Chủ tịch Hà Nội: Đặt lịch làm việc qua điện thoại, doanh nghiệp từ chối luôn

Sáng 19/5, trả lời ý kiến của doanh nghiệp tại cuộc đối thoại với công nhân tại Khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu các đơn vị thanh, kiểm tra đặt lịch làm việc trên điện thoại thì doanh nghiệp có thể hoàn toàn từ chối. Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nói sắp tới sẽ có căn hộ 150 triệu đồng cho công nhân thuê hoặc mua.

Tranh minh họa: Khều.

Phản ánh về việc cơ quan chức năng thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Thắng, Trưởng phòng Hành chính, Cty TNHH Nhà thép tiền chế Zamil Việt Nam cho hay, khi đoàn thanh tra đến phải qua ban quản lý KCN. Tuy nhiên, năm 2017 tình trạng các đoàn thanh kiểm tra tới gần như không qua ban quản lý KCN&CX và tần suất kiểm tra cũng rất nhiều.

Mỗi tháng một đoàn kiểm tra

Ông dẫn chứng thực trạng xảy ra tại công ty Zamil khi 4 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng có một đoàn kiểm tra đến. “Vừa rồi UBND huyện Sóc Sơn lại đánh công văn tiếp xuống về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Thực tế tháng 4 vừa rồi có một số doanh nghiệp trong KCN Nội Bài đã được Sở Y tế xuống kiểm tra ATTP. Đến tháng 5 lại Phòng Y tế huyện Sóc Sơn gửi văn bản xuống tiếp tục kiểm tra vệ sinh ATTP.

Sau đó các doanh nghiệp có ý kiến lên Ban quản lý KCN Nội Bài và đơn vị hỏi Phòng Y tế huyện Sóc Sơn thì họ lấy lý do chúng tôi xuống để tái kiểm tra việc này”, ông Thắng nói. Ông Thắng cho hay, các doanh nghiệp không phản ứng việc kiểm tra vì kiểm tra rất tốt nhưng nó phải phù hợp, kiểm tra quá nhiều sẽ gây phiền hà. “Nhiều đoàn kiểm tra hướng dẫn thì ít mà tìm lỗi doanh nghiệp và nêu hình phạt thì nhiều”, ông Thắng phản ánh. Ông này cũng nêu thực trạng có đoàn kiểm tra mai đến thì nay mới gọi điện bảo “đoàn có 6 người, chuẩn bị trước đi”.

Những bất cập của việc làm thủ tục hành chính cũng được ông Thắng nêu lên. Ông kể khi đi làm thủ tục sổ đỏ và đăng ký sở hữu công trình của công ty thì mất tới 32 loại giấy tờ. “Cứ đọc 32 loại giấy tờ chúng tôi đi làm là thấy chùn chân, thực sự không phải dễ đâu, lên đi lên lại, hỏi trên thì bảo ra đọc thủ tục, đọc thủ xong trình lên thì bảo không hiểu rõ, ra đọc lại lần nữa”, ông Thắng nói.

Bà Phan Thanh Hải, đại diện Cty Meiko, KCN Thạch Thất- Quốc Oai cũng phản ánh tình trạng công nhân thực hiện các thủ tục hành chính mất rất nhiều thời gian vì phải xin nghỉ phép, ảnh hưởng đến ngày lương lao động, trong khi đó chưa biết có thể giải quyết trong ngày hay không.

Đại diện công nhân làm việc trong KCN Quang Minh phản ánh việc đăng ký thủ tục tạm trú, tạm vắng tại khu vực rất khó khăn. “Khi chúng tôi xin nghỉ đi đăng ký gặp cảnh sát khu vực làm giấy tờ thì họ báo đi thực tế bên ngoài. Hôm nay không gặp được, ngày mai nghỉ làm cũng không gặp được, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công ty và người lao động”, đại diện công nhân của KCN Quang Minh phản ánh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng quà công nhân.

Doanh nghiệp có quyền từ chối

Phát biểu tại buổi gặp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung hoàn toàn thống nhất với việc các đoàn kiểm tra phải thông qua ban quản lý KCN. Ông Chung ủng hộ tinh thần chỉ một đoàn thanh tra, kiểm tra 1 năm/lần và phải có thông báo trước. “Tôi cũng rất chia sẻ điều này với các doanh nghiệp. Vợ tôi làm doanh nghiệp tư nhân từ năm 1995 nên tôi rất hiểu các đoàn kiểm tra như thế nào”, ông Chung nói.

Ông Chung nhấn mạnh: “Tôi cho phép các doanh nghiệp, nếu như các đơn vị làm việc qua điện thoại thì chúng ta có quyền từ chối. Trình bày rõ đã có cơ quan tới kiểm tra vấn đề này rồi. Doanh nghiệp cứ mạnh dạn trao đổi”. Tuy nhiên, ông Chung cũng lưu ý doanh nghiệp phải chấp hành kiểm tra đột xuất của các đơn vị chức năng như cảnh sát môi trường, quản lý thị trường khi họ phát hiện các vụ việc về nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm đưa vào bữa ăn công nhân không đảm bảo chất lượng. “Thành phố đã có đường dây nóng, nếu thấy bất cập, doanh nghiệp cứ phản ánh và chúng tôi sẽ chấn chỉnh”, ông Chung nói.

Căn hộ 150 triệu đồng

Liên quan đến đời sống công nhân, phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Hà Nội sẽ có căn hộ rộng 30m2, với mức giá khoảng 150 triệu đồng để cho công nhân thuê hoặc mua thời gian tới.

Theo ông Chính, nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo và các thiết chế văn hóa là những đòi hỏi thiết thực nhưng vẫn là những vấn đề bức xúc của người lao động. Hiện nay, trong rất nhiều KCN, tỷ lệ nhà ở xây dựng cho công nhân mới chỉ đạt khoảng 5 -10%. Trên 90% công nhân đang phải ở tại các khu nhà trọ, nhiều khu không đảm bảo điều kiện. Nhiều KCN chưa có nhà trẻ, công nhân phải gửi con cho các cơ sở tư nhân, không đảm bảo an toàn.

Ông Chính cho biết thêm, trong năm 2017, sẽ thí điểm xây dựng 10 khu nhà ở cho công nhân các KCN. Giai đoạn 2018-2020 sẽ tiếp tục xây dựng 4 khu tại các KCX, KCN. Trước hết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang phối hợp với một số địa phương, để địa phương dành đất sạch cho tổ chức công đoàn xây dựng.

Cũng theo ông Chính, căn hộ khoảng 30m2, có gác lửng đáp ứng nhu cầu ở cho 2 vợ chồng và con cái, căn hộ cũng có đủ phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh. Căn hộ như vậy sẽ có giá khoảng 150 triệu đồng tùy theo từng tầng để công nhân có thể thuê, hoặc mua. Với mức giá đó công nhân mới có thể mua được.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nói hiện thành phố đã xây dựng nhà ở cho công nhân nhưng số lượng ít. Tại khu Thăng Long có tình trạng ít thu hút công nhân do khi xây dựng tiến độ chậm, lại không tham khảo nguyện vọng công nhân nên kết cấu không hợp lý, 15 công nhân/phòng không phù hợp.

Thành phố đã chỉnh sửa diện tích, giảm giá thuê. Ông Chung cũng cho biết đã trực tiếp làm việc cùng Tổng LĐLĐ Việt Nam về nhà ở cho công nhân. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ dành 7-8 trăm tỷ đồng cùng thành phố xây dựng nhà ở cho công nhân.

Hoàng Phong

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/chu-tich-ha-noi-dat-lich-lam-viec-qua-dien-thoai-doanh-nghiep-tu-choi-luon-1150826.tpo