Cho ý kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Sáng 17/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII; phân tích thêm và thảo luận về các quan điểm, căn cứ lập chương trình, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII theo danh mục các dự án thuộc chương trình chính thức, chương trình chuẩn bị và theo từng lĩnh vực; thảo luận về các biện pháp bảo đảm thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII để khắc phục được các hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm...

Đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII, nhiều ý kiến của các đại biểu cơ bản đồng tình với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 46/TTr-UBTVQH13.

Mặc dù Quốc hội khóa XII chỉ có 4 năm nhưng Quốc hội đã quyết định rất nhiều các vấn đề quan trọng của đất nước. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp tục ban hành được số lượng lớn các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, góp phần tạo lập được khung pháp luật để quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng và an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng cần phải nghiêm túc chỉ ra những tồn tại, thiếu sót đó là việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XII chưa đạt được kết quả như chương trình đề ra, mới thông qua được 67/83 dự án luật, 14 pháp lệnh và 7 nghị quyết.

Trong khi đó, tính đến thời điểm này vẫn còn 53 nghị định chưa được Chính phủ ban hành, làm pháp luật chậm đi vào cuộc sống. Đại biểu nhấn mạnh: "trong 4 năm từ 2007-2011, chương trình đã được điều chỉnh đến 5 lần, điều đó nói lên tính không khoa học và thiếu sự thận trọng và chấp hành không nghiêm, tính kỷ luật trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội."

Trên cơ sở phân tích những mặt còn tồn tại, đại biểu đề nghị Quốc hội nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm và có chế tài xử lý để những điều tồn tại trên không lặp lại ở chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội khóa XIII.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) nêu rõ trong quá trình làm luật, chương trình được ban hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện 3 khâu quan trọng sau khi có chương trình: soạn thảo, thẩm tra, thảo luận rồi quyết định thông qua.

Đại biểu cho rằng ở một số dự án luật, khâu thẩm tra chưa tốt "một số báo cáo thẩm tra khi đại biểu Quốc hội nghiên cứu cũng không biết theo hướng nào. Nên chăng tỏ rõ thái độ của cơ quan thẩm tra và khẳng định theo hướng nào, khi đại biểu Quốc hội nghiên cứu sẽ chuẩn hơn."

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Trong Báo cáo tiếp thu, giải trình đã phân tích kỹ, dự kiến Chương trình rút lại còn 80 dự án luật, 5 dự án pháp lệnh của chương trình chính thức và 37 dự án và 4 pháp lệnh của chương trình dự bị. Tuy nhiên, cả một nhiệm kỳ 5 năm và đã qua kỳ họp thứ 2, nên đại biểu khẳng định "đây vẫn là một số lượng luật cần phải cố gắng hết sức mới có thể đạt được."

Vì lẽ đó đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất số lượng để Quốc hội quyết tâm thực hiện, nhưng cần phải phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên. Theo đại biểu nên tập trung vào 3 tiêu chí để ưu tiên sắp xếp: thứ nhất phải đáp ứng với yêu cầu tái cấu trúc lại nền kinh tế trên 3 lĩnh vực theo nghị quyết của Quốc hội; thứ hai, phải đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại bộ máy nhà nước; thứ ba, phải đảm bảo được an sinh xã hội, đồng thời tăng cường các biện pháp xây dựng pháp luật theo hình thức dùng một luật để sửa nhiều luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề xuất khi trình các chương trình xây dựng pháp luật, phải có đề cương sơ bộ về khung pháp luật, làm rõ sự cần thiết, quan điểm, đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách mới; luật, pháp lệnh được đề xuất đưa vào chương trình phải đưa ra được kết quả điều tra, khảo sát hoặc tổng kết, bằng chứng khoa học để khẳng định sự cần thiết, tránh đề xuất cảm tính và chưa có tính toán cụ thể; các bộ, ngành phải có khung chiến lược xây dựng pháp luật trong từng lĩnh vực, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và lộ trình cụ thể, tránh sự bị động chưa đủ căn cứ cũng trình. Đại biểu đề nghị tiếp tục tăng cường năng lực xây dựng pháp luật cho các đại biểu Quốc hội.

Đối với Thường vụ Quốc hội, trước mắt tập trung kiện toàn, nâng cao vị trí, vai trò, chức năng của Viện nghiên cứu pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để Viện đáp ứng là một cơ quan nghiên cứu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham mưu, tư vấn, cung cấp thông tin, cung cấp các kinh nghiệm để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn cứ xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật...

Tán thành với các giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện Chương trình đã nêu trong Tờ trình, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề nghị sau khi Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị được tổng kết, cần phải đề rõ các giải pháp cụ thể, cả về tổ chức, tài chính, năng lực, thể chế để triển khai rốt ráo chiến lược lập pháp trong Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị cùng với chương trình pháp luật của nhiệm kỳ này.

Đại biểu cho rằng nếu cần thiết Quốc hội phải ra một nghị quyết về tiến độ thời gian thực hiện với các dự án luật đã thông qua tại chương trình này để tổ chức các đoàn giám sát; tăng cường công tác nghiên cứu và năng lực của các cơ quan nghiên cứu hỗ trợ cho xây dựng pháp luật.

Đại biểu cho rằng cần hạn chế văn bản hướng dẫn bằng cách gia tăng việc giải thích Hiến pháp, luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; yêu cầu các Ban soạn thảo soạn thảo ngay nghị định dự thảo kèm theo dự án luật- đại biểu hiến kế.

Đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ sự ủng hộ quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đã nêu là sau kỳ họp này sẽ tổ chức khôi phục lại chế độ hoạt động của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Đại biểu cho rằng nên thành lập các nhóm đại biểu Quốc hội có chuyên môn sâu theo các ngành, lĩnh vực để hỗ trợ cho các Ban soạn thảo trong quá trình làm luật song song với các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra.../.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/cho-y-kien-chuong-trinh-xay-dung-luat-phap-lenh/201111/113695.vnplus