Chờ ở “thì tương lai”

Những bất cập về hạ tầng giao thông (GT) ở miền Trung đã là câu chuyện dài, là vấn đề thời sự nóng bỏng, đặc biệt khi vào mùa mưa lũ và cận Tết Nguyên đán. Các tuyến QL1A, đường Hồ Chí Minh qua miền Trung, các QL tuyến đông - tây và hệ thống GT miền núi các tỉnh miền Trung thường xuyên ách tắc, trong khi giải pháp khắc phục vẫn phải trông đợi ở “thì tương lai”, do đầu tư không đồng bộ và thiếu tiền.

Đầu tư manh mún

Không chỉ ngân sách nhà nước đầu tư với mức hàng ngàn tỉ mỗi năm để mở rộng, nâng cấp, thay thế cầu cũ... đảm bảo lưu thông tuyến huyết mạch Bắc - Nam là QL1A, mà hơn 10 năm qua, Chính phủ, ngành GTVT đã đầu tư rất nhiều để nâng cao năng lực của QL1A từ các nguồn vốn vay ADB, WB. Đặc biệt, các đoạn tuyến đi ngang địa phận Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và dự án ADB3 - Đà Nẵng đi Khánh Hòa được mở rộng, nâng cấp. Dù được đánh giá là đã nâng cao hiệu quả khai thác sau khi cải tạo, nhưng QL1A vẫn không giải quyết được vấn nạn tắc đường mùa mưa lũ và cao điểm cận tết. Nguyên nhân chính là “con đê” này tuy được đắp cao nhưng không đồng bộ. Có thể cả trăm cây số được thông suốt, nhưng chỉ cần 2-3 điểm bị ngập nặng thì toàn tuyến QL1A tê liệt. Thứ hai, có quá nhiều cầu yếu, khổ cầu hẹp chưa được thay thế. Cầu chìm trong lũ thì GT đồng nghĩa với tắc nghẽn.

Đường Quảng Nam - Kon Tum xảy ra sạt lở lớn ở hàng chục điểm, ách tắc giao thông hàng tuần sau đợt lũ 6-9.11. Ảnh: T.T.Thư

Theo Khu quản lý đường bộ 5, chỉ riêng 600km QL1A từ Đà Nẵng đến giáp Ninh Thuận có trên 300 cây cầu. Phần lớn các cây cầu này đã lão hóa, chờ sập từng ngày mà dự án thay thế thì chỉ được rót nhỏ giọt. GĐ Khu quản lý đường bộ 5 - ông Võ Đình Dũng - thừa nhận năng lực đảm bảo GT đoạn qua miền Trung hiện chưa tương xứng với quy mô phát triển kinh tế, đô thị, song với điều kiện cơ sở hạ tầng như hiện nay thì khó tránh khỏi những tồn tại. Dù đã được đầu tư nhiều tiền của, song các dự án đều triển khai theo kiểu chắp vá.

Cần giải pháp đồng bộ

Trong khi đó, các QL tuyến ngang đông - tây nối QL1A với đường Hồ Chí Minh và lên Tây Nguyên cũng chẳng hơn gì. Mùa mưa, các tuyến QL 14B, 14E và đặc biệt đường Quảng Nam - Kon Tum bị sạt lở, cô lập các địa bàn. Còn hệ thống GT miền núi do các tỉnh quản lý thì cứ mưa to lũ lớn là “tổn thương” do sạt lở, tắc đường. Ông Trương Văn Cận - GĐ Sở GTVT Quảng Nam - nói: “Mặc dù có quy hoạch GT miền núi, nhưng thiếu đồng bộ và thiếu tiền. Quy hoạch đường là vậy, nhưng sau đó quy hoạch làm thủy điện thì nhiều tuyến đường chìm trong lòng hồ, phải làm đường mới thay thế trên cao hơn, đồng nghĩa với nguy cơ sạt lở. Ở Quảng Nam có 480km đường tỉnh quản lý nhưng tiền duy tu bảo dưỡng năm 2011 chỉ có 13 tỉ đồng, năm 2012 dự kiến 15 tỉ đồng”.

Ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho rằng: “Việc giải quyết GT, đặc biệt GT miền núi để đảm bảo thông suốt vào mùa mưa lũ và dịp tết đòi hỏi phải đồng bộ giải pháp từ trung ương đến địa phương. Các tuyến đường miền núi cần 5 năm, thậm chí 10 năm sau khi xây dựng mới ổn định, kinh phí duy tu, chống sạt lở có khi cần đầu tư nhiều hơn cả tiền làm đường. Các tuyến đường đến trung tâm xã và đường miền núi - biên giới... do trung ương đầu tư cũng phải tính đến việc đảm bảo đi lại cả năm, chứ hiện nay mùa nắng đi được nhưng mùa mưa thì tắc...”. Ông Võ Đình Dũng cho biết: “Theo quy hoạch, đến 2020, hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam sẽ đưa vào khai thác. Tuyến GT ven biển cũng sẽ được hoàn tất bên cạnh sự ổn định của đường HCM. Hy vọng sẽ giải quyết được những khiếm khuyết đối với hệ thống GT QL1A - đoạn qua miền Trung như hiện nay”.

T.Hải - T.T.Thư

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/cho-o-thi-tuong-lai/66604