Chợ xây tiền tỉ rồi... bỏ hoang

Bình Phước hiện có cả chục ngôi chợ xây dựng khang trang với vốn đầu tư cả chục tỉ đồng nhưng lại bỏ hoang vì không có tiểu thương nào chịu vào buôn bán

Để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của người dân, những năm qua, tỉnh Bình Phước đã triển khai xây dựng hàng loạt chợ nông thôn. Tuy nhiên, do không chú trọng việc điều tra, khảo sát, quy hoạch, nhiều ngôi chợ dù được xây dựng khang trang nhưng vẫn phải bỏ hoang, gây lãng phí lớn ngân sách Nhà nước. Dùng... thả trâu bò, đá bóng! Chợ Tân Quan ở huyện Chơn Thành xây dựng xong cuối năm 2006 với tổng kinh phí trên 1,2 tỉ đồng, song gần 3 năm nay vẫn bị bỏ hoang. Tương tự, chợ biên giới Hoàng Diệu ở xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 1,6 tỉ đồng. Thời gian đầu, chợ có 52 tiểu thương đăng ký vào kinh doanh nhưng chỉ được 3 tháng, họ đã phải bỏ đi vì vắng khách. Từ giữa năm 2006 đến nay, công trình này bị bỏ hoang. Chợ Minh Đức ở xã Minh Đức, huyện Bình Long được xây dựng hoàn thành năm 2002 với kinh phí trên 280 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Ba tháng đầu, có 38 hộ đăng ký vào chợ kinh doanh. Tuy nhiên, vì buôn bán ế ẩm, các tiểu thương đã lần lượt bỏ chợ. Suốt 7 năm nay, chợ này cũng bị bỏ hoang. Chợ biên giới Hoàng Diệu ở huyện Bù Đốp – Bình Phước dù xây dựng khang trang nhưng vẫn bị bỏ hoang. Ảnh: Đ.Hiến Ngoài những chợ nêu trên, còn có các chợ Tân Hưng, Tân Phước (huyện Đồng Phú); Bom Bo 2, Thống Nhất (huyện Bù Đăng), Phú Nghĩa (huyện Phước Long)... lâu nay cũng không có người buôn bán. Những chợ này được tận dụng làm sân phơi nông sản, tổ chức hội chợ, ca nhạc, nơi chăn thả trâu, bò hoặc đá bóng... Bà Nguyễn Thị Hiền, ngụ gần chợ Tân Phước, bức xúc: “Cứ mỗi lần có đại biểu HĐND các cấp về địa phương tiếp xúc cử tri, chúng tôi lại phản ánh về chuyện chợ xây lãng phí. Các đại biểu đã hứa sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng để tìm cách khắc phục, song đến giờ vẫn không thấy chuyển biến gì”. Chưa sử dụng đã xuống cấp Lãng phí nhất trong “hệ thống” chợ bỏ hoang ở Bình Phước có lẽ là chợ Đắk Nhau ở huyện Bù Đăng. Năm 2007, UBND tỉnh Bình Phước giao cho Sở Công Thương làm chủ đầu tư xây dựng chợ này với tổng kinh phí 3 tỉ đồng. Cuối tháng 10-2008, chợ Đắk Nhau hoàn thành và được bàn giao cho địa phương. Các tiểu thương trước đây hy vọng chợ Đắk Nhau được xây dựng sẽ có nơi thuận lợi để họ mua bán, song gần một năm qua, chợ vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Tiểu thương không thể vào trong buôn bán do các hạng mục công trình của khu chợ mới này bị xuống cấp. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý chợ Đắk Nhau, cho biết: “Dù chưa đưa vào sử dụng nhưng toàn bộ hệ thống cửa cuốn nằm ở phía Đông của khu chợ đã bị hư hỏng. Nhiều bộ cửa đã rơi khỏi tường nằm chênh vênh trên nền. Ngay cả hệ thống điện thắp sáng bên trong chợ cũng hư hỏng khá nặng”. Do hiện trạng chợ Đắk Nhau như vậy nên toàn bộ 214 tiểu thương trước đây phải tiếp tục mua bán ở lòng lề đường khu vực xung quanh. Khu chợ tự phát này khiến tình trạng ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông ngày càng trầm trọng. Tương tự chợ Đắk Nhau, nhiều ngôi chợ ở Bình Phước dù xây khang trang, tiểu thương chưa vào buôn bán nhưng do bỏ hoang lâu ngày nên đã xuống cấp, như chợ Tân Quan, Minh Đức... Mạnh ai nấy làm Nhiều chợ mới xây ở Bình Phước phải bỏ hoang là do không chọn địa điểm phù hợp. Ông Đoàn Văn Giòng, Chủ tịch UBND xã Minh Đức, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước, khẳng định: “Chợ Minh Đức bị bỏ hoang là do xây nhầm địa điểm - xa khu dân cư”. Một cán bộ Sở Công Thương tỉnh Bình Phước nhận xét: Khi triển khai xây dựng chợ, các đơn vị chức năng thiếu sự phối hợp trong việc điều tra, khảo sát, quy hoạch, mạnh ai nấy làm nên dẫn đến việc chợ xây dựng xong lại bỏ hoang. Một điều bất cập nữa là trong quá trình xây dựng chợ, lãnh đạo địa phương không được tham gia kiểm tra, giám sát. Đến khi bàn giao công trình, dù chợ không đạt chất lượng họ vẫn phải miễn cưỡng ký nhận.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20091021123240412p0c1042/cho-xay-tien-ti-roi-bo-hoang.htm