Chư M'ga: tìm lại tiếng chiêng

NDĐT- Trước cuộc sống có quá nhiều biến chuyển như hiện nay, việc gìn giữ, kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại là điều không phải dễ dàng. Đối xử với những di sản văn hóa phi vật thể ở Tây Nguyên cũng vậy, rất cần những người có tâm huyết uốn nắn, định hướng… để nguồn mạch văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc mình không mai một và đứt gãy.

Khi bí mật trên dầm nhà hé lộ Những anh chị làm công tác văn hóa lâu năm ở huyện Chư M’gar (Đác Lắc) kể: Người dân ở buôn Rai (xã Ea Tal) chẳng bao giờ quên “chuyện nhà” ông E Mướt xảy ra hồi cuối tháng 7 vừa rồi. Chuyện rằng: Già E Mướt tuổi đã hơn tám mươi mùa rẫy. Ông nằm liệt giường cả tháng trời, cơm cháo gì nuốt cũng không trôi, thế mà vẫn không chịu nhắm mắt để về với “thế giới ông bà”. Con cháu trong nhà phải cơ khổ vì ông cứ chết đi, sống lại không biết bao nhiêu lần. Họ phải chạy vạy đủ cách, kể cả việc cầu xin Yàng, khấn vái thần linh để làm sao cho ông ra đi được thanh thản. Thế mà vẫn không được như ý nguyện, đôi mắt ông E Mướt cứ mở trừng trừng nhìn lên dầm nhà như khẩn khoản một điều gì đó cơ mật mà không thể nói ra. Đã ba ngày trôi qua vẫn thế, hoảng quá anh Y Tiếp, con trai ông bắc thang trèo lên dầm nhà xem thử thì mới phát hiện một bộ chiêng cổ (7 cái) được bọc trong những chiếc bao tải cất cẩn thận. Y Tiếp đem xuống và mở ra từng chiếc chiêng đã lên màu đen trũi. Đôi mắt người sắp chết nhìn theo như ngấn lệ. Biết đây là điều mong mỏi cuối cùng của ông già trước khi từ giã cõi đời này, mọi người không ai nói với ai lời nào, họ chỉnh tề ngồi vào vị trí của dàn chiêng và bắt đầu diễn tấu. Những âm thanh thiêng liêng ngân lên lúc trầm, lúc bổng trong không gian tưởng chừng như đông đặc lại và vô cùng huyền hoặc. Lúc đó, đôi mắt già Y Mướt mới từ từ khép lại và “yên ngủ” như thể không còn điều gì vướng bận nữa… Chị H’Hoa (cán bộ Phòng VH-TT huyện Chư M’gar-Đác Lắc) bảo, sau câu chuyện cảm động và có sức lay động sâu xa này, mọi người tìm hiểu ra mới biết cách đây cả chục năm, khi cồng chiêng bị người ta bán đi không thương tiếc vì nhiều lý do: hoặc là đời sống kinh tế khó khăn, lễ hội thưa vắng dần nên không có môi trường để diễn xướng; hoặc là một bộ phận theo đạo Tin Lành nên không cần nó nữa, vì thế cụ E Mướt âm thầm cất giữ bộ chiêng quí truyền đời của mình mà không ai hay biết. Đến khi bí mật trên được phát hiện mọi người mới hiểu ra một điều: di sản của cha ông cũng có lúc thăng trầm, dâu bể… song, không vì một lý do thường nhật nào đó mà dễ dàng mất đi. Nó được những người như già E Mướt bảo tồn và gìn giữ cho đến hơi thở cuối cùng, dù bất kỳ dưới hình thức nào. Anh Y Nan, Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Chư M’gar nói rằng, đến bây giờ con cháu cụ mới hiểu ra và thấm thía điều đó. Tiếng chiêng cũng như các giá trị văn hóa truyền thống khác ở vùng đất này như được tiếp thêm nguồn xúc cảm mới để ngân vang và thăng hoa thêm. Câu chuyện đầy xúc động của gia đình già E Mướt được những người làm công tác văn hóa ở đây lấy làm gương cho lớp trẻ trong việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức bảo tồn và gìn giữ vốn văn hóa cha ông. Và thật không ngờ nó có sức lay động đến thế, hầu hết thanh niên nam nữ ở các buôn làng đều hiểu ra ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong câu chuyện, nên tự nguyện tham gia nhiều lớp dạy đánh chiêng được tổ chức thường xuyên trên địa bàn. Đến nay, Chư M’gar là một trong những huyện dẫn đầu về phong trào bảo tồn, gìn giữ và phát huy vốn văn hóa truyền thống của tỉnh. Hầu hết các buôn làng đều thành lập được những đội chiêng trẻ để cùng với thế hệ cha anh họ, tự tin góp mặt trong những dịp hội hè của cộng đồng dân tộc mình tổ chức như một sự tiếp nối tiềm tàng và đáng trân trọng. Ai sẽ lưu giữ ký ức? H’Hoa tâm sự, đời sống kinh tế của bà con đã khá hơn trước rất nhiều. Vì thế qua nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng, số thành viên trong từng cộng đồng cũng tham gia ngày càng nhiều, càng thân thiết với nhau hơn. Bên cạnh cồng chiêng cùng nhiều nhạc cụ khác được mọi người chăm chút, hồi sinh… thì những làn điệu dân ca, dân vũ - vốn đã trở thành ký ức của người già cũng đang được thế hệ trẻ có tâm huyết sưu tầm, biên soạn và phổ biến trở lại. Chẳng hạn như điệu múa cổ T’Lang Grư (chim Grư bay lên), Khớt H’gơr (hát múa trong nghi lễ bọc trống)… đã được H’Hoa và các chị H’Duôn, H’Nhé, H’Yang ở xã Ea Tul lĩnh hội từ những người già, hoặc lục lọi lại trong ký ức thời thơ bé để truyền dạy lại cho nhiều thiếu nữ ở các buôn làng. Chính những thiếu nữ này là “hạt nhân” ươm mầm và nhân rộng ra cho bạn bè cùng trang lứa. Cô bé H’Lina vui lắm khi được các cô, bà mình truyền dạy cho những điệu múa tưởng chừng đã thất truyền. Cô bé thành thật : “Vòng xoang bình thường trong các dịp lễ hội thì ai cũng biết và múa được. Nhưng điệu múa cổ như T’Lang Grư, hay Khớt H’gơr… thì gần đây em mới biết nhờ theo học những lớp dân ca, dân vũ do chị H’Hoa dạy cho. Hóa ra dân tộc mình có điệu múa đẹp và kiêu hãnh đến thế.". Những cô gái trẻ trung, xinh đẹp trong tư thế vươn mình và xòe đôi bàn tay mềm mại như cánh chim Grư đang bay lên, chở đầy khát vọng và mơ ước của mình, của cộng đồng trên nền chinh T’Lang Grư nhún nhảy, nhuốm chút mơ màng…thì quả thật không gì có men say hơn thế. Ngược lại, Khớt Hgơr thì thành kính, dịu dàng trong từng bước chân, nét mặt đều hướng về một tâm điểm như để chia sẻ, nhận lấy mối đồng cảm và tri ân với cộng đồng, khiến bất kỳ ai có mặt cũng được yên vui, vỗ về. Những bước nhảy ấy, họ không chỉ học được từ những bài học của cha ông mình, mà họ còn tích lũy, kế thừa bằng cả niềm đam mê và vốn hiểu biết sâu sắc, cặn kẽ về dòng chảy liền mạch của đời sống văn hóa mỗi cộng đồng từ ngàn xưa cho đến hôm nay.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=168318&sub=134&top=43