Chồng khó chịu!

PNO - Bạn đừng nghĩ chồng khó chịu chỉ là tính tình khó chịu, như hay gây sự, bắt bẻ, gia trưởng…; ông chồng "khó chịu" trong bài viết này là người cũng sâu sắc, lý tưởng, chỉ mỗi tội quá kỹ tính.

Này nhé, ngày mới quen, có cô gái nào không hạnh phúc khi đi chơi người yêu, chàng luôn mang theo áo mưa, chai dầu gió, kem chống muỗi, chai nước lọc, dao gọt trái cây, thậm chí cả khăn tay cho mình dùng khi cần? Bạn tôi thuộc dạng tính tình thoải mái, không câu nệ nên đâu có để ý mấy chuyện đó. Đến khi trời rớt mưa, chưa kịp la oai oái tìm chỗ nấp thì anh đã có áo mưa. Đi chơi ngoại ô vừa suýt xoa "muỗi nhiều quá" thì đã có kem chống muỗi, muỗi cắn đã có dầu. Than khát nước, có ngay chai nước... Muốn mua cóc, ổi xoài …thì vô tư, vì anh luôn có dao cho em gọt! Hạnh phúc khi được anh chăm lo từng chút một, hẳn bạn sẽ yên tâm khi sống bên cạnh anh ấy rồi phải không? Cưới nhau cũng vậy, anh lo tất tần tật cho tổ ấm. Mà không phải là vợ không biết lo mà là cái sự “kỹ lưỡng” của vợ không bằng anh tí nào. Bếp nấu ăn lúc đầu chưa có kệ, cứ từ từ rảnh rỗi hẵng mua có sao đâu, nhưng anh phải tìm cho bằng được cái ưng ý, mua về ngay. Vợ ở nhà chờ nguội hết cả cơm cũng chưa thấy chồng về. Mua về lại phải gắn lên ngay, sắp xếp đồ đâu ra đó rồi mới chịu ăn cơm. Lúc ăn, chỉ qua loa một chén vì “anh chạy vòng vòng tìm cái kệ ưng ý, mệt quá!”. Vợ thương chồng lắm, mà cũng bực trong bụng: gì đâu mà cầu toàn quá! Khi vợ có thai, anh lo đến rộc người. Anh mua sữa, pha sẵn, bắt vợ uống ngày 3 ly mà không thèm để ý vợ ngán sữa thế nào. Vợ muốn ăn hột vịt lộn với rau răm thì bị chồng can “Em chỉ được ăn hột vịt!”. Vợ nghén nôn hết món này thì chồng mua món khác, kiên trì ép đến khi nào vợ no bụng đi ngủ mới chịu thôi. Vợ đương nhiên là hạnh phúc lắm lắm, nhưng cũng oải, chồng ơi là chồng! Sinh con rồi, đứa con trở thành trung tâm lớn cho anh thể hiện cái sự kỹ tính. Anh căn dặn vợ luôn gần con, không được bỏ đi làm việc gì mà để con nằm một mình. Anh đâu biết, ngoài chăm con, vợ còn phải lau nhà, bỏ quần áo vào máy giặt, rồi đem phơi, rồi lặt rau, thái thịt, nấu nướng, rửa chén bát…để khi anh về nhà cửa tươm tất, cơm canh nóng sốt. Nếu vợ giữ con khư khư như vậy thì mấy việc kia anh phải làm, anh sẽ không có thời gian nghỉ và chơi với con. Vậy mà, về nhà thấy con có một nốt đỏ trên tay là anh nhằn vợ: “Tại em không nhìn nên con bị muỗi cắn đây này!”. Con lẫy, lỡ có bụp đầu xuống giường anh cũng nhằn; con tè ướt chưa kịp thay tả là anh lên tiếng... Đối với vợ, miễn con bú ngoan, không bệnh, nằm chơi một mình chút cho vợ làm việc nhà cũng không sao, thay tã trễ xíu cũng không sao, con nít bị té khi lật lẫy thì nào có phải là chuyện gì to tát. Vợ thì theo quan điểm cho con nó “tự lập” như tập cho con tự xúc ăn, tự xi tè vào bô, tự xỏ dép khi ra đường…Còn chồng lại làm tất cho con. Vợ biết chồng kỹ tính, muốn cho con luôn an toàn, nhưng vô tình tập cho con tính ỷ lại. Vì vậy, khi chồng về nhà, vợ hay nói đùa với con là “Ba khó chịu về rồi!”. Tâm sự nhiều với bạn bè, vợ mới biết mấy anh xã như chồng hình như cũng nhiều lắm. Có anh cứ suốt ngày kỳ cạch lau phòng vì sợ con liếm bụi khi bò, có anh thay áo cho con liên tục vì thấy con đổ mồ hôi, sợ con bị cảm. Kinh khủng hơn, có anh bỏ cả ăn uống khi thấy con nôn, cứ kỳ công ngồi bắt con ăn lại bằng hết chén bột khi bé bệnh, mặc cho bé la khóc, mặc cho vợ khuyên dừng lại. Và đương nhiên, vợ chồng tranh cãi vì những chuyện đó là thường xuyên, khiến không khí gia đình luôn ngột ngạt, căng thẳng. Vợ chỉ muốn chồng kỹ tính vừa vừa thôi, để còn dành thời gian nghỉ ngơi, trò chuyện với vợ, chơi đùa với con…cho tâm hồn thoải mái sau ngày làm việc mệt mỏi. Chứ chồng cứ để ý, rồi “ra tay” tự làm mới yên tâm, thì vô tình chồng tự làm mình stress, lại lây stress sang cho vợ con nữa. Chưa kể nhiều lần chồng đưa vợ vào thế kẹt khi vô tình để mẹ chồng chứng kiến cảnh chồng tự tay làm cho vừa ý. Rồi vợ cũng buồn lòng khi luôn bị chồng chê, dần dần cũng mất tự tin luôn. Nói chung là ai khen thì khen, vợ vẫn ước thầm: Chồng ơi! Bớt “khó chịu” đi cho cả nhà vui vẻ nhé! Nguyễn Thị Mẫn

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2010/Pages/nhung-ong-chong-kho-chiu.aspx