Chồng chất thêm những tình tiết bất thường!

Gõ cửa các cơ quan chức năng ở đây, chúng tôi giật mình khi nhận ra, dường như cả qui định của pháp luật, các kiến nghị của Thanh tra tỉnh Lạng Sơn và nguyện vọng của người dân đều được... làm ngơ!

Chủ tịch UBND huyện Tràng Định Lý Văn Lâm (thứ 2 từ trái sang) cho biết vụ việc của bà Hà đã kéo dài rất lâu. Ảnh: PV

... 10 năm! Thị trấn Thất Khê thay da đổi thịt, sầm uất lên rất nhiều. Vậy nhưng, nỗi ngóng đợi của bà Võ Thị Thu Hà, bà giáo già bỏ quê Tây Ninh theo chồng về đây thì vẫn đau đáu thế! Bà Hà chờ đợi sự nghiêm minh của pháp luật được thực thi, cán bộ sai phạm bị xử lý và quyền lợi chính đáng của gia đình thì được hưởng. Ấy vậy mà…

Kết luận thanh tra bị... mất

Vượt hơn 200km đường đất với rất nhiều khúc cua tay áo, chúng tôi trở lại thị trấn Thất Khê sau 10 năm viết bài về vụ việc khá chấn động ở vùng núi này: Thị trấn cưỡng chế phá dỡ nhà của dân để lấy ngõ đi cho vài hộ dân (vẫn có ngõ đi khác) trong đó có con gái của một quan chức.

Ngay sau khi Báo Thanh tra vào cuộc, Thanh tra tỉnh Lạng Sơn thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đã thanh tra giải quyết đơn khiếu nại của hộ ông Nông Thế Đồng, chồng bà Võ Thị Thu Hà (ông Đồng đã mất nên chúng tôi viết là hộ bà Võ Thị Thu Hà).

Kết luận thanh tra số 39 ngày 17/2/2009 nêu rõ, nguồn gốc đất hộ bà Võ Thị Thu Hà sử dụng gồm: 170,9m2 giáp với diện tích đất của Trạm Quản lý và Phân phối điện từ trước khi UBND tỉnh có Quyết định số 661 ngày 22/9/1993 giao đất cho Trạm. Đất hộ bà Hà sử dụng nằm ngoài phạm vi đất giao cho Trạm. Khi lập bản đồ địa chính thị trấn Thất Khê (năm 1999), gia đình bà Hà đã đăng ký kê khai, sử dụng thửa đất số 12, diện tích 231,5m2 đất thổ cư, thuộc tờ bản đồ số 9.

Cơ quan thanh tra kiểm tra thực tế thửa đất số 12 có diện tích là 223,36m2 bao gồm 170,91m2 đất trên và 53,45m2 nhà bà Hà nhận chuyển nhượng của bà Lâm Thị Thành. Mảnh đất này không có lối đi nên gia đình bà Hà đã làm đơn xin đất đường đi và được UBND thị trấn Thất Khê đồng ý.

Ngày 1/2/1994, đại diện các cơ quan của huyện đã lập biên bản cho phép hộ bà Hà sử dụng 60m2 đất đã giao cho Trạm Quản lý và Phân phối điện để làm đường đi riêng.

Toàn bộ hồ sơ địa chính qua các thời kỳ cũng như hồ sơ qui hoạch giao thông, qui hoạch sử dụng đất trên địa bàn thị trấn Thất Khê không thể hiện có đường đi chung qua thửa số 12 vào khu đất phía sau Công ty Lương thực.

Thanh tra tỉnh kết luận, năm 2007, UBND huyện Tràng Định cưỡng chế buộc hộ bà Hà phải tháo dỡ nhà xây dựng trên thửa đất số 12 với lý do lấn chiếm, làm nhà trên đất đường đi chung là không có căn cứ. Việc UBND huyện tổ chức cưỡng chế phá dỡ gian nhà của gia đình bà Hà là chưa đúng qui định pháp luật. UBND huyện Tràng Định cũng không thụ lý giải quyết đơn tố cáo, đơn khiếu nại của ông Đồng là vi phạm Luật Khiếu nại, tố cáo.

Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra, việc UBND huyện Tràng Định cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở cho 3 hộ dân nhận chuyển nhượng đất ao của bà Lâm Thị Thành (trong đó có con gái của Chủ tịch UBND thị trấn) là không đúng qui định, vi phạm các qui định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Thanh tra tỉnh yêu cầu UBND huyện Tràng Định thực hiện 6 nội dung: Thu hồi các GCNQSDĐ cấp sai qui định; thu hồi các quyết định có liên quan đến việc cưỡng chế, phá dỡ nhà của hộ bà Hà; thực hiện bồi thường thiệt hại gây ra do cưỡng chế sai; lập thủ tục, hồ sơ điều chỉnh bổ sung qui hoạch khu dân cư đối với khu đất phía sau Công ty Lương thực; hướng dẫn hộ bà Hà làm các thủ tục để được cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số 12, tờ bản đồ số 9. Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm và chỉ đạo kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm trong giải quyết vụ việc như Chủ tịch UBND thị trấn Thất Khê, Thanh tra huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường...

Khi chúng tôi tìm đến UBND huyện Tràng Định, ông Lý Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Vụ việc này kéo dài rất lâu. Huyện Tràng Định có 2 vụ việc thuộc diện tồn đọng kéo dài mà UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì vụ việc của bà Hà là 1 vụ. “Chúng tôi đang thực hiện quyết liệt Kế hoạch số 19 của UBND tỉnh như đo đạc đất trình phê duyệt, thu hồi 35,5m2 đất của bà Hà. Riêng việc kiểm điểm cán bộ sai phạm thì các cán bộ trực tiếp sai phạm đều thuộc nhiệm kỳ trước, các đồng chí đều đã về hưu. Đến nay, đã qua 4 đời Chủ tịch UBND huyện”.

Khi PV đề nghị cung cấp kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 39, ông Lâm hẹn “sẽ cho anh em kiểm tra, hệ thống lại” rồi gửi Báo.

Cũng một cách làm “quyết liệt” như vậy, khi chúng tôi đến Thất Khê, ông Lăng Văn Thăng, Chủ tịch UBND thị trấn thú thật: Thị trấn đã trải qua 4 đời Chủ tịch, việc bàn giao tài liệu qua các thời kỳ đã làm mất kết luận thanh tra từ bao giờ không rõ.

Ông Thăng chỉ biết rằng, thời kỳ đó ông Nguyễn Xuân Hòa làm Chủ tịch, nếu xem xét thì chính là xem xét trách nhiệm của ông Hòa. Tuy nhiên, cùng năm đó, sau khi kết luận ban hành không lâu thì ông Hòa lên chức, làm Bí thư thị trấn Thất Khê cho đến nay, không bị xem xét, kiểm điểm hay kỷ luật gì.

Cũng không có bất kỳ cán bộ nào của thị trấn chịu kiểm điểm hay kỷ luật gì cả. “Liên quan đến việc thu hồi GCNQSDĐ, đến nay đã thu hồi được của 1 hộ là Nguyễn Hữu Ái, Trần Thị Hồng. Con gái ông Nguyễn Xuân Hòa (bà Nguyễn Thị Linh - PV) chưa bị thu hồi và chúng tôi cũng không nhận được chỉ đạo nào về việc này”.

Liên quan đến việc kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, Chủ tịch UBND thị trấn thời điểm đó thuộc diện Huyện ủy quản lý. “Tôi được biết, lúc đó ông Nguyễn Xuân Hòa có văn bản kiến nghị không thực hiện kết luận thanh tra”!

Ngõ đi của các hộ dân phía sau nhà bà Hà chạy thẳng ra đường 4A. Ảnh: PV

Dự án mở rộng ngõ 1 rất bất thường?

Sẽ không có bất bình lớn nếu kết luận của Thanh tra tỉnh Lạng Sơn thực sự bị... thất lạc. Đằng này, theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ nội dung có lợi cho chính quyền đều được triển khai. Chỉ riêng phần bất lợi là kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ và phần quyền lợi của hộ bà Hà là thực sự bị… thất lạc. PV xin đi sâu vào sự “quyết liệt” bất thường này để bạn đọc thấy rõ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số hộ dân phía sau nhà bà Hà đang có ngõ đi khá rộng phía sau Bến xe Thất Khê. Con ngõ này đủ sức chứa xe tải, xe đầu kéo ra vào bốc hàng khá thoải mái ra đường 4A, chỉ có điều xa hơn “cắt” nhà bà Hà độ vài trăm mét. Và, việc “bốc” nhà bà Hà đi sẽ “nâng đời” các hộ phía sau ra gần đường 10/10 hơn.

Ông Lăng Văn Thăng, Chủ tịch UBND thị trấn thừa nhận, các hộ dân này có ngõ khác đi từ trước đến nay. Đó là ngõ rộng đi vòng về phía bãi đỗ xe, diện tích đất công mà UBND huyện Tràng Định giao cho UBND thị trấn quản lý. Việc “phá tường rào của bãi đỗ xe làm ngõ đi” cũng rơi vào những năm 2004 - 2005, thời điểm ông Nguyễn Xuân Hòa làm Chủ tịch. Đến nay, phần lớn các hộ dân vẫn đi ngõ đó.

Như vậy, nội dung duy nhất của Kết luận 39 được UBND huyện Tràng Định quyết liệt triển khai chính là việc lập thủ tục, hồ sơ điều chỉnh bổ sung qui hoạch khu dân cư đối với khu đất phía sau Công ty Lương thực và xin mở rộng ngõ 1 đường 10/10, bản chất vẫn là thu hồi, phá bỏ nhà bà Hà để làm ngõ đi vào phía trong. Ông Lăng Văn Thăng cho biết, dự án mở rộng ngõ 1 đường 10/10 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại kế hoạch sử dụng đất 2017. Theo đó, đường ngõ 1 có diện tích 0,04 ha, lấy vào loại đất ở đô thị.

Dấu hiệu bất thường tiếp theo PV muốn làm rõ đó chính là trình tự thực hiện dự án này.

Ngày 27/4/2017, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định mới “yêu cầu UBND thị trấn Thất Khê thực hiện ngay việc lập dự án chi tiết, phê duyệt dự án ngõ 1, đường 10/10 và tiến hành các thủ tục xin giao đất để thực hiện dự án”.

Ngày 17/5, UBND thị trấn đã có thông báo đến các hộ dân để thực hiện. Theo đó, công trình đường giao thông nội thị ngõ 1 đường 10/10 có tổng mức đầu tư 94 triệu đồng, chưa có chi phí giải phóng mặt bằng, do UBND thị trấn làm chủ đầu tư.

Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản của tuyến đường: Chiều dài toàn tuyến 102,9m, chia thành 3 đoạn. Đoạn 1 dài 23,9m, rộng 4,5m, đoạn 2 dài 56m, rộng 4,0m, đoạn 3 dài 23m, rộng 3,2m. Đoạn 1 trên thực tế là lấy hết phần ngõ đi riêng nhà bà Hà và một phần chính (gian thờ chính) của căn hộ mà gia đình đang sinh sống. Lý giải cho việc tuyến ngõ phình ra thu vào nói trên, đại diện thị trấn Thất Khê cho biết do hình thể tự nhiên của ngõ, đây cũng là ngõ cụt nên chỉ cần thu hồi nhà của bà Hà là xong.

Khi PV hỏi cụ thể về dự toán chi phí giải phóng mặt bằng để thực hiện, cán bộ thị trấn Thất Khê nói không biết vì chưa có căn cứ để tính ra được, cũng chưa biết là bao nhiêu.

Câu hỏi đặt ra là, diện tích mở rộng ngõ 1 nói trên có đúng với diện tích được UBND tỉnh phê duyệt? Có hay không việc cố tình thu hồi nhà bà Hà đang ở để “làm đẹp” một con ngõ?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Tĩnh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Lạng Sơn không giấu được bức xúc: Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh đã nhiều lần cử Tổ Công tác lên Tràng Định để đôn đốc thực hiện kết luận. Vậy mà cho đến giờ, huyện chưa làm gì, thị trấn cũng không làm được gì. “Lạ là khó làm hay không làm được huyện cũng không báo cáo xin ý kiến”.

Liên quan đến việc mở rộng ngõ 1, ông Tĩnh khẳng định, kế hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt là một chuyện còn việc thực hiện dự án phải đúng trình tự, thủ tục và qui định. UBND huyện phải chỉ đạo thực hiện đúng qui định của pháp luật chứ không thể làm kiểu không hiểu gì về luật được!

Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại câu chuyện này khi có diễn biến mới.

Nhóm PV

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/chong-chat-them-nhung-tinh-tiet-bat-thuong_t114c39n121654