Chợ nêu làng biển

Trong khi tục dựng cây nêu ngày Tết ở nhiều nơi đã dần mai một theo thời gian thì với người làng biển ở xã Thanh Trạch, Hải Trạch, Đức Trạch… (huyện Bố Trạch – Quảng Bình) vẫn giữ được truyền thống này. Với họ, cây nêu không chỉ là biểu tượng thiêng liêng để tránh những điều xui xẻo và đón nhận may mắn cho năm mới mà còn thể hiện tinh thần hướng biển...

Người dân lựa chọn cây nêu ngày Tết.

Sự tích cây nêu

Từ xưa, hình ảnh cây nêu ngày Tết trở thành biểu tưởng văn hóa độc đáo mang ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” của người Việt Nam. Cây nêu là một trong những thứ không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về và thường được nhắc trong câu ca: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Ngày nay, theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu thì cây nêu là để cầu may mắn, bỏ qua những muộn phiền trong cuộc sống, hòa mình với thiên nhiên đất trời. Còn với người dân ở các làng biển Bố Trạch, trồng cây nêu ngày tết không những là biểu tượng thiêng liêng để tránh những điều xui xẻo và đón nhận may mắn cho năm mới mà còn thể hiện tinh thần hướng về biển.

Trong lịch sử mấy trăm năm lập làng, tục dựng cây nêu ngày tết được truyền qua nhiều thế hệ và được giữ gìn cho đến tận ngày nay. Ông Lê Xuân Cường, ở làng Lý Hòa (xã Hải Trạch, Bố Trạch)- một trong những bậc trưởng bối cho biết: Người Lý Hòa chủ yếu làm nghề buôn bán và đi biển. Người làng tin rằng, cây nêu mang lại may mắn cho họ trong năm mới và là thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Ngày xưa, dân chài đi biển vẫn thường cắm nêu trong những chuyến biển đầu năm, cây nêu là biểu tượng để cầu cho trời yên biển lặng và thể hiện tinh thần hướng biển. Bởi vậy, ngọn nêu của người Lý Hòa hay của ngư dân làng biển ở huyện Bố Trạch khi nào cũng phải hướng về phía Biển Đông.

Nhộn nhịp chợ nêu

Cây nêu với người làng biển Bố Trạch có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vậy được lựa chọn rất kĩ càng. Cứ sau ngày 25 tháng Chạp, người dân ở các làng biển Bố Trạch dù bận rộn thế nào cũng cố gắng tìm cho bằng được một cây tre thật ưng ý để dựng cây ngày Tết. Vì vậy, những chợ nêu làng biển được nhóm họp một lần duy nhất trong năm ngay tại bờ biển hoặc cửa sông để thuận tiện cho việc di chuyển tre theo bè mảng từ trên nguồn về.

Ngày trước, cứ gần Tết Nguyên đán, những hộ ngư dân sống trên những con thuyền dọc theo sông Lý Hòa, sông Gianh lại ngược nguồn tìm mua những cây tre thân thẳng, lóng đều, không có lỗ sâu kiến, đặc biệt là ngọn tre dong thẳng để đem về phục vụ ngư dân các làng biển ở huyện Bố Trạch. Ngày nay, đường sá đi lại thuận lợi nên chợ nêu được bày bán ở chợ hoặc những điểm thuận tiện để dễ dàng vận chuyển cây nêu.

Ông Lê Xuân Cường cho hay, thân cây tre phải được tỉa tót nhẵn bóng. Các mắt trên thân tre phải cứng, đầy đặn chỉ cần một lỗ kiến hay mối đục là bị loại ngay. Phía ngọn vẫn còn đủ cành lá và hơi cong. Quan trọng nhất là ngọn cây nêu phải luôn chọc thẳng hướng lên trời để cầu mong một năm làm ăn luôn tấn tới. Cây nêu ngắn hay dài nhưng bắt buộc khi dựng lên ngọn nêu phải cao hơn nóc nhà vì vậy tùy mỗi gia đình nhà cao hay thấp mà chọn nêu cho hợp lí.

Cũng bởi tiêu chuẩn chọn cây nêu được đặt ra rất khắt khe nên giá thành đội lên rất cao. Ông Hồ Sĩ Trị, 63 tuổi, ở thôn Thanh Khê (xã Thanh Trạch) cho biết: Trước Tết, tre được các thương lái lên tận Tuyên Hóa, ra Hà Tĩnh mua từng xe ô tô tải chở về tập kết ngay chợ Thanh Khê, ngã ba đường ra cảng Gianh. Người làng cứ vậy đua nhau chọn cho nhà mình cây ưng bụng nhất. Trung bình mỗi cây tre có giá từ 300 – 500 ngàn đồng tùy vào tầm vóc nhưng có khi cả 10 cây mới chọn được một.

Khi đã chọn được cây tre ưng ý, người làng biển ở huyện Bố Trạch đưa về nhà và gác lên mái nhà, tuyệt nhiên cây tre để dựng nêu không được nằm dưới đất để tránh người khác vô ý bước qua. Nếu có người vô tình bước qua cây nêu thì chắc chắn phải hứng chịu cơn giận dữ từ gia chủ, có khi còn bị một trận đòn vị tội “không biết ý”.

Lễ thượng nêu

Ở những vùng quê khác, người dân tiện khi nào thì dựng nêu khi ấy, miễn là trước đêm giao thừa, còn với người dân làng biển Bố Trạch thì khác. Với họ thì truyền thống dựng cây nêu vẫn được giữ mãi cho đến ngày nay.

Dựng nêu cũng phải làm lễ và theo trình tự trước sau, gọi là lễ thượng nêu. Ông Lê Xuân Cường cho biết thêm, đúng 12h trưa ngày 30 Tết các bậc trưởng bối, trưởng họ cùng người dân tập trung ở đình làng để bắt đầu làm lễ. Khi lễ cúng các vị thành hoàng của làng xong thì mọi người cùng thượng nêu trước cửa đình. Đình làng được dựng 2 cây nêu to, đẹp nhất, một bên Đông và một bên Tây. Sau đó lần lượt làm lễ thượng nêu ở các miếu, đền quanh làng rồi đến nhà thờ tổ của các dòng họ. Cuối cùng ai về nhà nấy và làm lễ thượng nêu ở gia đình mình.

Quá trình làm lễ thượng nêu, khi cây hương đã cháy một nửa mới được phép dựng nêu. Cây nêu được chôn dưới một hố đất đã được đào sẵn giữa sân hoặc trước cửa nhà, và theo quan niệm của người làng, khi hạ nêu nếu mắt của thân cây tre càng sát mặt đất thì năm đó chắc chắn ăn nên làm ra. Đặc biệt nhất nếu mắt tre trong mấy ngày tết mà nảy chồi thì nhà đó sẽ có một năm phát tài.

Ngày nay, người làng Lý Hòa khi dựng nêu thường treo cùng cờ Tổ quốc và kèm theo bóng đèn điện. Với những người theo nghề biển họ có thể treo thêm chùm lưỡi câu ở ngọn cây nêu để cầu may mắn luôn đồng hành cùng những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió, cá được ruốc dày.

Cây nêu ở các làng biển Bố Trạch được dựng vào ngày 30 Tết và đến ngày 7 tháng Giêng sẽ được người làng làm lễ hạ nêu để bắt bầu cho một năm mới với nhiều mong đợi.

Xuân Thi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/cho-neu-lang-bien/86965