó nóng làm tiêu hao mỡ con mực. Ngoài này nước biển lạnh nên mực sinh ra mỡ để chống lại độ lạnh sâu của nước.

Chợ cá làng tôi, kẻ bán người mua trao nhau cá tươi, tiền tươi. Chợ chỉ họp một vài giờ mà lao xao ấm áp cả một vùng quê, giao dịch với nhau theo khay theo mớ ước lượng giá bán lượng mua cũng nhanh chóng sòng phẳng. Chợ cá như một tổ ong, tiếng cười nói lao xao nhưng có một trật tự ngầm trong đó không chỉ là sự phân chia từng khu vực định lượng, chất lượng cá mà còn có sợi dây dính kết cộng đồng xã hội của lòng tin và tính cách con người làng biển. Đó chính là vị đậm đà thấm đậm mặn mà chân chất tình người từ ngàn đời ở chợ cá trên Gò Vàng Kim Đôi làng tôi.

Hà Tĩnh, ngày 26/6/2023

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/cho-ca-lang-toi-i700191/