“Chọn người có tầm nhìn để giao trọng trách”

“Với bộ máy nhạy cảm và được quan tâm như bóng đá, người đứng đầu phải có tầm nhìn và đặc biệt phải có tư duy đổi mới. Một khi quả bóng được truyền vào chân ai nó cũng sẽ có sức nặng ngàn cân mà không có bản lĩnh sẽ chẳng thể nào sút nổi”- ông Mai Liêm Trực.

Khi bóng vào chân Với bóng đá, môn thể thao được ưa chuộng nhất ở Việt Nam, được xã hội đặc biệt quan tâm thì việc ai sẽ là người lãnh đạo bộ máy VFF sẽ trở thành một sự kiện đặc biệt bởi điều ấy sẽ là nhân tố quyết định tương lai bóng đá nước nhà. Hiểu về bóng đá thì có nhiều người nhưng hiểu nó theo góc nhìn của một quan chức đã từng ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch VFF vừa hiểu theo góc nhìn của một trí thức, một nhà quản lý vĩ mô thì hiếm. Một trong số đó là ông Mai Liêm Trực. Ông Trực, người từng giữ tới chức Tổng giám đốc tổng công ty Bưu chính viễn thông, Tổng cục trưởng tổng cục bưu điện, Thứ trưởng thường trực Bộ bưu chính viễn thông cũng chính là người được mời vào ghế Chủ tịch VFF nửa nhiệm kỳ 4 khi người tiền nhiệm là ông Hồ Đức Việt bận công tác khác phải rút lui. Ấy thế mà ông Mai Liêm Trực lại rất phản đối cái kiểu mời một quan chức trong và ngoài ngành vào ghế Chủ tịch, theo cách nói của dân bóng đá là được "thả dù" vào bộ máy VFF. Bóng đá- lát cắt của xã hội Ông Mai Liêm Trực. Ảnh ICT Bây giờ gặp ông Mai Liêm Trực, đặt vấn đề nói chuyện về bóng đá và cách điều hành bóng đá của VFF thì ông Trực lại khá ngập ngừng: "Thú thật giờ mình quan tâm tới golf nhiều hơn. Không phải để làm sang mà tháng đôi ba lần ra sân, vừa rèn sức khỏe vừa có cơ hội đàm đạo với mấy vị...như mình về thế sự. Còn bóng đá, mức độ quan tâm cũng vừa phải. Một phần vì tốc độ của bóng đá Việt Nam phát triển nhanh nhưng tư duy quản lý bóng đá thì chậm, chưa hy vọng cải tổ đổi mới được ngay". Thực ra, khi còn là chủ tịch VFF khóa 4, ông Mai Liêm Trực là người đề xuất rất nhiều phương án đổi mới về quản lý VFF khiến giới bóng đá "nhăn mặt". Nói thẳng ra là đi ngược với tiền lệ trước nay, kiểu như Chủ tịch VFF thì phải được Đại hội bầu, chứ không phải là BCH. Có lần ông bộc bạch: "Tôi có thể tự hào rằng khóa 4 tôi làm là khóa đầu tiên mời người tự ứng cử làm chủ tịch. Như anh luật sư Trần Vũ Hải chẳng hạn, nếu anh cảm thấy có khả năng để đảm trách được VFF thì OK, xin mời! Tất nhiên, được hay không lại là chuyện khác. Nghĩa là rất công khai chứ không phải là mời chủ tịch kiểu "thả dù" như trước kia". Quan điểm của ông Trực là đổi mới, đổi mới cách làm, đổi mới cách nghĩ nhưng lại không vượt qua được cái cơ chế tồn tại hằn sâu trong bóng đá Việt Nam. Người lên thay ông Trực, là ông Nguyễn Trọng Hỷ khi ấy là Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT. Cũng gọi là có bầu cử, nhưng thời điểm ấy ông Hỷ được Ủy ban giới thiệu sang chẳng khác nào một mình một ngựa vào ghế Chủ tịch. "Nói thật là quá trình chọn người lãnh đạo VFF là không có dân chủ, hoặc như người ta nói là dân chủ giả hiệu, cho đến bây giờ vẫn thế- ông Trực thẳng thắn- Lâu nay ta cứ nghĩ, người đứng đầu VFF cứ phải là quan chức nào đó thì mới làm được. Nhưng đâu phải thế! Người đứng đầu VFF lại càng không nên là quan chức ngành thể thao. Xu thế ở đa số các quốc gia, cái ghế Chủ tịch Liên đoàn bóng đã thường là một người có uy tín xã hội quan trọng là người đó có khả năng huy động các tiềm lực tốt, đặc biệt là tiềm lực tài chính. Tôi cho rằng, vị trí Chủ tịch liên đoàn không nên là một quan chức hành chính mà nên là một nhà hoạt động xã hội, có uy tín xã hội, có cái nhìn tổng thể, không bị khống chế bởi tư duy cục bộ và nếu gắn với hoạt động kinh doanh nữa thì càng tốt, chẳng cứ gì phải bỏ tiền túi ra đâu. Tất nhiên là người đó phải có đam mê đặc biệt với bóng đá. Tất nhiên, khi nhắc đến những cái tên, người ta đã nhắc đến Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng.... vì họ đều là những doanh nhân thành đạt, đều có say mê bóng đá có thể coi là những ứng viên sáng giá sau này. Nhưng điều tiên quyết là chính họ phải tách ra khỏi CLB. Sẽ lại là nghịch lý nếu Chủ tịch VFF lại cũng là chủ tịch một CLB nào đó". Đó cũng là điều mà ông Mai Liêm Trực cảm thấy tiếc nhất không phải là chuyện không ra ứng cử khóa 5 để có cơ hội lại làm chủ tịch VFF một lần nữa mà chính là không xúc tác để tiến trình xã hội hóa sâu hơn nữa môn thể thao vua này. Mô hình phải phù hợp Nói đến ông Mai Liêm Trực, hẳn nhiều người còn nhớ lời nhận xét rất "sốc" của ông về VFF: "Bộ máy VFF thấp hơn mặt bằng xã hội" khi ông còn là chủ tịch. Sau này có lúc, ông đã ông tâm sự rằng: "Nói thế anh em làm bóng đá phật lòng nhưng một trong các vấn đề khá trì trệ của thể thao Việt Nam chính là ở tư duy quản lý nhà nước quá mờ nhạt, chưa theo kịp được với yêu cầu của xã hội, chưa bắt kịp tiến trình phát triển của xã hội hiện nay". Vì thế, trước thềm đại hội VFF khóa 5, ông Trực đã đưa ra mô hình mới của VFF phân hai cấp: cấp quản lý và điều hành, nói nôm na là cơ cấu VFF giống như một Tổng công ty mà BCH có xu hướng như một Hội đồng quản trị. Hiện nay, phần nào VFF vẫn đang vận hành theo mô hình ấy: "Ở cấp điều hành, nhiều anh em trẻ giỏi và làm được việc như TTK Trần Quốc Tuấn, Phó TTK Dương Nghiệp Khôi hay trưởng bộ phận pháp chế Nguyễn Thị Dung trước đây. Còn cấp quản lý thì...yếu quá". Ông Trực có nhận xét một cách thành thực rằng: "Ở góc độ nhà quản lý và góc độ một người hâm mộ thường xuyên theo dõi tình hình thể thao nước nhà qua báo chí tôi thấy rằng, anh Hỷ là một người tốt bụng, hiền lành nhưng rõ ràng cũng là người "ngoại đạo" của bóng đá. Bởi thế, tiếng nói chuyên môn cũng không cao". Lãnh đạo một bộ máy nhạy cảm và được quan tâm như bóng đá, người đứng đầu phải có tầm nhìn và đặc biệt phải có tư duy đổi mới. Đổi mới ngay trong cơ cấu VFF vì theo ông Trực "BTC chỉ cần ít người thôi, để làm việc hiệu quả". Nhưng sẽ không dễ dàng và quả bóng được truyền vào chân ai nó cũng sẽ có sức nặng ngìn cân mà không có bản lĩnh sẽ chẳng thể nào sút nổi. Quốc Việt In Thảo luận

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.net/2009-10-15-chon-nguoi-co-tam-nhin-de-giao-trong-trach-