Chú hải cẩu bị đánh chết ở Bình Thuận: Đáng sợ bản năng 'hoang dã' của con người

Có thể con hải cẩu chết oan vì đơn giản người ta nghĩ 'mình thích thì mình giết nó thôi', giống như việc nam thanh niên đập vỡ óc con khỉ một cách khoái trá rồi 'tự sướng' bằng cách khoe lên mạng xã hội.

Chuyện về một con hải cẩu bị lạc vào biển Việt Nam, thường lên bờ vui đùa với người dân và sau đó bị giết hại ở bãi biển Bình Thuận đã trở thành đề tài đáng chú ý trong tuần.

Cách đây khoảng 6 tháng, con hải cẩu đốm này được người dân ở bãi biển Đồi Dương, Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) phát hiện. Người dân ở đây cho biết, nó thường lên bờ phơi nắng và đùa nghịch với du khách và người bản địa. Đã có những clip ghi lại hình ảnh chú hải cẩu vui đùa với con người.

Nhưng vài ngày trước, nó được phát hiện chết trên bãi cát. Với những vết thương trên đầu, con hải cẩu chắc chắn đã bị đập chết.

Sự việc làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Hầu hết ý kiến bình luận đều cho rằng hành vi giết hải cẩu là độc ác, không thể chấp nhận nổi.

Con hải cẩu bị giết hại ở bãi Dương, Bình Thuận

Con hải cẩu bị giết hại ở bãi Dương, Bình Thuận

Nhiều người nói rằng họ đã khóc khi thấy xác con hải cẩu trên vũng máu và khi xem lại những clip nó vui đùa với con người trước đó. Một phần là xót thương con hải cẩu nhưng một phần là cảm thấy sợ hãi trước hành vi dã man của con người.

Theo các chuyên gia về hải dương học, hải cẩu là động vật hoang dã sống chủ yếu ở vùng biển ôn đới. Việc chúng xuất hiện ở vùng biển Bình Thuận có thể là đi lạc theo dòng hải lưu. Hải cẩu là loài thú biển thích ăn cá. Khi lên bờ, hải cẩu rất gần gũi con người. Nhưng con hải cẩu lạc bầy tội nghiệp này đã bị chính con người giết chết.

Hải cẩu vì muốn gần gũi với con người nên đã bị con người giết chết. Người giết hải cẩu không phải vì miếng ăn, bởi như ta đã thấy, xác của nó vẫn nguyên vẹn. Vậy, ai là người giết nó và giết nó vì cớ gì?

Theo lời kể của người dân nơi đây, con hải cẩu này bị đánh trọng thương ở đầu, mắt lòi ra, nằm trên bãi cát đẫm máu. Ban đầu nhiều người đặt nghi vấn hải cẩu bị ngư dân nơi đây giết vì chui vào lưới ăn cá. Nhưng thông tin này đang được chính người dân ven bãi biển Đồi Dương phủ nhận. Bởi theo lý lẽ của họ, hải cẩu và một số loài cá có trí khôn, thích gần gũi con người như cá heo, cá ông ...là những loài vật thiêng trong đời sống tâm linh của người đi biển. Nếu có chuyện hải cẩu cắn rách lưới ăn cá thì họ cũng sẽ không bao giờ đánh bắt hay dám sát hại chúng.

Cũng người dân ở bãi Đồi Dương đặt ra nghi vấn rằng, rất có thể hải cẩu bị giết chết vì trò tiêu khiển của những cậu thanh niên choai choai. Nó đã bị đánh chết trong khi đang đùa nghịch với con người.

Hiện cơ quan điều tra tại địa phương này đang tiến hành điều tra tìm ra thủ phạm giết hải cẩu. Theo những điều luật hiện hành thì hành vi giết hải cẩu có thể bị phạt tù đến 3 năm.

Hình ảnh con hải cẩu lúc chưa bị giết hại

Sự độc ác xuất phát từ thói quen giết mổ hoang dã

Sự việc khiến nhiều người liên tưởng đến những vụ việc giết hại động vật gây xôn xao trong cộng đồng mạng cách đây không lâu. Điển hình là vụ thanh niên giết chó rồi uống máu một cách man rợ hay thanh niên đập vỡ óc khỉ rồi "tự sướng" bằng cách khoe hành động đó trên mạng xã hội.

Ngoài những vụ điển hình trên, những hành vi giết loài vật như giết rắn, giết gà, giết vịt.. để làm tiết canh vẫn thường xuyên xuất hiện trên mạng internet. Và lạ là ở phía dưới những status của chủ nhân khoe giết rắn đó, nhiều người đã vào comment ủng hộ, thậm chí còn thể hiện cảm giác thèm thuồng của mình. Những hành vi này, bản chất là bản năng hoang dã trong mỗi con người.

Bản năng không phải là xấu. Bởi trong mỗi con người luôn tồn tại hai loại bản năng gốc, đó là bản năng thiện và bản năng ác. Tuy nhiên thực tế có người sống rất thiện, ngược lại có người lại sống rất ác. Sự khác nhau này chính là do môi trường sống, môi trường giáo dục và do cả tập khí của chính người đó tạo thành.

Ngay trong từng cộng đồng cũng có sự khác nhau như vậy. Ở một số nước văn minh, con người có thể yêu vật nuôi như yêu con đẻ của mình. Nhưng cũng có những cộng đồng họ xem bất kỳ con vật nào cũng đều là thức ăn của họ.

Đó người ta gọi là văn hóa. Văn hóa của từng cộng đồng là do thói quen, do phong tục tập quán và do pháp luật tạo nên.

Nói về tập quán, một cộng đồng có thói quen ăn uống một cách hoang dã thì tính cách hoang dã sẽ được khơi dậy. Cũng là thói quen ăn thịt nhưng hành vi của mỗi người, mỗi cộng đồng sẽ khác nhau thông qua cách ăn, cách chế biến và giết mổ.

Ví dụ như tập quán giết mổ động vật chẳng hạn. Có cộng đồng họ giết mổ một cách kín đáo. Nhưng nhiều cộng đồng khác lại giết mổ công khai. Mặc dù bản chất là việc chế biến thực phẩm cho con người nhưng cách giết mổ như vậy sẽ tác động lên đời sống tình cảm, đến văn hóa ứng xử của con người.

Trong khi ở các nước văn minh, việc giết mổ động vật không được phép để người khác nhìn thấy thì một số nước, trong đó có Việt Nam, việc giết mổ động vật nuôi là công khai. Thậm chí có nơi còn tổ chức thành lễ hội để đâm trâu, chém lợn...một cách đầy hứng khởi và vui vẻ.

Việc giết mổ như chọi trâu, đâm lợn, giết mổ phanh thây con vật trước mắt đông người bản chất đó là những hành vi hoang dã. Khi những hành vi được lặp đi lặp lại nó sẽ trở thành tập quán, thành "thói quen", thành "quán tính", thành "văn hóa ứng xử" của con người trong cộng đồng đó.

Chính tập quán, thói quen giết mổ hoang dã này khiến cho con người ở trong cộng đồng đó không khởi được tình cảm với con vật. Thói quen tích lũy dần, lâu ngày trở thành tập quán. Hành vi vô tư giết hại hải cẩu chính là xuất phát từ tập quán hoang dã này.

Hà Vi

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chu-hai-cau-bi-danh-chet-o-binh-thuan-dang-so-ban-nang-hoang-da-cua-con-nguoi-20170105131230216.htm