Chống tham nhũng từ gốc

Liên tục trong thời gian qua, cùng với việc đưa ra xét xử vụ án tham nhũng lớn như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm, là hàng loạt các kết luận thanh tra những đơn vị lớn như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu... đã và đang được công bố. Những động thái đó cho thấy Đảng, Nhà nước quyết tâm chống tham nhũng từ gốc.

Liên tục trong thời gian qua, cùng với việc đưa ra xét xử vụ án tham nhũng lớn như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm, là hàng loạt các kết luận thanh tra những đơn vị lớn như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu... đã và đang được công bố.

Những động thái đó cho thấy Đảng, Nhà nước quyết tâm chống tham nhũng từ gốc.

Những năm qua, từ chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác PCTN đã có những kết quả tích cực. Như Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ rõ: Cuộc đấu tranh PCTN vẫn còn nhiều phức tạp, khó khăn, phải làm lâu dài, kiên trì, kiên quyết. Đối tượng tham nhũng là người có chức, có quyền, có kiến thức và hiểu biết về luật pháp, cơ chế, sẽ tìm mọi cách để ngăn cản việc PCTN. Công tác PCTN cần phải được thực hiện toàn diện, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm...

Ngày 7-12-2015, Bộ Chính trị đã tiếp tục ban hành Chỉ thị số 50-CT/TƯ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”. Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị đã nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong công tác PCTN, từ chủ trương đến công việc cụ thể. Ngay tại phiên họp thứ X, tháng 4/2016, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã thảo luận, thống nhất kế hoạch cụ thể thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị, trong đó đặc biệt lưu ý những việc trọng tâm, cấp bách, liên quan đến phát hiện, xử lý tham nhũng.

Và rồi, những công việc như việc tiếp tục đưa ra xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, hay công bố các kết luận thanh tra từ tỉnh cho đến các tập đoàn, tổng công ty, hay tiếp tục thanh tra các sự vụ đột xuất... đã là công việc thường xuyên, hàng ngày. Như Ban Nội chính Trung ương vừa thành lập Đoàn công tác kiểm tra tại 4 bộ: Công thương, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư là thực hiện kết luận, kiến nghị của đoàn công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo. Cũng như việc tiếp tục hoàn thiện các công việc, giải quyết dứt điểm 8 vụ đại án trước đó theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo đã bổ sung vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản” “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Chứa chấp tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “Che giấu tội phạm” xảy ra tại Công ty Vinashin vào diện theo dõi chỉ đạo... Chánh án TAND tối cao cũng đã yêu cầu ngành tòa án, năm 2016 phải tập trung tiến độ, nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, không để tồn đọng án tham nhũng.

Tuy nhiên, từ những phát lộ qua các cuộc tổng kiểm tra, thanh tra, qua kết quả những phiên tòa xét xử những vụ đại án, càng chứng tỏ những khó khăn, phức tạp trong công tác PCTN, những mức độ, hậu quả nghiêm trọng của tham nhũng, lãng phí. Người ta tiếp tục sửng sốt khi hàng trăm tỉ, ngàn tỉ đồng của nước của dân đã trao nhầm cho kẻ tham, những kẻ phá hoại...

Từ phát hiện chiếc xe tư gắn biển xanh của ông Trịnh Xuân Thanh, đã lòi ra cả một quy trình bổ nhiệm, nâng đỡ sai trái, vi phạm, phát lộ rõ cả một đống nợ, thua lỗ, làm mất mấy ngàn tỉ đồng. Cũng từ việc công bố kết luận thanh tra các ông lớn như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam... đã lòi ra rất nhiều sai phạm.

Oái ăm thay, không ít sai phạm, gây thất thoát, thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng kia đã diễn ra từ nhiều năm trước, không ít cán bộ liên quan đã về hưu, hạ cánh an toàn, và những lỗ thủng thì không thể nào lấp đầy được, cũng như câu chuyện thu hồi tài sản tham nhũng từ án tuyên của tòa cũng chỉ là những con số rất ít so với số tài sản tham nhũng đã bị vơ vét, đã làm mất đi.

Và rồi cũng từ những vụ việc đã được phát lộ, phát hiện với những hậu quả rất nghiêm trọng người ta cũng rất băn khoăn rằng, sao trước đó cũng đã có rất nhiều những cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát, các cơ quan chức năng cũng rất hùng hậu, sao không phát hiện ra vi phạm? Như sự cố môi trường Formosa (Hà Tĩnh), trước đó có cả một cuộc thanh tra. Ngay những việc như bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, lẽ nào người ta đã không biết đến những cái lỗ thủng phía sau. Mọi hậu quả chỉ ra như đã nêu không ít xuất phát từ việc làm không đến nơi, đến chốn, còn hình thức, chưa nói đến việc bao che, trốn tránh. Cũng từ đây, người dân ghi nhận sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, của Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN những năm gần đây.

Rõ ràng, như yêu cầu của công tác PCTN, chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Ban Chỉ đạo PCTN, phải làm quyết liệt, khẩn trương, cụ thể. Công tác PCTN phải lấy phòng làm chính. Phòng chính ngay từ khâu giám sát, xử lý ban đầu. Từ việc kê khai tài sản cho đến các cuộc thanh kiểm tra thường xuyên. Mọi cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra, thường kỳ phải chỉ rõ vi phạm, xử lý nghiêm minh.

Cùng với thanh, kiểm tra các bộ ngành, năm 2016 này, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã có kế hoạch tổ chức 7 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát tại 14 tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Bắc Ninh, Tây Ninh, Hậu Giang, Bến Tre, Quảng Ngãi, Bình Phước, Quảng Nam, Phú Yên, Long An, Tiền Giang. Như Ban chỉ đạo yêu cầu, việc kiểm tra phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Hy vọng với việc kiểm tra, giám sát thường xuyên này, những tồn tại, vi phạm, những lỗ thủng nếu có sẽ sớm được phát hiện, xử lý. Đây là giải pháp chống tham nhũng từ gốc.

Kiên Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/chong-tham-nhung-tu-goc/120292