Chớp thời cơ, quân và dân Bình Thuận chủ động phối hợp chiến đấu giải phóng quê hương

ND - Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh về nhanh chóng giải phóng miền nam, hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời để phối hợp chiến đấu với quân và dân trên toàn chiến trường miền nam, từ cuối tháng 3-1975, Bộ Tư lệnh Quân khu 6 quyết định thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương giải phóng tỉnh Bình Thuận do đồng chí Đỗ Phú Đáp - Tham mưu trưởng Quân khu làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Quý Đôn - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận làm Chính ủy, các đồng chí Phạm Hoài Chương, Vũ Ngọc Đài, Lê Văn Nhất làm Chỉ huy phó.

Chấp hành mệnh lệnh, Bộ Chỉ huy tiền phương giải phóng tỉnh Bình Thuận chủ động lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân các địa phương phối hợp với toàn chiến trường miền nam đẩy mạnh tiến công địch. Đêm ngày 7 rạng sáng 8-4-1975, Trung đoàn 812 bộ đội chủ lực quân khu phối hợp với Tiểu đoàn 200C đặc công đánh chiếm chi khu và quận lỵ Thiện Giáo (Ma Lâm) nằm ở phía bắc, cách thị xã Phan Thiết 15 km, sau đó tiếp tục phát triển, cùng nhân dân địa phương giải phóng các xã, ấp, đồn bốt trên đường số 8 từ Tầm Hưng, An Phú, Bình Lâm, Bình An đến Tân Điền (cách thị xã Phan Thiết 3 km). Ngày 9-4, Trung đoàn 812 tiếp tục cùng bộ đội địa phương đánh chiếm ấp Xara, vây ép đồn Tuy Hòa, tiến tới giải phóng đồn Tuy Hòa (đêm 11-4), thừa thắng xốc tới giải phóng hoàn toàn thị trấn Phú Phong - thị trấn nằm trên đường số 1 (cách thị xã Phan Thiết 7 km), mở rộng cửa ngõ cho các lực lượng vũ trang ta tiến vào giải phóng Phan Thiết. Địch phản ứng quyết liệt bằng phi pháo, máy bay ném bom và sử dụng Liên đoàn biệt động 21, Trung đoàn 5 (Sư đoàn 2), Tiểu đoàn 330 bảo an điên cuồng phản kích, hòng chiếm lại các khu vực đã mất. Các đơn vị thuộc Trung đoàn 812 và Tiểu đoàn 200C biệt động của ta kiên cường bám trụ, đẩy lui các đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa, tiếp tục phát triển tiến công đánh chiếm đồn Tân An, cao điểm Tà Dôn đêm 17 rạng sáng 18-4, thu 2 khẩu pháo và toàn bộ vũ khí, đạn dược. Trên hướng bắc của thị xã Phan Thiết, từ ngày 11-4 trở đi, Tiểu đoàn 130 của ta đã dùng pháo 105 li và cối 120 li liên tục pháo kích và kiềm chế các trận địa pháo địch ở Cam Ê-sê-pic, Lầu Ông Hoàng, ngã ba Kim Ngọc... Về phía tây-bắc thị xã Phan Thiết, các lực lượng vũ trang của thị xã và huyện Hàm Thuận cũng chủ động đánh chiếm đồn Bàu Gia, phát động nhân dân nổi dậy giải phóng các ấp Phú Hội, Đại Lẫm, Xuân Phong, dồn địch tới Trinh Tường, sát thị xã. Ở hướng bắc của tỉnh Bình Thuận, từ ngày 4 đến 14-4, lực lượng bộ đội địa phương cũng liên tục tổ chức tiến công tiêu hao, tiêu diệt, kiềm chế địch, giải phóng ba ấp Kinh, Chăm, Thượng của Tuy Tịnh. 20 giờ ngày 18-4, các lực lượng vũ trang tại chỗ chủ động phối hợp với một số đơn vị Cánh quân Duyên Hải, chia thành ba mũi tiến công đánh chiếm thị xã Phan Thiết. Mũi chủ yếu, tiến theo đường số 1 đánh thẳng vào tiểu khu - tòa tỉnh trưởng, một bộ phận tiến xuống chặn cửa biển Thượng Chính. Mũi vu hồi tiến dọc theo đường Phú Phong đi Phước Thiện Xuân - Phú Hải, đánh chiếm Lầu Ông Hoàng, chặn đường rút chạy của địch về Mũi Né. Mũi vượt cầu Trần Hưng Đạo, chọc thẳng đánh vào phía nam thị xã Phan Thiết, chặn đường rút chạy của địch về phía Bình Tuy. Ở phía bắc, các Tiểu đoàn 482 của tỉnh và Tiểu đoàn 200C từ Tân An theo đường số 8 đánh chiếm Trinh Tường. Trận chiến đấu diễn ra khốc liệt. Địch ngoan cố dựa vào hệ thống công sự hầm hào, vật cản chống trả quyết liệt; đồng thời sử dụng các loại phi pháo từ Cam Ê-sê-pic, Ngã Hai, Lầu Ông Hoàng điên cuồng bắn ngăn chặn các mũi tiến công của quân ta. Nhưng trước sức tiến công mãnh liệt của quân ta, địch rối loạn đội hình, các mục tiêu lần lượt bị ta đánh chiếm. 22 giờ 30 phút, quân ta hoàn toàn làm chủ thị xã Phan Thiết sau khi đánh chiếm tòa tỉnh trưởng, tiểu khu, Cam Ê-sê-pic, Lầu Ông Hoàng và các mục tiêu khác, mở cửa nhà lao giải thoát 400 người bị kẻ địch giam cầm. Ngày 19-4, quân và dân các địa phương tiếp tục truy quét tàn quân địch, ổn định cuộc sống mới. Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 840 phối hợp lực lượng địa phương lần lượt đánh chiếm chi khu Hải Long, thị trấn Mũi Né, chi khu Ngã Hai. Những địa phương cuối cùng (trừ đảo Phú Quý) của tỉnh Bình Thuận đã được giải phóng hoàn toàn. Đảo Phú Quý được các Tiểu đoàn 482 của tỉnh và Đại đội 490 của huyện Tuy Phong giải phóng hoàn toàn ngày 27-4. Như vậy, trong vòng 10 ngày (từ ngày 8 đến 19-4-1975), quân và dân Bình Thuận đã chớp thời cơ, phối hợp với quân và dân toàn chiến trường miền nam (trong đó có bộ đội chủ lực Quân đoàn 2) tiến công chia cắt địch, giải phóng hoàn toàn quê hương. Kết quả, ta đã diệt và làm tan rã tám tiểu đoàn lính cộng hòa, biệt động; 18 đại đội, 136 trung đội bảo an, dân vệ; thu 16 khẩu pháo, bốn máy bay và toàn bộ vũ khí, khí tài, kho tàng; đập tan toàn bộ hệ thống kìm kẹp của địch trên địa bàn tỉnh. Hơn 14.000 binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn ra trình diện, nộp vũ khí. Đất nước ta, từ Bình Thuận trở ra đã liền một dải, trong không khí ngày chuẩn bị hội chiến tại Sài Gòn.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=172698&sub=130&top=37