Chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội

Sáng ngày 11-1, tại Hà Nội, Ban Kinh tế T.Ư tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư chủ trì hội nghị; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư.

Báo cáo tổng kết của Ban do đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư trình bày, nhấn mạnh: Trong năm 2016, Ban Kinh tế T.Ư được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao là cơ quan chủ trì triển khai các đề án quan trọng: Đề án "Tổng kết 10 năm 2006 - 2016 việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đổi mới, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước; xã hội hóa dịch vụ công"; Đề án "Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; "Tổng kết Nghị quyết T.Ư 3 khóa IX về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước"; "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân" và Đề án "Định hướng Chính sách công nghiệp quốc gia giai đoạn 2016 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035".

Đây là những nội dung trọng tâm, trọng điểm cần tiến hành tổng kết, đánh giá xuyên suốt, thực chất để từ đó đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Một số đề án nêu trên sẽ được Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành T.Ư tại Hội nghị T.Ư 5.

Ban đã báo cáo Bộ Chính trị ý kiến của Ban về các Đề án trình Hội nghị T.Ư 4 khóa XII, gồm Đề án "Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế"; Đề án "Thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" và Đề án "Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính an toàn, bền vững".

Ngoài ra, Ban đã tham gia ý kiến, thẩm định nhiều nội dung quan trọng theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cụ thể: Thẩm định Báo cáo về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 do Ban cán sự Đảng Chính phủ trình T.Ư.

Thẩm định Đề án "Cơ chế đặc thù đối với Dự án đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận" và Đề án "Cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận"; Báo cáo đánh giá toàn diện Dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo yêu cầu của Bộ Chính trị.

Ban Kinh tế T.Ư đã tham gia ý kiến đối với các báo cáo của các bộ, ngành trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung; tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia để bảo đảm khách quan, chắt lọc, tham khảo những thông tin đa chiều phục vụ công tác hoàn thiện báo cáo thẩm định.

Năm qua, lãnh đạo Ban Kinh tế T.Ư rất quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. Qua quá trình làm việc với các địa phương, đơn vị, Ban đã kịp thời kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số vấn đề cấp bách, cần có sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương để tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Cụ thể, thông qua làm việc với Tỉnh ủy Ninh Thuận, Bình Thuận, Ban đã có báo cáo đề xuất với Thường trực Ban Bí thư về những khó khăn, nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

Để kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, ngoài việc triển khai các nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm, Ban đã chủ động bám sát các vấn đề kinh tế - xã hội nổi bật trong nước và quốc tế để nghiên cứu, phân tích và tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp nhằm xử lý, ứng phó kịp thời các vấn đề kinh tế - xã hội nổi lên được dư luận xã hội quan tâm, như tình hình hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề các doanh nghiệp nước ngoài đang đẩy mạnh thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam...

Từ tháng 6-2016, Ban chủ động tổng hợp thông tin, xây dựng báo cáo kinh tế vĩ mô định kỳ tháng, quý, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời gửi một số bộ, ngành liên quan làm tài liệu tham khảo. Ban đã nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với nhiều nội dung có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với các tờ trình của Chính phủ về phê chuẩn hiệp định vay cho các dự án thuộc khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các đối tác quốc tế khác.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư chủ trì hội nghị.

Để tổng hợp thông tin, phục vụ các đề án chuyên môn, Ban đã chủ trì, phối hợp tổ chức một số hội thảo, tọa đàm nhằm lắng nghe ý kiến trao đổi, thảo luận và quan điểm của các chuyên gia trong các lĩnh vực để tổng hợp thông tin, luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ công tác. Các hội thảo, tọa đàm do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức đã thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, các nhà khoa học và nhà quản lý có kinh nghiệm, thu thập được nhiều ý kiến đóng góp, thông tin phong phú.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, triển khai các quyết định của Bộ Chính trị liên quan đến nhân sự lãnh đạo Ban, Ban Kinh tế T.Ư đã kịp thời kiện toàn bộ máy tổ chức phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo liên tục. Công tác thông tin kinh tế của Ban được chú trọng thực hiện nhằm cung cấp kịp thời thông tin phục vụ công tác của Ban.

Đánh giá cao những kết quả Ban Kinh tế T.Ư đã đạt được trong năm qua, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu khẳng định: Ban Kinh tế T.Ư đã thể hiện vai trò chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đã bám sát chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xây dựng kế hoạch công tác năm của mình. Các nhiệm vụ, đề án được Ban Kinh tế T.Ư xây dựng nhìn chung được chuẩn bị kỹ lưỡng, có trọng tâm, trọng điểm.

Ban đã huy động sức mạnh trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học trong cả nước trong từng lĩnh vực; phối hợp có hiệu quả với các cơ quan Đảng ở T.Ư, Ban Cán sự đảng Chính phủ và các bộ, ngành; kết hợp các tỉnh ủy, thành ủy khảo sát thực tế tại các địa phương, từ đó tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề lớn và quan trọng của đất nước. Ban đã từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy, tập thể lãnh đạo Ban đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng bộ cơ quan trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị, trong thời gian tới, Ban Kinh tế T.Ư cần bám sát chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để chủ động thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm kịp thời, hiệu lực và hiệu quả. Trong đó, cần tập trung hoàn thành Đề án “Tổng kết 10 năm 2006 - 2016 việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đổi mới, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước; xã hội hóa dịch vụ công" và các Đề án trình Hội nghị T.Ư lần thứ 5 khóa XII sắp tới.

Chủ động phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các cơ quan đảng ở T.Ư, các tỉnh ủy, thành ủy triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được giao. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ban cần chủ động cập nhật, dự báo diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, kịp thời báo cáo, đề xuất, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng. Để thực hiện tốt công việc này, Ban Kinh tế T.Ư phải bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần tích cực trong việc tham mưu, hoạch địch những cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn sinh động của đất nước.

Bên cạnh đó, Ban cần tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ có năng lực, cán bộ trẻ, được đào tạo và có thực tiễn công tác, chuẩn bị nguồn cán bộ trước mắt cũng như lâu dài. Cán bộ, đảng viên, người lao động của Ban Kinh tế T.Ư cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tích cực thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31801102-chu-dong-tham-muu-de-xuat-cac-chu-truong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html