Chông gai tiến trình Brexit

Một tiến trình đầy chông gai - cho việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit - đã bắt đầu. Thách thức đặt ra càng rõ ràng hơn bao giờ hết khi những rạn nứt giữa nội các trong chính quyền London về vấn đề này đang ngày càng nghiêm trọng.

Phái đoàn Anh (phải) và EU đàm phán về Brexit hôm 17-7 tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP

Ngày 17-7, các phái viên của Anh và Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu cuộc đàm phán đầu tiên của tiến trình đưa Anh rời khỏi EU (Brexit) trong bối cảnh cả hai bên đều nhấn mạnh, “đã đến lúc phải giải quyết chi tiết các vấn đề”.

Trước đó, hôm 13-7, chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã công bố dự luật rút khỏi EU, còn gọi là “Luật hủy bỏ”, nhằm chính thức chấm dứt quy chế thành viên của Anh trong EU. Theo dự luật trên, “Luật Cộng đồng Châu Âu 1972” sẽ “bị vô hiệu vào ngày ra đi”. Dự luật cũng chấm dứt quyền tối cao của Tòa án Tư pháp Châu Âu (ECJ) ở Anh, nêu chi tiết cách thức chính phủ Anh chuyển đổi khoảng 12.000 quy định và luật của EU hiện nay thành luật pháp Anh.

Tuy nhiên, lo ngại đặt ra càng lớn dần trong bối cảnh nội các Anh đang ngày càng chia rẽ gay gắt về Brexit.

Thời hạn 30-3-2019

“Chúng ta có một khởi đầu tốt đẹp trong tháng qua, nhưng... chúng ta cần đi vào bản chất của vấn đề”, Bộ trưởng Brexit của Anh, ông David Davis nói với các phóng viên khi được Trưởng đoàn đàm phán EU, ông Michel Barnier chào đón tại Ủy ban Châu Âu (EC) ở Brussels, Bỉ - một năm sau khi người Anh bỏ phiếu chọn rời liên minh 28 quốc gia này với tỷ lệ sít sao.

Ông Davis và Barnier tay bắt mặt mừng trước ống kính phòng viên trước khi phiên họp đầu tiên của vòng đàm phán kéo dài 4 ngày bắt đầu. Tuy nhiên, đằng sau cánh cửa phòng họp, một không khí căng thẳng bao trùm. Các bên chỉ có thời hạn hơn 1 năm để quyết định các điều khoản trước khi Anh rời đi, thương lượng hoặc không thương lượng.

Vào ngày 30-3-2019, 27 nhà lãnh đạo các quốc gia khác của EU và Anh cần phải thương lượng xong các điều khoản của cuộc “ly hôn” ồn ào và gây tranh cãi nhất thế giới này. Lãnh đạo của 27 nước EU còn lại muốn Thủ tướng May thuyết phục nội các theo đuổi một kế hoạch cụ thể, rõ ràng để giảm thiểu các thiệt hại kinh tế - xã hội mà Brexit gây ra cho Châu Âu.

Tuy nhiên, hôm 16-7, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết, các bộ trưởng hàng đầu trong nội các cho rằng, cần phải có giai đoạn chuyển tiếp trước khi Anh rời EU. Ông Hammond khẳng định, thời gian chuyển tiếp nhiều khả năng kéo dài ít nhất 2 năm.

Những ưu tiên hàng đầu

Trong 4 ngày làm việc, các nhóm tập trung thảo luận 4 lĩnh vực: quyền của công dân; EU yêu cầu Anh tiếp tục giải ngân 60 tỷ EUR (69 tỷ USD) đã cam kết để trang trải ngân sách hiện tại của EU; vấn đề đối với hàng hóa của Anh tại các cửa hàng của EU sau ngày Brexit và vấn đề biên giới của Bắc Ireland. Bắc Ireland, thuộc Vương quốc Anh, có chung đường biên giới với một nước EU khác là Ireland. Và điều quan trọng là Bắc Ireland muốn ở lại với EU.

Văn phòng của Bộ trưởng Davis đã miêu tả lời đề nghị của Anh hồi tháng trước về quyền công dân là “công bằng và nghiêm túc”. Nhưng ông Barnier đã bác bỏ vì cho rằng thiếu yêu cầu của EU về quyền của 3 triệu người dân EU ở Anh và đòi quyền sử dụng các tòa án EU để thi hành các quyền đó ngay cả sau khi London rời đi.

Thật sự, EU muốn giảm thiểu những bất ổn về kinh tế-xã hội trên khắp Châu Âu sau khi nền kinh tế lớn thứ hai ra đi. Vì vậy, giới quan sát cho rằng, một tháng sau thời điểm cùng chia sẻ quyết tâm vượt qua quá trình đàm phán đầy gian khó, giờ là lúc ông Barnier buộc nước Anh đảm bảo các cam kết tài chính rõ ràng cho EU và làm chi tiết các điều khoản trong đề xuất Brexit.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_169226_chong-gai-tie-n-tri-nh-brexit.aspx