Chữ 'giá như' với nhiều ngân hàng

Tròn 10 năm kể từ thời điểm nhiều ngân hàng nông thôn bị “đô thị hóa”, có người tận dụng được thời cơ, nhưng cũng nhiều người sa cơ lỡ vận.

Ngay trong những ngày đầu tiên của tháng 7, thị trường ngân hàng trở nên dậy sóng với những thông tin về đầu tư và M&A. Nhưng không phải từ những ngân hàng top đầu, hai cái tên được nhắc đến là Ngân hàng Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) – những ngân hàng nông thôn bị “đô thị hóa” từ con sóng chuyển đổi cách đây 10 năm.

Theo thông tin mới phát đi, Ngân hàng Quốc dân (NCB) cho biết đang cùng một ngân hàng đầu tư của Mỹ hoàn thiện các bước cuối cùng của phương án đầu tư. Trước đó ngân hàng này đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng lên 6.010 tỷ đồng, thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi và thu hút thêm các cổ đông chiến lược nước ngoài.

Con thuyền nhỏ còn thiếu dạn dày và sức mạnh trong biển lớn. Trước sóng lớn, họ ở tình thế “cưỡi lưng hổ”. Thị trường lớn, có nhiều ông lớn, thị phần đã có chủ. Một sự chen chân yếu ớt là khó thành, buộc phải cạnh tranh quá mức dễ dẫn đến rủi ro.

Dù vậy, kết quả hoạt động trong nửa đầu năm 2017 của NCB cũng không mấy tích cực. Ngân hàng này báo lỗ hơn 3,5 tỷ đồng trong quý II, lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng chỉ còn vỏn vẹn 2,1 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch năm.

Còn Oceanbank – một trong ba ngân hàng 0 đồng được Ngân hàng Nhà nước mua lại, đang rục rịch đón đối tác ngoại tham gia tái cơ cấu. Tại buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2017, đại diện NHNN cho biết đã có ngân hàng nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu OceanBank và nếu việc này thành công, Việt Nam sẽ có thêm một ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Không công bố chi tiết đơn vị tham gia nhưng vị này tiết lộ, 2 ngân hàng đang trong giai đoạn 2 trong quá trình soát xét, đánh giá hoạt động.

Cả NCB và Oceanbank đều là những cái tên không mấy thành công từ quá trình chuyển đổi 10 năm trước. Cũng giống như nhiều cái tên khác, họ từng là những đại gia nông thôn lên thành thị, chịu hệ quả từ năng lực quản trị không thể bắt kịp quá trình “đô thị hóa”.

Cuộc chơi mới

“Đã đầu tư, mở rộng rồi sa lầy. Những năm gần đây, cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong khi nguồn lực của mình gần như không thể tăng cường, vốn không thể nâng lên khi không thể phát hành cổ phiếu ngay cả ở mệnh giá. Để có khách hàng, có thị phần ở những thị trường mới, nhất là với áp lực chỉ tiêu, có khi phải chấp nhận rủi ro. Thật khó để nắm được khách hàng lớn và tốt ở những nơi quá nhiều thổ công, thổ địa rồi. Có thể nói, chúng tôi ở tình thế cưỡi lưng hổ, khó xuống được, mà con hổ đó càng dữ hơn những năm gần đây”, lãnh đạo một ngân hàng nhỏ từng chia sẻ với VnEconomy chắc đây hơn 3 năm khi nhìn lại quãng thời gian ngân hàng này chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn lên thành thị.

Nhắc đến quá trình “đô thị hóa” ngành ngân hàng là câu chuyện của 10 năm trước. Cuối năm 2006 – đầu 2007, trước làn sóng ồ ạt mở ngân hàng mới, hàng loạt ngân hàng cổ phần nông thôn thời bấy giờ (bị giới hạn địa bàn hoạt động) cũng vội vã đệ đơn xin chuyển đổi mô hình thành ngân hàng đô thị nhằm mở rộng phạm vi, địa bàn hoạt động và tăng thị phần.

11 cái tên bị “đô thị hóa” thời đó gồm An Bình, Dầu khí toàn cầu, Sài Gòn – Hà Nội, Nam Việt, Kiên Long, Đại Dương, Xăng dầu Petrolimex, Phương Tây, Đại Tín, Đại Á và Mê Kong. Từ quy mô vốn chỉ vài tỷ đồng khi thành lập và hoạt động, các ngân hàng này nhanh chóng được mặc áo mới và chuyển đổi lên thành thị với số vốn khoảng 500 tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải kết thúc. Quy mô vốn của những ngân hàng này tiếp tục tăng lên khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định về mức sàn vốn điều lệ. Tiếp tục những dòng vốn “nóng” được chảy vào hệ thống đưa vốn điều lệ của những ngân hàng này cán mốc 3.000 tỷ chỉ trong thời gian ngắn. Tính ra, chỉ sau 5 năm kể từ giai đoạn chuyển đổi cho tới cuối năm 2011 – đầu năm 2012, quy mô các ngân hàng đều phình ra gấp 10 – 20 lần trước đó.

Với dòng tiền lớn được những cổ đông “lắm tiền” đổ vào trong thời gian ngắn, các ngân hàng nông thôn thời đó như những người nông dân nhận khoản tiền đền bù khổng lồ.

Họ ồ ạt mở rộng mạng lưới, quy mô hoạt động và tiến quân ra những thị trường mà trước đó chưa từng đặt chân. Những ngân hàng vốn gắn chặt với từng địa phương cụ thể bắt đầu kéo lên những thành phố lớn, đẩy những thị trường này vào cuộc chạy đua thị phần khốc liệt.

“Con thuyền nhỏ còn thiếu dạn dày và sức mạnh trong biển lớn. Trước sóng lớn, họ ở tình thế “cưỡi lưng hổ”. Thị trường lớn, có nhiều ông lớn, thị phần đã có chủ. Một sự chen chân yếu ớt là khó thành, buộc phải cạnh tranh quá mức dễ dẫn đến rủi ro”, một lãnh đạo ngân hàng từng nhận định về giai đoạn “đô thị hóa” ngành ngân hàng.

Chi ngoài lãi suất để câu kéo khách hàng, nhiều chi nhánh dù đầu tư bài bản tại những thành phố lớn liên tục phải bù lỗ không phải điều hiếm với những ngân hàng này trong giai đoạn “hậu đô thị hóa”. Thậm chí dư âm của nó đến nay vẫn còn tồn tại.

“Giá như” …

“Chuyển đổi quá nhanh” – phần đánh giá được nêu ra trong Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đây cũng là lần đầu tiên việc chuyển đổi loạt ngân hàng nông thôn lên đô thị giai đoạn 2005 - 2007 được đặt ra phân tích một cách cụ thể.

“Hậu quả của việc phải phát triển với tốc độ cực nhanh của nhóm các ngân hàng này là chúng phải tăng trưởng tài sản bằng mọi giá để tương ứng với lượng vốn chủ sở hữu tăng thêm. Do trình độ quản trị của các ngân hàng này không theo kịp với đà tăng tài sản nên dẫn đến việc chất lượng tín dụng của các ngân hàng này kém”, tác giả Đinh Tuấn Minh phân tích trong báo cáo.

Một lý do khác khiến cho chất lượng tín dụng ở các ngân hàng này kém cũng được tác giả đánh giá là do các ngân hàng thường là “sân sau” của các tập đoàn, cả nhà nước lẫn tư nhân, vì để tăng vốn chủ sở hữu lớn như vậy các ngân hàng này buộc phải dựa vào vốn đóng góp của chính các tập đoàn này.

Lý do trên cũng được tác giả phân tích thêm trong một nội dung khác của bản báo cáo. Đó là trường hợp các ngân hàng thương mại có cổ đông lớn là các doanh nghiệp (một đặc điểm rất rõ trong cơ cấu của các ngân hàng sau chuyển đổi), thì rất có thể các ngân hàng thương mại này trở thành “sân sau”, chuyên huy động vốn để tài trợ cho các dự án của mình.

Mặc dù theo quy định thì các ngân hàng không được cho các cổ đông của mình vay vốn, nhưng các ngân hàng có thể lách quy định này bằng cách cho các công ty con của các doanh nghiệp vay vốn.

Hệ quả là sau hơn một thập kỷ, trong số 11 ngân hàng trong giai đoạn chuyển đổi thời kỳ đó chỉ còn sót lại 3 ngân hàng là An Bình (ABBank), Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Kiên Long (KienlongBank) vẫn hoạt động theo định hướng, hình thức pháp lý ban đầu. Còn lại 9 ngân hàng có thể chia thành 2 nhóm: nhóm ngân hàng yếu kém bị mua lại 0 đồng và nhóm ngân hàng bị sáp nhập.

Trong một vài lần trao đổi với báo chí, một số lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận rằng, “họ muốn xuống”, muốn quay lại với thị trường cũ trước đây vốn quen thuộc với những ngân hàng này.

Hầu hết những ngân hàng nông thôn trước khi chuyển đổi đều “sống tốt” với những địa phương gắn liền với tên tuổi. Dù không có quy mô hàng nghìn tỷ nhưng những ngân hàng này vẫn có lãi với những rủi ro trong tầm kiểm soát.

Lãnh đạo Kienlong Bank trước đây từng nhiều lần chia sẻ rằng, họ sống khỏe với địa bàn hoạt động tại 13 tỉnh miền Tây, không mạo hiểm để ồ ạt “đô thị hóa” vì có nhiều rủi ro, nhất là ở hướng ra Bắc. Hay với DaiABank trước giai đoạn sáp nhập vào HDBank, Đồng Nai vẫn là địa bàn góp tới trên 50% lợi nhuận toàn hệ thống.

Nhưng điều này là bất khả thi. Hay nói đúng hơn, họ đứng trước những lựa chọn, hoặc sáp nhập, hợp nhất với một ngân hàng khác để trở thành một chính thể vững mạnh hơn, hoặc mạo hiểm đi tiếp.

Nhưng câu chuyện đến nay đa phần đều nghiêng về phương án đầu tiên, trong khi những ngân hàng chọn tự tái cơ cấu vẫn phải vật lộn trong những khó khăn.

Đọc thêm: Những ngân hàng nông thôn ngày ấy giờ ra sao

Nguồn NDH: http://ndh.vn/chu-gia-nhu-voi-nhieu-ngan-hang-20170731103252580p4c149.news