Choáng với "5 cái nhất" ở con đường 700m giữa Thủ đô!

GiadinhNet - Đã nhiều ngày trôi qua, dư luận vẫn chưa ngớt xôn xao về sự kiện đáng ghi vào Guiness Việt Nam: Hơn một ngàn con người cùng một lúc tham gia đổ bê tông một con đường bé cỏn con và ngắn tẻo teo.

Trống dong, cờ mở... chen chúc nhau làm con đường 700 mét!

Đó là con đường đi ra ruộng, dài vẻn vẹn có 700m (theo số liệu của báo Lao Động bài “Hơn 1.000 người chen lấn nhau làm 350m đường” ngày 30/7 trực tiếp đo thì chỉ có… 350m), rộng 5m do Thành đoàn Hà Nội phối hợp cùng huyện Thạch Thất khởi công tại xã Phùng Xá.

Nó có thể được đưa vào sách Guiness Việt Nam bởi 5 cái “nhất”.

Một, đó là con đường tưng bừng nhất, có mật độ người tham gia đông nhất, nhiều bằng biển khẩu hiệu và cờ hoa nhất. Nhìn tấm ảnh người người chen chúc mà không khỏi “rùng mình” về độ hoành tráng.

Cái nhất thứ hai, nó được làm với giá thành… ngạc nhiên nhất. Theo số liệu cung cấp cho các cơ quan báo chí, công trình có tổng giá trị khoảng 1,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về lĩnh vực này cho rằng thực tế, tổng chi phí chỉ khoảng hơn 630 triệu đồng. Cụ thể, 700m x 0,1m x 5m = 350m3 bê tông x 1,5 triệu đồng/m (M200 đá 1x2 giá hiện tại) = 525 triệu đồng. Nếu tính khoảng 25% tiền nhân công (khoảng 105 tr), vị chi 630 triệu đồng là người nhận thầu đã có lãi. Còn nếu theo số liệu của báo Lao Động (350m), chi phí chỉ còn một nửa, hơn 300 triệu đồng.

Thế nhưng con đường này lại có tổng chi phí 1,5 tỷ, trong đó chi cho vật liệu 1,3 tỷ, chỉ riêng phần “ăn uống” đã hết 0,2 tỷ (200 triệu đồng).

Cái nhất thứ ba, công trình thi công phi khoa học nhất. Nguyên tắc thi công bê tông hóa đường giao thông nông thôn là thi công lùi để công nhân không dẫm đạp lên đoạn bê tông vừa làm xong, chưa hóa thạch. Do đó, đoạn đường 700m sẽ được chia hai phần, mỗi phần 350m. Khởi đầu thi công từ điểm giữa của đoạn đường, gồm 2 tốp thợ ngược hướng nhau. Theo tính toán, nhân công tối đa cho phép ở công trình này khoảng 30 người. Nếu nhiều hơn sẽ tạo trở ngại cho việc thi công. Còn nếu với cách thi công “phản kỹ thuật” này, việc con đường nhanh chóng “cát đá một nơi, xi măng một nẻo” là khó tránh khỏi.

Thứ tư, đây là công trình tạo “tạo ra hiệu ứng lan tỏa” nhất. Tuy nhiên, nó không “lan tỏa” nhằm “phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ” như mong muốn của bà Nguyễn Thị Ngà - Bí thư Thành đoàn Hà Nội mà nó “lan tỏa” ngược lại. Điều tiếng! Đã có rất nhiều bài báo viết về “con đường 5 nhất này”.

Thứ năm, nó được hình thành nhờ tư duy “hoài cổ” kiểu trống rong cờ mở, “hoa – đèn – kèn - trống”, một sản phẩm của những năm 60, thế kỉ trước. Tác giả Mi An trong bài “Vô tư chết từ từ nhờ... lãng phí” trên tờ Phụnữ today thốt lên: “Chao ôi, thời buổi này là thời nào rồi mà một vị thủ lĩnh Đoàn Thanh niên vẫn còn đề cao vấn đề “tạo ra hiệu ứng lan tỏa, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ” tới nỗi huy động hàng ngàn con người ra thị uy lực lượng trên con đường bé tý teo như vậy?”.

Có lẽ nhận ra những sai lầm của mình nên tại buổi giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 30/7 vừa qua, đề cập việc huy động 1.000 thanh niên thi công 700m đường, ông Trần Anh Tuấn - phó bí thư Thành đoàn Hà Nội khẳng định sẽ không huy động cả 1.000 thanh niên ở những công trình “đường thanh niên” tiếp theo.

Tuy nhiên, có một điều không cần phải “rút kinh nghiệm”, mà phải hạch toán lại giá thành đồng thời kiểm tra chất lượng và sau đó công khai với báo chí. Tiền thuế của dân là mồ hôi, nước mắt và nhiều khi cả máu. Không thể nhân danh điều này, điều kia để muốn làm gì thì làm, muốn ra sao thì ra rồi cuối cùng chỉ là… “rút kinh nghiệm”.

Rất mong TP. Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ việc này.

Lã Xưa

BLOG rất mong nhận được ý kiến của các bạn xung quanh vấn đề này. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm. Chân thành cảm ơn các bạn.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/blog/choang-voi-5-cai-nhat-o-con-duong-700m-giua-thu-do-20130804095610355.htm