Chớp thời cơ giành chính quyền

Vấn đề thời cơ Tổng khởi nghĩa là một trong những nội dung trọng yếu được Đảng ta dự báo từ rất sớm. Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng đã ra nghị quyết, dự báo khá chính xác hệ quả trực tiếp của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai: 'Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, cách mạng nhiều nước sẽ thành công…'. Thực tiễn lịch sử chứng minh tính đúng đắn của dự báo do Đảng ta đưa ra. Với chiến thắng của Liên Xô và các lực lượng Đồng minh trước chủ nghĩa phát xít, thời cơ cách mạng đã đến với nhiều nước trên thế giới khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Đồng bào Nam Bộ ngăn sông đánh giặc (Ảnh tư liệu).

Không chỉ dự báo và xác định được thời cơ giành chính quyền cách mạng, từ rất sớm, Đảng ta đã phân tích chính xác mâu thuẫn giữa các thế lực đế quốc, nhận định phát xít Nhật sẽ đảo chính hất cẳng thực dân Pháp ở Đông Dương và vạch ra kế hoạch hành động khi xuất hiện tình hình mới. Ngày 15-2-1944, trong bài “Bóc trần mưu gian của đế quốc Nhật! Thống nhất hành động đánh đổ thù chung!”, đăng trên Báo Cờ Giải phóng, Tổng Bí thư Trường Chinh xác định, sớm hay muộn cuộc đấu súng Nhật-Pháp nhất định sẽ xảy ra. Từ đó đến đầu năm 1945, vấn đề “cuộc đảo chính của phát xít Nhật” luôn được nhắc tới trong những văn kiện, tài liệu tuyên truyền của Đảng, định hướng công tác chuẩn bị của phong trào cách mạng cho thời điểm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Vì thế, khi cuộc đảo chính của Nhật nổ ra vào đêm 9-3-1945, Đảng ta đã chủ động vạch ra những nhiệm vụ chiến lược sát đúng để đưa cách mạng tiếp tục tiến lên. Ngay trong đêm Nhật-Pháp bắn nhau, từ chập tối, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh khai mạc tại chùa Đồng Kỵ, Bắc Ninh. Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", nhận định: Cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương đã tạo nên cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi, tuy vậy cũng đã tạo ra những tiền đề cần thiết thúc đẩy cuộc khởi nghĩa chóng tới. Ngoài việc xác định kẻ thù mới và đề ra khẩu hiệu đấu tranh mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta còn dự báo hai khả năng làm xuất hiện thời cơ cho nhân dân ta vùng lên giành chính quyền trên cả nước: Một là, quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật; hai là, Nhật đầu hàng Đồng minh.

Ngày 15-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh. Thời cơ xuất hiện như khả năng thứ hai mà Đảng ta đã dự báo. Ngày 16-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đại hội Quốc dân được tổ chức tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã quyết định phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.

PHAN HƯNG

(Theo tài liệu Hội thảo kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/70-nam-cach-mang-thang-tam-va-quoc-khanh-2-9/chop-thoi-co-gianh-chinh-quyen-488492