Chờ đợi gì ở Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016?

Với tuổi đời còn quá trẻ, LHP quốc tế Hà Nội lần thứ IV sẽ hấp dẫn bằng nét riêng của mình hơn là chạy theo các LHP quốc tế danh tiếng khác trong khu vực. Vậy LHP lần này sẽ mang đến cái gì và cho ai?

Công chúng được lợi

Việc quy tụ được nhiều tác phẩm xuất sắc của điện ảnh thế giới từ kinh điển đến đương đại, mới ra lò năm 2016 là một thành công của BTC. Nó giúp công chúng có cơ hội được thưởng thức phim hay đích thực trên màn ảnh rộng.

Trong chương trình phim Ý, có 5 phim đều đáng xem. “Con đường” (The road) kể về cuộc đời của một cô gái bị đem đi bán để rồi trên hành trình cuộc sống, một chàng trai khiến cô phải xem xét lại sự lựa chọn về cuộc đời. Phim của đạo diễn Federico Fellini từng giành Giải Sư tử bạc tại LHP Venice 1954, Giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1957. Hay câu chuyện về một gia đình nhập cư từ phương nam - phim “Rocco và những người anh em” (Rocco and his brothers) của đạo diễn Luchino Visconti đã đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim hay nhất tại giải Quả cầu vàng 1961. Phim “Phép màu ở Milan” (Miracle in Milan) khai thác cuộc sống của những người nghèo thời hậu chiến - đạo diễn Vittorio De Sica - Phim hay nhất tại LHP Cannes năm 1951.

Bộ phim “Son of Saul” chiếu tại Haniff 2016.

Tiêu điểm LHP là điện ảnh Ấn Độ - nền công nghiệp điện ảnh khổng lồ với trên dưới 1.000 phim xuất xưởng hàng năm, nhiều hơn Hollywood và ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ. Các phim được chọn lựa lần này đều là phim mới, được đánh giá cao tại Ấn Độ và nhiều LHP quốc tế, như “Cây cầu Sohra” (Sohra Bridge), “Tìm kiếm” (The quest), “Thẩm vấn” (Interrogation), “Chúng ta tin vào lòng tham” (In greed we trust)… Trong đó, “Cinemawala” (Cinemawala) khai thác mối quan hệ giữa hai cha con, với quan niệm về cuộc sống và điện ảnh, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Kaushik Ganguly - một trong những nhà làm phim thành công nhất của Ấn Độ, từng được trao tặng Giải thưởng UNESCO Fellini tại LHP quốc tế Ấn Độ 2015.

Các phim mới của Iran và nhiều nền điện ảnh lớn trên thế giới cũng rất đáng chờ đợi. Đáng chú ý còn có bộ phim đánh dấu sự tái xuất huy hoàng của điện ảnh Hungaria “Son of Saul” - Giải thưởng lớn Cannes 2016, cuốn người xem đi bằng câu chuyện về đức tin, tình cha con, khi người cha đưa xác con trai tránh khỏi lò hỏa thiêu của phát xít Đức, tìm một giáo sĩ Do Thái để làm một đám tang theo nghi lễ Do Thái. Phim của đạo diễn Laszlo Némes có nhiều thủ pháp giàu tính nghệ thuật từ xử lý tiết tấu, góc máy, độ nét trong mỗi khung hình, sự thực và tính biểu tượng…

Người trẻ thêm cơ hội

Trại sáng tác Haniff là một thành công đáng kể trong các kỳ LHP quốc tế. Lần này, Cục Điện ảnh tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ phim Cầu nối đỏ (Redbridge) tổ chức Trại sáng tác Haniff từ 1.11 - 5.11.2016. Đây là diễn đàn trao đổi học thuật và kinh nghiệm làm phim, phát triển dự án phim của các đạo diễn trẻ với các chuyên gia điện ảnh hàng đầu khu vực và quốc tế theo 3 chuyên ngành quay phim, biên kịch và đạo diễn. Năm nay trại sáng tác có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh nghiệm đến từ Hàn Quốc, Đức và Mỹ với sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác như Viện Goethe, MPA, KAFA, KOFIC... Đây sẽ là điểm hội tụ các bạn trẻ có tài làm phim ở Việt Nam và là một dạng workshop hữu ích để phát triển các kỹ năng điện ảnh, cũng như mở rộng tầm nhìn cho các nghệ sĩ trẻ. Các tên tuổi như Nguyễn Hoàng Điệp (“Đập cánh giữa không trung”) nổi lên từ đây và ngay cả đạo diễn U.60 như Síu Phạm (“Đó hay đây”, “Căn phòng của mẹ tôi”…) cũng từng hào hứng tham gia trại Haniff.

Còn mục tiêu quảng bá du lịch?

Mấy năm gần đây, điện ảnh Việt chú ý tới việc bắt tay với du lịch để quảng bá các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam. Từ việc nhiều phim Việt chú ý chọn điểm du lịch đẹp để quay, với những cảnh mướt mắt, nuông chiều thị giác (tiêu biểu như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”) và có phim được ghi nhận bằng giải thưởng trong nước. Đến việc tổ chức các triển lãm quảng bá, các hội thảo chuyên đề… để làm sao Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà làm phim ngoại quốc đến và dĩ nhiên là tăng lượng du khách vào, khi điện ảnh chính là cơ hội để quảng bá du lịch.

Nhưng hiệu quả thực sự của việc quảng bá du lịch vẫn chỉ là hy vọng trong tương lai gần. Lác đác có thể có một vài phim quay đẹp mà nhờ đó khách du lịch có lựa chọn điểm đến trong phim, nhưng chưa thể đáp ứng mong muốn của những nhà tổ chức.

Vẫn là một giấc mơ xa khi nhìn sang quốc gia láng giềng như Campuchia với kỳ quan Angkor Wat hay các điểm đến du lịch nổi tiếng của Thái Lan: Phuket hay Ayutthaya, Chiangmai… đã trở thành địa điểm lý tưởng cho nhiều nhà làm phim quốc tế.

Năm nay, LHP quốc tế Hà Nội cũng mong muốn quảng bá du lịch khi lần đầu tiên tổ chức chiếu phim ngoài trời kết hợp với biểu diễn thời trang Việt Nam - Italia tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám trong 3 đêm (2 - 4.11). Một triển lãm dạng “đến hẹn lại lên” là “Bối cảnh Việt Nam trong một số phim nước ngoài” do Viện Phim Việt Nam thực hiện, cũng như một chương trình phim về Hà Nội và có giải thưởng của Hà Nội cho phim dài xuất sắc. Tuy nhiên, việc kết hợp để tổ chức các tour du lịch quanh Hà Nội nhân dịp LHP thì vẫn chưa thể làm được!

(còn tiếp)

VIỆT VĂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/cho-doi-gi-o-lien-hoan-phim-quoc-te-ha-noi-2016-597826.bld