Chông gai lập nghiệp

Ông Egor Zindy, nhân viên cao cấp của phòng thí nghiệm sinh học và bà Ryo Seo-Zindy, nghiên cứu sinh sau đại học đại học Manchester, hoàn toàn có chủ định khi đến quán cà phê Aduino, nằm trong một ngõ hẹp thuộc khu Lê Lai, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Góc nhỏ khu Lê Lai

Bà Ryo Seo-Zindy, theo sự giới thiệu của FABLAB – chi nhánh Hà Nội, tìm hiểu mô hình cơ khí tự chế để nghiên cứu làm luận văn tiến sĩ của bà tại Aduino. Câu chuyện của ông già đầu bạc Nhan Thanh thật cuốn hút: dành dụm lâu lắm mới ráp được một máy in 3D. Ông cùng các bạn trẻ mê sáng tạo muốn thử nghề tạc tượng Einstein với chiếc máy này. Ban đầu chỉ có vậy, dần dà lớp trẻ thiết kế nhiều kiểu dáng, vật thể tạo hình. Nhóm nhỏ nay đã thành điểm hội tụ của số đông.

Ông Nhan Thanh giải thích mô hình máy dán nhãn, đóng chai thu nhỏ tự chế với ông Egor Zindy và bà Ryo Seo-Zindy. Ảnh: Hà My.

“Tôi muốn giúp các bạn sinh viên có nơi thực tập. Máy móc trong trường nếu thực hành thì thời gian cũng không có nhiều”. Ở đây, các bạn có thể tha hồ tự tạo ra máy móc như mình muốn theo ý tưởng của mình. Muốn khởi nghiệp thì thử làm ra được sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường và thương mại hóa là bước thứ hai. Ở đây ông Thanh hướng dẫn các bạn tạo ra sản phẩm, kết nối các bạn khác ngành lại với nhau.

“Ở đây có ông ấy đi trước, nhiều kinh nghiệm chia sẻ lại cho các bạn trẻ. Các bạn có thể gặp, làm quen nhau dù khác ngành, nhưng cùng kết hợp làm việc nhóm, giúp đỡ bù khuyết cho nhau; có nơi để thí nghiệm, thực hành những điều đã học, đã suy nghĩ, có được sự so sánh thiết bị cũ và mới, thiết bị mình tạo ra so với cái mới trên thị trường”, bà Ryo Seo-Zindy nói.

Không gian ươm những ý tưởng khởi nghiệp bé nhỏ này hoàn toàn do công sức của ông Nhan Thanh và ông Phạm Việt Thắng, hai bộ não kỹ thuật của Dược Hậu Giang. Hoàn toàn khác với những cảnh tượng khởi nghiệp hoành tráng, kêu to; ở đây có giá trị thực của tấm lòng, chắt chiu để tạo ra những chiếc máy và sẵn sàng gợi mở ra nhiều khả năng ứng dụng, đánh thức những ý tưởng có khi bị xem là “điên khùng”.

Đất dụng võ

Công nghệ thông tin là ngành ít chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, và là ngành thúc đẩy sáng tạo, ông Nguyễn Hữu Hòa, phó trưởng khoa Công nghệ thông tin trường đại học Cần Thơ nói. Khoa này có 3.000 sinh viên, khoảng 80% sinh viên khởi nghiệp sau thời gian đi làm việc gia công. Nhưng phần lớn phải tìm việc ở TP.HCM, vì ở đồng bằng sông Cửu Long không có đất dụng võ. Trong suy nghĩ của người đào tạo nhân lực, ông Hòa nói: “Lĩnh vực gia công đang cần nguồn lao động rất lớn. Từ nay đến năm 2020 cần khoảng 1 triệu lao động”.

Cách làm của ông Nhan Thanh và ông Phạm Việt Thắng gợi mở hướng khởi nghiệp tự chủ, để dù gì cũng là lớp sáng tạo làm gia công.

Năm 2016, 72% doanh nghiệp khởi nghiệp có độ tuổi từ 30 trở lên, 84% chủ doanh nghiệp có bằng đại học, theo ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI. Ông Tuấn cho biết thêm: quy mô lao động nhỏ bé, 63% doanh nghiệp có dưới mười lao động, 48% doanh nghiệp chưa có doanh thu để khai thác thuế doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với thị trường nội địa. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khởi nghiệp này còn khó khăn, chỉ 5% lãi như mong muốn; 40% lãi chút ít. Còn lại 55% thì 19% hòa vốn, 31% thua lỗ chút ít, 5% thua lỗ lớn.

Đa số doanh nghiệp trong giai đoạn đầu thường gặp cản trở lớn từ thủ tục hành chính, thiếu vốn, thiếu mặt bằng, thiếu cơ chế huy động vốn từ cộng đồng, và đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long không thấy bóng dáng của nhà đầu tư mạo hiểm nào. Ở Cần Thơ, tính từ đầu năm 2017 đến nay có trên 500 doanh nghiệp mới thành lập, nhưng tổng vốn khoảng 4 tỉ đồng, nhỏ lẻ, không liên kết. Ông Nguyễn Thanh Liêm, giám đốc trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, sở Kế hoạch và đầu tư, nói.

Nhưng giống như nhiều nơi khác, hộ kinh doanh cá thể không muốn lên doanh nghiệp.

Ông Trương Hòa Châu, giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp, nơi phát động tinh thần khởi nghiệp trong lớp trẻ, kêu gọi cộng đồng khởi nghiệp, cho thêm bằng chứng: mỗi tỉnh có 60.000 – 70.000 hộ kinh doanh cá thể, không muốn lên doanh nghiệp tư nhân, vì muốn không bị ràng buộc bởi thủ tục, chứng từ hóa đơn. Muốn chuyển cơ sở cá thể thành doanh nghiệp tư nhân cũng rất khó khăn, vì thủ tục hành chính nhà nước buộc đóng cửa hộ cá thể rồi mới xin mở lại doanh nghiệp tư nhân, mất rất nhiều thời gian.

Cách tính thuế phức tạp tới mức không ít doanh nghiệp cứ thuê nhân viên ngành thuế làm hồ sơ thuế mới xong việc, một chủ doanh nghiệp nói.

Theo Hoàng Lan – Hà My (Thế Giới Tiếp Thị)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/chong-gai-lap-nghiep-781458.html