Chủ nghĩa hooligan trỗi dậy

World Cup 2018 còn hai năm nữa mới diễn ra nhưng có vẻ như các cổ động viên của Nga đang muốn phát đi một thông điệp rằng, họ mới là những người thống trị đường phố và khán đài, chứ không phải là các cổ động viên của Anh.

Nói gì thì nói, một thời gian dài kể từ các sự kiện đáng xấu hổ ở Marseille năm 1998 và Charleroi, Bỉ, năm 2000, người Anh không còn gây ra những vụ việc tương tự tại châu Âu nếu so với số vụ xảy ra trước đó. Bỏ qua thảm họa Heysel năm 1985, Marseille năm 1998 và Charleroi năm 2000, chúng ta cùng thử điểm lại một số sự kiện có liên quan đến hooligan của Anh như sau:

- Tháng 11.1999: 160 CĐV bị bắt giữ trước trận playoff Euro giữa Scotland - Anh ở Glasgow.

- 10.1997: Cảnh sát Italia phải trấn áp CĐV Anh trong một trận đấu ở vòng loại World Cup tại Rome.

- 6.1996: 200 CĐV bị bắt sau khi Anh thua Đức ở bán kết Euro.

- 2.1995: CĐV Anh gây rối và khiến trận giao hữu Ireland - Anh tại Dublin bị hủy bỏ sau 27 phút.

- 6.1992: CĐV Anh ẩu đả với cảnh sát ở Malmo và Stockholm tại Euro.

-7.1990: CĐV Anh gây rối tại Cagliari và Rimini trong World Cup.

-6.1988: 400 CĐV bị bắt giữ ở Duesseldorf, Stuttgart và Frankfurt trong Euro.

Đây chỉ là một vài sự kiện trong rất nhiều sự kiện khiến hooligan Anh trở thành nỗi khiếp sợ của các giải đấu trong một thời gian dài cho đến những gì xảy ra ở Marseille năm 1998 và Charleroi sau đó hai năm.

“Biến đi, bọn hooligan!” là những gì tờ La Dépêche du Midi đã viết như vậy vào ngày 16.6.1998, một ngày sau trận mở màn World Cup của đội tuyển Anh trước Tunisia ở Marseille. Sự giận dữ của tờ La Dépêche du Midi có lẽ cũng là tâm trạng chung của người Pháp vì những gì đã xảy ra trước đó 48 giờ, khi các hooligan ẩu đả với CĐV Tunisia và va chạm với cảnh sát địa phương.

Vậy nhưng, con đường khôi phục hình ảnh bóng đá Anh cũng chỉ diễn ra sau một buổi tối đáng xấu hổ nữa ở Charleroi, trước trận Anh gặp Đức tại Euro 2000. Khi đó, giám đốc điều hành Liên đoàn bóng đá Anh (FA), David Davies, có lẽ vì xấu hổ đã nói rằng “Chúng tôi có thể bị loại khỏi giải… Tôi nhớ rất rõ tổng thư kí Gerhard Aigner đã chỉ vào tôi và nói ‘Các ông sẽ làm gì với những hooligan người Anh của các ông?”

Đối với Davies, điều đó có nghĩa là vận động chính phủ Anh trao những quyền lực lớn hơn cho cảnh sát, để họ có thể cấm những CĐV nằm trong danh sách đen ra nước ngoài cổ vũ theo điều luật gọi là Football Banning Orders.

Phải thừa nhận rằng, chính nhờ Football Banning Orders như vậy, người Anh mới có thể khiến truyền thông Pháp thay đổi thái độ sau 17 năm, khi tờ L’Equipe thậm chí đã in dòng tít bằng tiếng Anh là “Thank you” sau trận đấu giao hữu Anh - Pháp vào tháng 11 năm ngoái, một trận đấu mà CĐV Anh đã hát vang bài Le Marseillaise.

Không rõ trong các vụ gây rối ở Marseille trong vài ngày qua có ai từng có mặt ở Wembley cách đây 8 tháng và hát vang bài Le Marseillaise hay không và dù “con sâu làm rầu nồi canh”, họ cũng đã buộc lực lượng an ninh của Pháp thay vì tập trung chống các âm mưu khủng bố giờ phải quay sang giải quyết những vụ xung đột kiểu đường phố.

Đáng buồn, người Anh vì sự hứng khởi khi đội tuyển của Roy Hodgson vượt qua vòng loại với thành tích toàn thắng và khởi động suôn sẻ trong các trận đấu giao hữu mà đập phá Marseille, họ không ngờ rằng họ đang châm ngòi cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa hooligan trên toàn châu Âu.

Bắt đầu là sự xuất hiện của những ultras Nga vốn nổi tiếng là hung dữ, cực đoan và phân biệt chủng tộc, người ta giờ có lí do để lo ngại cho các trận đấu được xếp vào danh sách nguy hiểm như Thổ Nhĩ Kỳ - Croatia tại Paris, Đức - Ba Lan ở Stade de France vào ngày 16.6 hay Ukraine - Ba Lan ở Marseille vào ngày 21.6.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/chu-nghia-hooligan-troi-day-561804.bld