Chợt tỉnh vì... sổ đỏ

Những ngày qua, người Hà Nội và cả nước "chợt tỉnh”, sau câu chuyện đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nêu phản ánh của người dân Khu đô thị Mễ Trì Thượng (Hà Nội) phải "bôi trơn” 8 triệu đồng để sớm có sổ đỏ. Lãnh đạo Hà Nội cũng chợt tỉnh, đã yêu cầu cơ quan thanh tra phải làm rõ thông tin nói trên. Đương nhiên, Thanh tra Hà Nội cũng phải tỉnh để vào cuộc. Kết quả chưa biết đến đâu, liệu rồi lại kiểu "ném đá ao bèo”, nhưng cũng khiến không ít quan tham phải giật mình, và người dân thì cũng thấy cần phải tỉnh táo hơn...

Bởi chuyện chậm sổ đỏ, bị nhũng nhiễu, vòi tiền, ăn tiền... đã chẳng còn gì mới, và cũng không chỉ riêng ở Hà Nội. Cán bộ địa chính xã, phường ôm sổ đỏ của dân đút tủ cơ quan, nghĩ cách làm sao moi được tiền của dân đã không có gì lạ. Thực tế cũng đã không ít vụ việc ở nhiều nơi được người dân phản ánh, bị phanh phui. Tuy nhiên cũng có một thực tế, cái bức màn chắn, lớp sương mù tiêu cực xung quanh cái sổ đỏ vẫn cứ mãi u u, mê mê. Kẻ làm cán bộ vì lòng tham, chìm đắm trong cơn mê kiếm tiền, người thường dân thì xoay sở trong cơn mê nỗi lo, thiếu hiểu biết pháp luật, sợ đủ thứ. Cả hai bên đã vô tình tiếp tay cho nhau vi phạm pháp luật. Thực tế không ít người đã mặc nhiên coi việc nhờ vả, bôi trơn là chuyện bình thường, một kiểu lệ bất thành văn phải làm...

Trở lại câu chuyện phải có 8 triệu đồng bôi trơn ở Khu đô thị Mễ Trì Thượng người dân tố đến đại biểu Quốc hội, đại biểu phản ánh và cơ quan thanh tra bị thúc sẽ phải làm. Kết quả cụ thể như thế nào thì rồi tới đây cơ quan chức năng sẽ phải công bố. Ít người dám chắc rằng kết quả thanh tra sẽ rằng là: có. Bởi thực tế khi đang trong cơn mê kia, cái sự 8 triệu đồng vẫn đang là đương nhiên, nhưng khi nước động, cơn mê của cơ quan chức năng tỉnh, thì rất dễ lại hóa không. Có thể trong cùng vụ việc, hai ông dân cùng đến để lấy sổ đỏ, ông thì phải chi ra 8 triệu, nhưng có ông lại chả mất gì! Chuyện cũng đã xảy ra ở nhiều nơi. Cùng cái sổ đỏ, cùng hoàn cảnh, có người mất 10 triệu, có người mất 8 triệu, có người 5 triệu, có anh lại chỉ 2 triệu, thậm chí 1 triệu. Tóm lại, thường dân tha hồ bị xoay, bị nắn, bị đào, ai bị bao nhiêu thì tùy. Tùy hoàn cảnh túi tiền, sự u mê của mỗi người, tùy hoàn cảnh, sự thể cái việc đang sinh chuyện, cái mảnh đất muốn có sổ đỏ kia. Ví như ngay cái đất của Khu đô thị Mễ Trì Thượng kia, biết đâu chính trong nội tình đã vi phạm pháp luật. Từ việc giấy tờ, thủ tục quy hoạch, xây dựng chưa tròn, cho đến chưa làm tròn nghĩa vụ với nhà nước, với địa phương của chủ đầu tư, để rồi vướng. Bên cạnh đó là sự sách nhiễu của các cơ quan, quan tham, cán bộ tham liên quan đã quen ở trong cơn mê "đào, khoét”...Và cái chuyện chủ đầu tư từng đã phải chạy, phải lót cũng là sự thường. Chủ đầu tư lại đòi, ép đến dân...Vi phạm tiếp chồng vi phạm.

Xung quanh cái sổ đỏ, lâu nay việc vi phạm pháp luật đã xảy ra từ người dân cho đến cán bộ. Tuy nhiên, cái sai chính, nguyên nhân gốc vẫn là cán bộ. Thiệt thòi cuối cùng vẫn là nhà nước, người dân nói chung. Mất thuế, mất niềm tin. Người xây nhà trái phép, xây nhà trên đất nông nghiệp, lấn chiếm đất đai được hợp thức hóa bởi cán bộ làm sai, với số tiền bôi trơn, cái được của một người không chỉ làm béo cho quan tham, lại gây ra sự mất công bằng, làm nhiễu loạn kỷ cương, xã hội.

Cái sai của người dân, nhiều khi vì hoàn cảnh phải bôi trơn đã đành, nhưng không ít người, bị chính cán bộ mê hoặc, thậm chí có thể coi là lừa đảo. Chỉ nói riêng về cái sổ đỏ. Từ trong những sự u mê kia, đã sinh ra nhan nhản đó đây những dịch vụ, văn phòng, cò mồi... để chạy, để ép. Đủ loại hình, đủ loại giá cả, không ít đó cũng chỉ là những kiểu... lừa dân. Chuyện ông bạn tôi, ở quận Ba Đình mấy năm trước từng đã "nhờ vả” anh cán bộ địa chính phường sang tên cái bìa đỏ căn nhà ông mới mua. Cái lý do ông nghĩ, rằng anh cán bộ trong ngành làm giúp cho nhanh, đành rằng sẽ mất chút phí. Và rồi, anh cán bộ địa chính đã thẳng thừng đưa ra cái giá 17 triệu đồng, mà rằng, giá cả chung bây giờ đâu cũng thế. Đang lúc cần sổ chính chủ để vay tiền ngân hàng, ông bạn đành tặc lưỡi. Ai hay sau đó, mọi chuyện từ đi nộp tiền thuế, lên quận nộp giấy tờ, ông vẫn phải đi làm đủ mọi thủ tục. Khi ấy ông mới linh cảm rằng mình bị lừa... Đành rằng có thể bị hành chút đỉnh, nhưng không đến nỗi phải mất oan đến ngần ấy tiền. Sau đó, ngậm đắng, nuốt cay, đi đâu ông cũng nhắc nhở mọi người phải tin vào chính sách, tin vào cơ chế một cửa, chớ tin vào mấy vị tham quan, chớ để đục nước, béo cò...

Xung quanh cái sổ đỏ, xung quanh Luật Đất đai pháp luật đã có các quy định rõ ràng. Nhà nước đã công khai các thủ tục hành chính. Chuyện tiêu cực về cái sổ đỏ lâu nay rõ là đã quá mù ra mưa. Và rồi, nhân một ý kiến của một vị đại biểu Quốc hội, lãnh đạo TP Hà Nội đã đánh trống thức tỉnh. Hy vọng cả nước sẽ cùng đánh trống thức tỉnh. Không thể chỉ mãi cứ là lời nói suông. Pháp luật không thể mãi bị khinh nhờn, bẻ cong. Cần phải xua tan bức màn tiêu cực, sự u mê từ cán bộ cho đến người dân. Với cán bộ, cần phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Với người dân cần cảnh giác, giám sát, tố cáo tiêu cực để cùng dẹp cái vấn nạn trầm kha này.

Kiên Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=90949&menu=1451&style=1