Chọn các vấn đề bức xúc đưa vào chương trình giám sát chuyên đề

Sáng 23-5, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Theo tờ trình, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và Giám sát chuyên đề.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận Báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; Xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và Giám sát chuyên đề.

Tờ trình cũng đưa ra các tiêu chí cơ bản để lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề, trong đó nhấn mạnh: Là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/chon-cac-van-de-buc-xuc-dua-vao-chuong-trinh-giam-sat-chuyen-de/728870.antd