Chọn trường và cơ hội việc làm

Mấy ngày gần đây, cô giáo Thanh, dạy một trường THPT ở Nam Ðịnh liên tục nhận được tin vui, khi học sinh lớp 12 do cô làm chủ nhiệm dự thi THPT quốc gia đạt kết quả cao. Nhiều học sinh có điểm môn thi theo các tổ hợp môn xét tuyển đại học đạt khoảng 27, 28 điểm.

Trần Duy Nam, một trong những học trò của cô giáo Thanh đạt 28,5 điểm đến nhà báo tin vui và cho biết, với điểm thi như vậy, sẽ thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học từ ngành công nghệ thông tin sang ngành kinh tế của một trường tốp đầu vì nhiều người cho rằng ra trường dễ kiếm việc làm lại có lương cao.

Cô giáo Thanh cười:

- Nam có yêu thích công nghệ thông tin không?

- Dạ có chứ ạ, đấy là ngành em yêu thích nhất mà cô! - Nam trả lời.

- Lựa chọn ngành nghề thì không nên theo cảm tính em ạ! Hiện nay, xu hướng thừa nhân lực khối ngành kinh tế, tài chính vẫn còn; trong khi khối ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin nhu cầu nguồn nhân lực lớn, cơ hội việc làm sẽ nhiều. Mặt khác, muốn học giỏi thì nên chọn ngành nghề mình yêu thích chứ không nên theo xu hướng đám đông. Nam yêu thích công nghệ thông tin thì cô nghĩ em nên cân nhắc lựa chọn ngành đó để theo học chứ không cần thay đổi nguyện vọng. Khi học giỏi, cơ hội việc làm sẽ rất nhiều!

- Dạ, vâng ạ!

Có thể nói, cứ mỗi mùa tuyển sinh, việc lựa chọn ngành nghề theo học lại là vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất đối với thí sinh và phụ huynh. Năm 2017, Bộ GD và ÐT cho phép thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển cùng với đăng ký thi THPT quốc gia nhưng các em có thể thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi. Vì vậy, ở thời điểm hiện nay, khá nhiều thí sinh có xu hướng thay đổi nguyện vọng.

Tuy nhiên, đây là vấn đề các thí sinh cũng như các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ. Bởi lựa chọn ngành theo học cần gắn với ngành nghề thí sinh yêu thích và có sở trường. Mặt khác, cần tìm hiểu thông tin dự báo, dự tính xu hướng nhu cầu nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước hoặc các tổ chức có uy tín của thời điểm khi các em ra trường. Từ đó, thí sinh và phụ huynh xác định được có nên thay đổi ngành nghề đăng ký xét tuyển hay không để vừa bảo đảm khả năng trúng tuyển cao, khi theo học phát huy được sở trường, khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm.

MẠNH XUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/33570402-chon-truong-va-co-hoi-viec-lam.html