'Chốt' phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018

Cuộc họp lần thứ 3 của Hội đồng tiền lương quốc gia về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2018 đã kết thúc sáng nay (7/8) với mức đề xuất cuối cùng là tăng 6,5% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2017.

Thứ trưởng Lao động Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng cho biết, sau 3 phiên thảo luận, phiên họp đầu tiên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng là 13,3%, VCCI đề xuất không tăng. Tại cuộc họp thứ 2, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam rút xuống còn 8%, VCCI tăng lên thành 5%. Cuối cùng, phương án tăng 6,5% được chọn với 8 phiếu đồng ý.

Ảnh minh họa

Căn cứ vào mức đề xuất này, Hội đồng sẽ làm báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng 2018 trong thời gian tới.

Mặc dù phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 đã được “chốt”, thế nhưng theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện người lao động và chủ doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với mức tăng trên. Tuy nhiên, theo ông Chính, với mức tăng 6,5% thì lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu có thể phải kéo dài đến sau năm 2020. Mức tăng này thể hiện sự chia sẻ rất lớn của người lao động với doanh nghiệp.

"Khi đưa ra mức tăng 7%, chúng tôi đã có tính toán, chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp. Tính đến năm nay tình hình kinh tế xã hội cả nước đã có rất nhiều điểm sáng, việc tăng lương tối thiểu 2018, ít nhất, thậm chí, không thể thấp hơn mức của năm 2017". - ông Chính cho biết thêm.

Ông Hoàng Quang Phòng - Đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp (VCCI) cho biết, mức tăng trên vẫn khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Trước kỳ họp, doanh nghiệp đều khuyến nghị không tăng lương tối thiểu năm nay. Trong suốt 10 năm qua, lương tối thiểu đã liên tục tăng, nếu cứ tiếp tục tăng thì doanh nghiệp khó xoay xở.

Theo ông Phòng, doanh nghiệp mong muốn người lao động cải thiện thu nhập thì phải dựa vào năng suất lao động và khả năng cống hiến, chứ không thể cứ trông chờ vào việc tăng lương tối thiểu.

“VCCI mong muốn người lao động phải phấn đấu hơn trong công việc, nâng cao trình độ tay nghề, kỷ luật lao động và năng suất lao động. Qua đó có thêm tiền thưởng về năng suất lao động, thưởng cải tiến kỹ thuật, chế độ phúc lợi xã hội khác mà chủ doanh nghiệp mang lại. Chỉ có sự cố gắng của 2 bên thì mức sống của người lao động mới có thể tăng lên được”. - ông Phòng cho biết.

Theo Enternews

Nguồn ANTT: http://antt.vn/chot-phuong-an-tang-luong-toi-thieu-vung-nam-2018-208287.htm