Cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ: Cửa vẫn hẹp

(HQ Online)- Theo quy định mới, các DN vừa và nhỏ cần đầu tư dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) khi đáp ứng được các điều kiện sẽ được xem xét cho vay lên tới 70% vốn đầu tư.

DN CNHT không chỉ cần hỗ trợ về vốn mà cần sự quan tâm nhiều hơn nữa trong cả quá trình phát triển, kinh doanh. (Ảnh: HỒNG NỤ)

Chưa thỏa đáng

Để hỗ trợ phát triển ngành CNHT, vào đầu năm 2016, Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT đã được triển khai. Bên cạnh đó, Thông tư 01/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho vay phát triển CNHT cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 22-2. Điều này đã và đang tạo ra nhiều động lực giúp DN ngành này phát triển.

Hy vọng và chờ mong vào sự thay đổi từ các quy định trên, theo ông Trịnh Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghiệp Việt Úc, khó khăn của DN đi vay vốn nằm ở thủ tục, các ngân hàng hiện vẫn yêu cầu DN phải thế chấp tài sản gần tương đương với giá trị được vay. Cùng với tài sản thế chấp, DN phải cho ngân hàng thấy báo cáo tài chính tốt, dự án khả thi. Vì thế, với quy định trong Nghị định mới DN sẽ có lợi hơn, do để vay được vốn, DN chỉ phải thế chấp tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi đã loại trừ tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác cùng một số điều khoản khác.

Cũng nói về những điểm mới trong quy định về việc vay vốn đối với DN CNHT, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Chủ tịch Công ty luật BASICO cho rằng, mặc dù chính sách đã có nhiều ưu đãi giúp DN CNHT vay vốn tốt hơn, nhưng đã gọi là cho vay hỗ trợ, bảo lãnh, vay chính sách mà vẫn yêu cầu tài sản thế chấp tối thiểu 15% vốn vay thì chưa thỏa đáng, có thể vẫn làm khó nhiều DN. Tuy nhiên, với môi trường kinh doanh, pháp luật nhiều rủi ro như hiện nay, vay tín chấp chỉ tốt và được ưu tiên cho các DN sản xuất tốt, lợi nhuận bền vững. Hơn nữa, đã có thời kỳ, DN đi vay phải thế chấp lên tới 100% vốn, nên mức 15% như hiện nay cùng các quy định khác là cũng đã giảm đi nhiều.

Mong chờ nhiều hơn trong việc vay vốn, ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí HTMP Việt Nam cho hay, mặc dù Nhà nước và các ngân hàng hỗ trợ vay lên tới 70% vốn giúp các DN có được nhiều thuận lợi để mở rộng kinh doanh, mua sắm trang thiết bị. Tuy nhiên, đặc thù của DN CNHT là đơn hàng chỉ chốt khoảng 2 tháng/lần nên không thể tính toán, dự báo chính xác lợi nhuận kinh doanh của cả năm, do đó, không phải DN nào cũng dám vay nhiều. Vì thế, lãi suất cho vay trong thời gian tới cần tiếp tục hạ hơn nữa với những ưu đãi hỗ trợ việc vay vốn để DN mạnh dạn đi vay, giúp mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các DN quốc tế.

Thậm chí, ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc kinh doanh, Công ty TNHH dụng cụ An Mi đề xuất, CNHT là ngành tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nên trong thời gian đầu, nhất là với những DN khởi nghiệp, Nhà nước có thể cho DN vay vốn với mức lãi suất 0%, sau đó, lãi suất sẽ tăng dần theo từng năm để DN nhanh chóng thu hồi vốn, sớm trả xong nợ và tiến tới sản xuất có lãi.

Đừng mang tiền cho vay là xong

Do khó khăn còn nhiều, nên các DN ngành CNHT ở Việt Nam đều chờ mong sự hỗ trợ nhiều hơn từ các cơ quan chức năng. Theo đại diện Công ty TNHH dụng cụ An Mi, khi vay vốn, ngân hàng và các cơ quan chức năng không nên chỉ thực hiện mỗi chức năng mang tiền cho DN vay là xong mà cần có hỗ trợ như thẩm định, đánh giá dự án, hướng dẫn DN về tìm kiếm khách hàng, địa điểm xây dựng, thiết bị sản xuất, trong đó, Nhà nước cần chú trọng quy hoạch vùng phát triển CNHT riêng…

Trên thực tế, nhiều DN cho rằng, chiến lược phát triển CNHT cần nhiều mắt xích quan trọng để tương hỗ cho nhau, mà vốn chỉ là một trong số đó. Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh cho rằng, với bối cảnh như hiện nay, DN đang cần nhất là thị trường, nếu không có thị trường thì DN đầu tư bao nhiêu cũng không thể hoạt động kinh doanh, sản xuất, thậm chí dẫn đến phá sản. Vì thế, các DN đang cần sự liên kết để tạo lập thành chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa cho nhau một cách thuận lợi.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Hào chia sẻ, DN Việt Nam đều đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của các DN trong nước mà cả các DN quốc tế. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và gia nhập được vào chuỗi cung ứng không phải việc dễ, chuỗi cung ứng của các DN lớn như Samsung lại càng khó. Do đó, bên cạnh tự thân DN phải nỗ lực, DN cũng cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc thúc đẩy, tạo cơ hội để các DN được phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế, được làm việc, kết nối với những chuỗi cung ứng lớn của thị trường khu vực và quốc tế.

Có thể thấy, không chỉ DN ngành CNHT mà DN các ngành khác cũng đang cần nhiều sự hỗ trợ và giúp đỡ từ các cơ quan Nhà nước, Chính phủ. Tuy nhiên, với bối cảnh hội nhập, sự hỗ trợ sẽ phần nào bị hạn chế hơn, do đó, điều cần thiết là tính chủ động và năng lực quản trị đúng đắn của DN.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cho-vay-dau-tu-cong-nghiep-ho-tro-cua-van-hep.aspx