Chủ doanh nghiệp tát, đạp CSGT: Tội chồng tội

Không chỉ bị xử lý hình sự về tội Chống người thi hành công vụ, kẻ tát CSGT có thể bị xử lý về hành vi gây tai nạn giao thông theo điều 202 BLHS.

Chiều 20/5, cơ quan CSĐT - Công an huyện Phú Bình, Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Vũ Quang Hữu (50 tuổi, trú tại cầu Gỗ, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) về hành vi chống người thi hành công vụ.

Hiện trường vụ tai nạn

Trước đó, khoảng 17h ngày 17/5, Vũ Quang Hữu điều khiển xe ô tô BKS: 20A-145.77 va chạm với hai xe gắn máy tại địa bàn xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, làm 2 người bị thương. Trong đó, chị Nguyễn Thị Điệp (SN 1975, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình) phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình.

Lực lượng CSGT đã có mặt kịp thời giải quyết va chạm. Sẵn có hơi men trong người, Hữu tát một CSGT , chửi lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ và đạp vào một CSGT khác.

Xét hành vi chửi bới lực lượng chức năng, tát CSGT và đạp vào một CSGT khác của bị can Vũ Quang Hữu đã cản trở người đang thi hành công vụ, xâm phạm đến hoạt động công vụ của lực lượng CSGT giải quyết vụ tai nạn giao thông.

Mặt khách quan của tội phạm, hành vi của người phạm tội là dùng vũ lực tấn công, hành hung cản trở CSGT đang thực hiện nhiệm vụ của họ. Mục đích nhằm làm cho người thi hành công vụ bị đau đớn, không thực hiện được nhiệm vụ của mình. Người có hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hậu quả mà hành vi này gây ra cho người thi hành công vụ. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội này (tội cấu thành vật chất).

Luật gia Trần Văn Việt

Mặt chủ quan tội phạm, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình cản trở người thi hành công vụ.

Về chủ thể, bị can Hữu là chủ doanh nghiệp, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự nên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Khoản 1 Điều 257 quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Ở khía cạnh khác, trước khi chống người thi hành công vụ, đối tượng Vũ Quang Hữu còn gây ra vụ va chạm giao thông, khiến một người phải nhập viện, thiệt hại về tài sản tương đối lớn. Theo quy định tại khoản 1, điều 202 BLHS, hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chỉ bị coi là phạm tội khi gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.

Trong sự vụ này, nếu chứng minh có thiệt hại theo điều 2, Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao: Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%; Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng… thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét trách nhiệm hình sự đối tượng Hữu theo điều 202 – BLHS.

Tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (điều 202 BLHS) giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra có mối quan hệ nhân quả. Hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Tội phạm hoàn thành từ thời điểm xảy ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được thực hiện do lỗi vô ý do tự tin hoặc cẩu thả.

Luật gia Trần Văn Việt.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chu-doanh-nghiep-tat-dap-csgt-toi-chong-toi-a326343.html