Chờ đợi gì cho năm học mới?

Các giáo viên, học sinh đang bước vào một năm học mới với kỳ vọng là 'bản lề' chuẩn bị cho những đổi mới căn bản, toàn diện cho năm tiếp theo. Thầy trò mong chờ gì trước một năm học quan trọng này?

Học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ (Q.6, TP.HCM) hào hứng trong ngày khánh thành trường và khai giảng năm học mới 4.9.2017 - Ảnh: Hồ Long

Không chạy theo dư luận mà đổi mới nửa vời

Vấn đề giáo dục liên quan đến mọi nhà, mọi người nên chúng tôi đề nghị Bộ GD-ĐT cần hết sức cân nhắc, khi đã ban hành những vấn đề mới, mô hình giáo dục mới… cần phải được nghiên cứu cẩn trọng, đảm bảo yếu tố khoa học, có cơ sở thực tiễn, nhu cầu xã hội có thực sự cần hay không? Một khi đã ban hành thì phải theo đuổi tới cùng, một mặt phải lắng nghe, tôn trọng dư luận xã hội nhưng mặt khác không chạy theo dư luận xã hội. Những vấn đề liên quan đến nội dung giáo dục phải do ngành GD-ĐT quyết định trên cơ sở những nghiên cứu khoa học. Khi ngành GD-ĐT đã đưa vào nhiệm vụ, mục tiêu rồi thì ở địa phương chúng tôi dù khó khăn mấy nhưng thấy thiết thực thì cũng cố gắng làm. Nếu làm được nửa chừng, vì dư luận kêu ca mà chúng ta lại chạy theo hoài thì sẽ làm mất niềm tin từ quần chúng nhân dân, từ phụ huynh và nản lòng “chiến sĩ” là chính GV đang thực hiện nhiệm vụ đó.

Nguyễn Thị Minh Giang
(Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang)

Giáo viên cần “thấm” được tinh thần đổi mới

Với tư cách là một người từng là GV, rồi lãnh đạo ở các trường vùng khó khăn, tôi cho rằng vai trò của GV là quan trọng nhất trong việc đổi mới giáo dục phổ thông. Vì vậy, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa có thể lùi lại một vài năm, nhưng ngay từ năm học này, tinh thần đổi mới cần được phổ biến để thấm đến từng GV. Từng người sẽ phải hình dung, phải tiếp thu và áp dụng tinh thần đổi mới ngay trong mỗi giờ học của năm học này, với tinh thần là để HS thích học hơn, học dễ hiểu hơn.

Trần Văn Xuyên
(Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Thanh Hưng, H.Điện Biên, tỉnh Điện Biên)

Mong 2 từ “ổn định”

Năm học mới, tôi chỉ mong 2 từ “ổn định”. Nếu thời gian tới Bộ GD-ĐT có bất cứ thay đổi gì thì phải mang tính dài hơi và có một kế hoạch cụ thể. Việc thay đổi không nên thông báo một cách đột ngột khiến GV, HS trở tay không kịp dẫn tới mệt mỏi. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, GV cần thay đổi lối dạy giúp HS năng động hơn để thích ứng với xu thế toàn cầu hóa. Giáo dục ở VN hiện nay có sự cách biệt rất lớn giữa các tỉnh và thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và các vùng núi, dân tộc. Để giáo dục đạt mục tiêu đồng đều, mang tính quốc gia thì Bộ cần quan tâm nhiều hơn nữa tới cơ sở vật chất trường học, đường sá của các trường thuộc vùng cao, vùng khó khăn. Không chỉ là tăng lương, giảm việc mà còn mở đường, giúp trường học ở vùng cao thực sự trở thành những điểm sáng về văn hóa.

Nguyễn Viết Đăng Du
(GV Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3)

Quan tâm nhiều hơn đến bậc mầm non

Không những thiếu GV mà cơ sở vật chất ở nhiều trường mầm non cũng còn rất hạn chế. Để có chỗ học, nhiều trường phải ghép lớp, học tạm ở các phòng chức năng... Bộ cần quan tâm nhiều hơn tới khối mầm non. Hiện tại, ở trường mầm non, GV thường phải kiêm nhiệm. Ngoài ra, cũng rất ít trường mầm non có thư viện trong khi trên thực tế thư viện đối với khối mầm non cũng rất quan trọng.

Lữ Thị Hiển
(Phó hiệu trưởng Trường mầm non Lý Nhân, Vĩnh Phúc)

Không để học sinh bị sốc

Việc đổi mới diễn ra liên tục khiến GV, HS đều rất thấp thỏm. Chỉ mong năm học mới sẽ không có quá nhiều thay đổi. Nếu có thay đổi thì làm sao để không khiến HS bị sốc và gặp khó khăn. Những cải cách nên dựa trên khảo sát đa dạng giữa các vùng.

Phan Thị Trang
(GV Trường THPT Lê Xoay, Vĩnh Phúc)

Mong lương giáo viên có nhiều khởi sắc

Tôi mong một năm học vui vẻ và không còn phải lo lắng vì những thay đổi liên tục trong các kỳ thi sắp tới. Mong có cơ hội được sáng tạo nhiều hơn thay vì phải thực hiện một cách ép buộc các đề án khơi ra nhưng không đi đến đâu. Mong một năm bình yên, không phải lo sợ với chủ trương trao quyền cho hiệu trưởng trong việc đánh giá GV. Mong một năm lương GV có nhiều khởi sắc, đồng nghiệp không còn phải dạy thêm, không còn phải bán rau, bán hàng trên mạng mà yên tâm sống với nghề mình đã chọn. Thật lòng mong học trò mình sẽ vui vẻ hạnh phúc khi đến trường chứ không phải mang trên vai áp lực của thành tích và sự kỳ vọng thành công.

Đỗ Đức Anh
(GV Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)

Môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện

GV chúng tôi mong muốn mọi kế hoạch của Bộ phải ổn định, đặc biệt là các quy định về thi cử để GV chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy cho HS. Ngoài ra, việc tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực cả ngành phải căn cơ và tạo sự tin tưởng để GV yên tâm trong công việc. Đồng thời chúng tôi cũng cần một môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, thoải mái chứ không còn những ức chế khi phải lo sợ cán bộ quản lý chưa công tâm.

Nguyễn Bình Minh
(GV Trường THPT Gò Vấp, TP.HCM)

Lắng nghe tâm tư của học sinh

HS ngày nay đã năng động và sáng tạo hơn, có những ý tưởng mang tính hiện thực cao. Do vậy, lắng nghe tâm tư của HS cũng là một cách để khoảng cách thầy trò được thu hẹp lại và cùng xây dựng một môi trường học tập thân thiện và hòa đồng.

Điều mong muốn của em là nhà trường có thể tạo mọi điều kiện cho HS được nói lên nguyện vọng của mình. Ngoài ra cũng mong nhà trường tổ chức buổi tọa đàm với quy mô lớn, ở đó chúng em sẽ được trực tiếp trao đổi với các thầy cô, nghe thầy cô nêu những phương án giải quyết và cùng bàn bạc để đi đến sự thống nhất chung.

Nguyễn Đức Tân
(HS lớp 11 tại Q.Bình Tân, TP.HCM)

T.Nguyễn - B.Thanh - L.Ngọc

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/cho-doi-gi-cho-nam-hoc-moi-872289.html