Chọi trâu Đồ Sơn: Tránh 'bần tiện hóa' để lễ hội đi vào 'đường ray'

'Dù ai buôn đâu bán đâu/Mồng Chín tháng Tám chọi trâu thì về/Dù ai buôn bán trăm nghề/Mồng Chín tháng Tám thì về chọi trâu', câu ca dao này vẫn lưu truyền trong văn hóa cộng đồng người dân miền biển Hải Phòng đến ngày nay bởi đã đúc kết giá trị văn hóa của lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng).

Sau sự việc trâu chọi húc chết chủ xảy ra trong lễ hội vừa qua khiến dư luận và các cơ quan chức năng băn khoăn trước vấn đề nên hay không nên duy trì lễ hội này. Để nâng cao hiệu quả trong quản lý và tổ chức lễ hội này, sáng 7-9, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, cơ quan chức năng về lễ hội chọi trâu. Ý kiến của các đại biểu tham dự tọa đàm đã tập trung góp ý về vấn đề quản lý và duy trì, phát triển lễ hội chọi trâu đã có từ nhiều năm nay.

Hình ảnh trong một lễ hội chọi trâu. Ảnh: Báo Hải Phòng.

Cấm lễ hội chọi trâu là không nên và không thể

Lễ hội chọi trâu gọi theo chữ Hán là “đấu ngưu”, là một tập tục cổ, có từ xa xưa, một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Với những ý nghĩa giá trị độc đáo, năm 2000, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Nhà nước công nhận là 1 trong 15 lễ hội lớn của Quốc gia và năm 2013 được Bộ VHTTDL ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ở Việt Nam. Một trong những đặc điểm nổi bật của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là tính cộng đồng liên làng với triết lý “Trống mọi làng cùng đánh, Thánh mọi làng cùng thờ” để tưởng nhớ công ơn của các vị thần, để cầu nguyện cho “nhân khang, vật thịnh”. Đồng thời, củng cố tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, duy trì kỷ cương làng xã.

Theo GS, TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có lịch sử hình thành từ rất lâu đời, gắn với “tục chọi trâu để tế thủy thần” của cư dân vùng biển, một trong những nghi lễ phổ biến từ thời Lý mà năm Mậu Tý 1048 Lý Thái Tông ban hành “Chiếu định phép chọi trâu về mùa xuân”. Cho đến nay, lễ hội này vẫn được duy trì và thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và cả nước. Sau 27 năm tổ chức liên tục, lễ hội chọi trâu diễn ra vào ngày 1-7 vừa qua, trâu số 18 húc chết chủ nhân của mình ngay tại sới chọi. Đây là một tai nạn đáng tiếc, là nỗi đau không chỉ của gia đình nạn nhân mà còn là của người dân Đồ Sơn. Hơn nữa, hiện tượng thịt trâu bày la liệt tại lễ hội, giá vé xem vào cửa quá cao, tình trạng cá cược, cờ bạc công khai nhưng không bị nhắc nhở, xử lý đã khiến cho lễ hội chọi trâu bị “biến tướng”.

Theo GS,TS Nguyễn Chí Bền, nguyên cán bộ Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, việc “nóng vội”, áp đặt cấm lễ hội, cấm chọi trâu là không nên và không thể nhưng duy trì theo mô hình cũ cũng không được. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, chứng tỏ lễ hội này chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn (Hải Phòng) phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn (Hải Phòng) cho biết: Ở Đồ Sơn, từ trẻ con đến người già đều thích lễ hội này, sau sự cố xảy ra vào ngày 1-7, lễ hội bị tạm dừng, người dân rất buồn. Các phường của Đồ Sơn đã tổ chức tiếp xúc cử tri và tọa đàm cho nhân dân về vấn đề này, tất cả mọi người đều có nguyện vọng mong muốn lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn tiếp tục được tổ chức. Như vậy, có thể khẳng định, lễ hội này không chỉ là di sản mà còn là động lực để phát triển kinh tế và cũng là sản phẩm du lịch mà người dân Hải Phòng đang hướng đến. Đồ Sơn có nhiều sản phẩm du lịch trong đó lễ hội chọi trâu là một trong những sản phẩm du lịch đó.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa, PGS, TS Trần Lâm Biền, không thể bỏ được lễ hội chọi trâu Đồ Sơn và nếu bây giờ cấm thì sau đó lễ hội này vẫn trỗi dậy bởi khi cấm thì chúng ta không rõ được bản chất của lễ hội này thế nào. Là người nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, bản thân tôi cũng cảm thấy băn khoăn vì tất cả những con trâu khi bước vào lễ hội thì không còn là trâu nữa mà còn là một khía cạnh của tâm linh. Những hiện tượng đem giết trâu để bán thịt không hề có trong lịch sử lễ hội chọi trâu. “Sự bần tiện hóa” lễ hội này cần phải chấn chỉnh lại ngay để các lễ hội đi vào “đường ray” của lễ hội truyền thống, để tâm hồn người Việt ngày càng tốt đẹp hơn.

Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS, TS Trần Lâm Biền.

Cần phải đổi mới phương pháp tổ chức, quản lý lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội, phần lễ là những nghi lễ trang trọng thấm đẫm văn hóa tâm linh của người dân Đồ Sơn, trong đó có lễ dâng hương, gồm nhiều nghi thức và được tổ chức trang trọng. Nhân dân Đồ Sơn tổ chức phần lễ theo đúng nghi lễ của cha ông. Phần hội gồm 2 vòng thi của các “ông trâu”, vòng loại vào ngày 8-6 và vòng chung kết vào 9-8 (Âm lịch) hằng năm. Với những pha đấu gay cấn, dũng mãnh của các ông trâu thì đây là một lễ hội thể hiện tinh thần thượng võ của người dân Đồ Sơn chứ không phải là sự hiếu chiến.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện Văn hóa Thăng Long đề nghị Bộ VHTTDL cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, phân công, phân nhiệm cụ thể từng cấp, từng bộ phận, cá nhân… đảm bảo công tác chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ, quyền hạn và trách nhiệm cá nhân rõ ràng. Làm được như vậy thì việc quản lý lễ hội sẽ đi vào nền nếp, không xảy ra những sự cố đáng tiếc và giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội.

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: UBND quận Đồ Sơn phải tổ chức lễ hội theo đúng giá trị gốc của di sản (theo hồ sơ lễ hội đã được công nhận). Cụ thể: Từ khâu chuẩn bị vật lễ, tổ chức lễ rước nước, nghi thức tế thần linh, nghi lễ “Tống thần”… phải tuân thủ theo nghi thức truyền thống. Kịch bản nghi lễ cần tham khảo ý kiến đóng góp của những người cao tuổi am hiểu về di sản, cùng với sự giám sát của cộng đồng trong việc tổ chức lễ hội. Tránh tình trạng giảm phần lễ, chú trọng phần hội, làm mất đi những giá trị độc đáo của lễ hội truyền thống.

GS, TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng: Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lễ hội chưa theo kịp tình hình thực tiễn, chậm xây dựng và điều chỉnh những quy định của Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các văn bản chưa nghiêm. Trong đó, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, sử dụng các nguồn thu từ công đức và dịch vụ chưa đúng mục đích, minh bạch, chưa tương xứng với nguồn kinh phí cung tiến và công đức của du khách, chưa theo kịp tình hình thực tiễn, là một trong những vấn đề tiêu cực phát sinh chưa có chế tài cụ thể xử lý.

Nói về công tác tổ chức lễ hội chọi trâu thời gian qua, ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết: Công tác tổ chức lễ hội còn một số hạn chế, quy chế tổ chức lễ hội chưa được chú trọng, công tác đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách còn những hạn chế. Sau sự cố hy hữu xảy ra tại vòng đấu loại chọi trâu vừa qua thì quận Đồ Sơn đã nhận thấy những hạn chế trong quy trình tổ chức lễ hội.

Ông Hoàng Xuân Minh nhấn mạnh: Thời gian tới, sẽ tăng cường quản lý, tổ chức lễ hội chọi trâu để phát huy giá trị của di sản. Quận sẽ sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức cho phù hợp với tình hình thực tế: Tổ chức phần lễ là phần cốt lõi của lễ hội, bổ sung quy định các nghi lễ truyền thống gồm lễ dâng hương, thượng cờ khai hội, rước nước, phần lễ của các ông chủ trâu có trâu tham gia... Phần hội, quận Đồ Sơn sẽ bổ sung tiêu chí các ông chủ trâu tham gia lễ hội, không để các ông chủ trâu thương mại hóa lễ hội; cộng đồng dân cư sẽ bầu các ông chủ trâu có đủ điều kiện về sức khỏe, gia đình cơ bản (trong đó có yếu tố tâm linh, gia đình nào có tang là không được tham gia làm chủ trâu). Ngoài ra, việc lựa chọn, huấn luyện và chăm sóc trâu sẽ quy định chặt chẽ, tránh sử dụng chất kích thích cho trâu chọi. Để đảm bảo lễ hội phát huy giá trị, giữ được nét truyền thống thì lãnh đạo các địa phương dự kiến sẽ giảm quy mô số lượng trâu tham gia từ 32 “ông trâu” như hiện nay xuống còn 16.

Để lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, một hoạt động mang tính thiêng liêng trong lễ tế thủy thần ở địa phương đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong xã hội và thể hiện bản sắc của người dân nơi đây thì phải khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý để những giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội không bị mai một.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/choi-trau-do-son-tranh-ban-tien-hoa-de-le-hoi-di-vao-duong-ray-517143