CHỐNG THẤT THU THUẾ BẰNG CÁCH NÀO?

Thuế không những là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước mà còn gắn liền với các vấn đề về củng cố quốc phòng-an ninh, kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công bằng và sự ổn định xã hội. Vì thế, việc chống thất thu thuế luôn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, việc cải cách hệ thống thuế cũng có những bước tiến khá dài, thế nhưng việc chống thất thu thuế vẫn còn nhiều nan giải. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2017 vừa được tổ chức, tổng số tiền thuế nợ của cả nước tính đến thời điểm ngày 31-5-2017 là 75.534 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu đến 90 ngày và trên 90 ngày là 29.469 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39% tổng số tiền thuế nợ.

Phát biểu trước Quốc hội tại kỳ họp mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã nêu tình trạng thất thu thuế do chuyển giá đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; bán hàng không xuất hóa đơn, hoặc xuất hóa đơn với giá thấp hơn giá thực tế để trốn thuế đối với các doanh nghiệp trong nước vẫn diễn biến khá phức tạp. Nhiều trường hợp khi người mua muốn có hóa đơn đã phải nộp thêm tiền.

Tư vấn cho người nộp thuế tại Cục thuế Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Tư vấn cho người nộp thuế tại Cục thuế Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, để chống thất thu thuế hiệu quả, cần phải có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trước hết cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền đến người nộp thuế, người đi thu thuế và toàn thể nhân dân về quyền và nghĩa vụ nộp thuế; chỉ cần lấy hóa đơn đúng giá là người mua hàng đã làm gia tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, cũng như phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng, chống gian lận thương mại, chống buôn lậu, chống chuyển giá. Với cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin như hiện nay, các địa phương hoàn toàn có thể lắp máy tính tiền có kết nối giữa các cơ sở kinh doanh lớn với cơ quan thuế để hạn chế người kinh doanh trốn thuế qua việc bán hàng không xuất hóa đơn, kê khai doanh thu giảm so với thực tế.

Để thu hồi nợ đọng thuế, ngành thuế cần rà soát, phân loại tiền thuế nợ theo các tiêu chí phân tích nợ thuế, phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, của từng trường hợp nợ thuế, từ đó áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế cũng như các biện pháp khác phù hợp để thu hồi nợ. Công khai các doanh nghiệp nợ thuế định kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các trường hợp thuộc diện cưỡng chế thì kiên quyết thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

Đặc biệt, để công tác chống thất thu đạt hiệu quả, các ngành, nhất là ngành thuế, hải quan không chỉ triển khai hiệu quả khai thác nguồn thu, chống thất thu mà song hành với đó phải hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc giải quyết nhanh gọn hồ sơ thủ tục, nhân rộng mô hình thu thuế qua internet, tránh tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh của một bộ phận cán bộ thuế. Chính quyền các cấp cũng phải vào cuộc một cách quyết liệt. Đồng thời, đẩy mạnh việc miễn giảm các loại thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mới khởi nghiệp nhằm giúp họ có nguồn vốn để xoay vòng, tạo doanh thu và đóng góp lại cho ngân sách Nhà nước.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chong-that-thu-thue-bang-cach-nao-512689