Chủ đầu tư “biến mất” cùng nhiều dự án BĐS: Người mua nhà phải làm gì?

Bất động sản khó khăn, dự án thoi thóp, chủ đầu tư biến mất, hàng loạt khách hàng lâm cảnh bi đát. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là hàng loạt khách hàng đã “trót” góp vốn, quyền lợi sẽ đi về đâu?

Dự án đắp chiếu, chủ đầu tư “biến mất”

Cách đây 3 năm, anh Nguyễn Quang Hiếu (Thanh Xuân, Hà Nội) đã góp vốn vào dự án CT1 AZ Land Vân Canh để mua một căn hộ tại dự án này bởi thời điểm đó AZ Land đang nổi đình nổi đám với hàng loạt dự án thuộc vào loại “hot” trên thị trường như: CT1 AZ Land Vân Canh, CT2 AZ Land Vân Canh, AZ Sky Định Công, Bright City…

Thời điểm đó, anh Hiếu cũng như nhiều khách hàng tham gia góp vốn vào dự án bởi dự án nào của AZ Land cũng được quảng cáo rầm rộ với mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Cụ thể, tại dự án CT1 AZ Land Vân Canh, cuối năm 2009 đầu 2010, chủ đầu tư bán ra với giá khoảng 11 đến 12 triệu đồng/m², thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường (lúc đó HUD chào dự án với giá khoảng 14 triệu đồng/m²).

Dưới cái mác dự án được chuyển giao từ Tổng Công ty Phát triển nhà và Đô thị (HUD) hàng trăm khách hàng đã sập bẫy khi đã góp vào đây số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng. Theo hợp đồng, dự án sẽ khởi công từ giữa năm 2010, nhưng mãi không thấy dự án có động tĩnh gì, khách hàng gây sức ép đòi rút vốn, chủ đầu tư đã miễn cưỡng tổ chức một lễ khởi công “hoành tráng” dưới sự chứng kiến của nhiều sở, ban, ngành, truyền thông báo chí.

Tuy nhiên, ngoài việc tổ chức một lễ khởi công hoành tráng với việc khoan một vài cọc móng từ đó đến nay dự án không hề được triển khai, và trở thành bãi cỏ hoang um tùm. Và cũng từ thời điểm đó đến giờ, mọi cố gắng của các khách hàng như anh Hiếu tìm cách liên lạc với ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS AZ Land chẳng khác nào mò kim đáy bể.

Hàng trăm khách hàng đã tìm đủ mọi cách để gặp chủ đầu tư như biểu tình trước cửa trụ sở công ty, làm đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng nhưng vẫn bế tắc. Trước đây, trụ sở AZ Land tại số 58 Trần Thái Tông, nhưng sau đó không thông báo cho khách hàng lặng lẽ chuyển về một con ngõ nhỏ ở phố Tây Sơn, và hiện tại trụ sở cũng chỉ có duy nhất 1 nhân viên lễ tân và một bảo vệ còn toàn bộ ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên khác của AZ Land thì không có cách nào liên lạc được.

“Cháy nhà ra mặt chuột”, BĐS khó khăn mới thò ra hàng loạt những đuôi chuột làm ăn theo kiểu “chộp giật” để lại muôn vàn khó khăn cho những khách hàng đã “trót” góp tiền vào dự án.

Điển hình mới nhất có thể kể đến như dự án Tricon Tower (Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội). Hàng trăm khách hàng của dự án Tricon Tower ở Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội đang kéo đến Công ty CP Đầu tư Minh Việt (tòa nhà C1, D6 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là chủ đầu tư để đòi tiền mua nhà đã nộp, nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc (TGĐ) công ty này là ông Edward Chi người Mỹ gốc Trung Quốc đã biến mất cùng hơn 400 tỷ đồng.

Người mua đã nộp tiền từ tháng 11/2009 theo tiến độ 3 tháng một lần, mỗi lần 20.000 USD, ai đóng luôn 70% sẽ được giảm 5% giá trị căn hộ. Hiện dự án này mới thi công xong phần hầm, móng và bỏ hoang, sắt thép đã hoen gỉ. Khu nhà trưng bày mô hình dự án trên đại lộ Thăng Long cũng bị bỏ hoang. Trụ sở Công ty CP Đầu tư Minh Việt đi thuê cũng đã bị tháo dỡ bảng tên. Anh Trần Thanh Hải, một khách hàng mua căn hộ dự án Tricon Tower cho biết, nhiều người đã đóng vào dự án này cả chục tỉ đồng...

Bên cạnh những chủ đầu tư đang nổi đình nổi đám về làm ăn gian dối như: AZ Land, Công ty Minh Việt, Vina Megastar… dẫn đến kiện tụng kéo dài của khách hàng, vẫn còn một số chủ đầu tư do khách hàng vẫn đang “ngậm bồ hòn làm ngọt” nên chưa bị phơi bày ra ánh sáng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, khi đã “cháy nhà ra mặt chuột”, chủ đầu tư tìm không thấy thì quyền lợi của hàng trăm khách hàng sẽ ra sao khi chủ đầu tư cùng số tiền góp vốn lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng đã mất dạng?

CT1 AZ Land Vân Canh sau 3 năm khởi công đến giờ vẫn là bãi đất trống, khách hàng không thể liên hệ được với chủ đầu tư.

Khách hàng cần làm gì?

Theo luật sư Nguyễn Văn An, Giám đốc Công ty Luật Cộng đồng, việc ký hợp đồng góp vốn thực tế đặt khách hàng vào một tình huống có thể mất trắng tiền bất cứ lúc nào. “Hợp đồng góp vốn, thực chất là cùng nhau đầu tư. Nếu thắng thì anh sẽ được hưởng lợi nhuận trả bằng tiền hoặc bằng tài sản, ví dụ như bao nhiêu mét vuông đất. Còn nếu thất bại, thì tôi và anh đều phải chịu”, luật sư An phân tích.

Thông tin từ Bộ Xây dựng, để đảm bảo cho sự an toàn tiền mua nhà của khách hàng, Bộ Xây dựng đang xây dựng quy định bắt buộc các dự án BĐS phải mua bảo hiểm nhà ở để trong trường hợp chủ đầu tư không còn năng lực thực hiện tiếp dự án, người mua nhà sẽ không bị mất tiền do đã mua bảo hiểm.

Bên cạnh đó, trước tình trạng một loạt dự án BĐS dở dang, gây mất niềm tin cho người mua nhà, Bộ Xây dựng đang đề xuất hỗ trợ theo hình thức người mua nhà được cùng chủ đầu tư quản lý dòng tiền đã nộp vào dự án.

Đây là giải pháp để khách hàng yên tâm là tiền mình nộp không bị chủ đầu tư mang đi làm việc khác, khách hàng cần được trực tiếp giám sát nguồn tiền vào dự án để trực tiếp giải ngân cho từng hạng mục của công trình.

Phân tích về việc AZ Land có thể huy động vốn của hàng trăm khách hàng một cách dễ dàng, luật sư An cho rằng, trước hết, AZ Land đánh trúng vào tâm lý thích “giá rẻ” của khách hàng. Dự án do AZ Land bán thường thấp hơn so với giá của nhiều dự án tương đương trên thị trường. Và có lẽ đó chính là “miếng mồi ngon” được đem ra nhử các con mồi.

Cụ thể, giá của dự án Vân Canh được chào bán hồi năm 2009 của HUD lên tới 14-15 triệu đồng/m², thì AZ Land chỉ 11-12 triệu đồng/m². Có lẽ sự khôn ngoan nhất của AZ Land là việc huy động vốn của khách hàng dưới dạng hợp đồng góp vốn.

Theo luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng văn phòng Luật sư Phúc Thọ (Đoàn Luật sư Hà Nội), với các trường hợp như đã nêu khách hàng cần liên hệ với UBND TP Hà Nội để nhờ can thiệp. Cũng theo ông Quyền, nếu không thể liên lạc được với chủ đầu tư, trong khi dự án đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế khách hàng có thể gửi đơn lên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP Hà Nội). Tuy nhiên, cũng theo ông Quyền, khách hàng khi “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ không thể đảm bảo tối đa quyền lợi được cho khách hàng bởi hợp đồng ký giữa khách hàng và chủ đầu tư đều là những hợp đồng thỏa thuận dân sự. Thảm cảnh này thực sự là một quả đắng không chỉ cho những người đã góp tiền mà còn nhiều hệ lụy xã hội khác.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần thiết phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, giảm thiểu tình trạng xung đột giữa khách hàng và chủ đầu tư ngày càng gia tăng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/diaoc/2013/8/205630.cand