Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử: Chúng tôi đã viết rõ về chiến tranh biên giới 1979

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, trong bộ Lịch sử Việt Nam (15 tập), các tác giả đã viết rất rõ về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 chống Trung Quốc xâm lược.

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Trường Phong

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Trường Phong

Sáng 18/8, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức giới thiệu và phát hành các bộ sách trọng tâm, trong đó có bộ Lịch sử Việt Nam (15 tập) từ thời khởi thủy của Việt Nam đến năm 2.000, do tập thể các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu lịch sử của Viện Sử học biên soạn.

Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, có nhiều điểm mới trong các cuốn sách lịch sử này như đánh giá đúng vai trò của nhà Mạc, nhà Nguyễn, đồng thời, viết rõ hơn về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

Nhìn nhận công bằng với nhà Mạc, nhà Nguyễn

Như ông đã nói, cuốn sách lịch sử này có nhiều điểm mới trong đánh giá vai trò của nhà Mạc, nhà Nguyễn. Cụ thể những điểm mới đó là gì, thưa ông?

Thứ nhất, như chúng ta biết, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê thì nhà Lê lúc này không còn như thời đầu nữa. Khủng hoảng kinh tế xã hội lúc đó rất rõ. Và để giải quyết vấn đề đó thì Mạc Đăng Dung mới làm cuộc chính biến, giành chính quyền.

Đối với rất nhiều triều đại thì phát sinh, phát triển rồi dần dần suy tàn là lẽ bình thường, là quy luật của lịch sử. Sau này nhà Lê suy tàn, vì thế nhà Mạc lên ngôi. Nhà Mạc lên thì thứ nhất là ổn định được tình hình kinh tế xã hội của Đại Việt. Hơn nữa, một trong những điểm khá nổi bật về nhà Mạc là phát triển về văn hóa, giáo dục, mở được nhiều khoa thi, tìm được được nhiều nhân tài cho đất nước.

Còn thời Nguyễn thì cũng phải đánh giá cho đúng. Đầu tiên phải ghi nhận các chúa Nguyễn đã có công tổ chức cho người Việt khai phá vùng đất Nam bộ. Thứ hai là sau khi thành lập vương triều, nhà Nguyễn có ưu điểm là hoàn thiện sự nghiệp thống nhất đất nước. Thứ nữa là củng cố bộ máy cai trị trong toàn quốc từ Lạng Sơn đến Mũi Cà mau, xác định chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Các vua, chúa nhà Nguyễn hàng năm đã cử các đội ra tuần thú các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Cùng với đó, thời Nguyễn làm được rất nhiều về phát triển văn hóa. Rất nhiều công trình sau này được thế giới công nhận là di sản đều bắt đầu từ nhà Nguyễn.

Bên cạnh ưu điểm thì các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn cũng có những sai lầm, bị lịch sử lên án. Đầu tiên là việc Nguyễn Ánh cầu cứu 5 vạn quân Xiêm. Đó là sai lầm hết sức nghiêm trọng và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đã đánh tan đạo quân này.

Thứ hai là họ dựa vào người Pháp, ký hiệp ước Versailles, đồng ý cắt lãnh thổ Việt Nam cho Pháp để Pháp đưa quân đội, vũ khí sang giúp đánh nhà Tây Sơn. Do nhiều yếu tố, Pháp không thực hiện được hiệp ước này, nhưng đó cũng là sai lầm nghiêm trọng.

Thứ ba là không chịu canh tân đất nước dù thời điểm đó có rất nhiều trí thức, nhân sĩ, nhà nho có tư tưởng đổi mới, canh tân, muốn phát triển đất nước nhưng các vua nhà Nguyễn không chấp nhận, đất nước phải đối diện với cuộc xâm chiếm của tư bản phương Tây.

Nhìn chung, giới sử học qua nghiên cứu đã đánh giá khách quan hơn, không còn phiến diện như trước đây. Bộ sử này đã làm được điều đó, nhưng dĩ nhiên, để nhận thức được đầy đủ và sâu sắc thì cả giới sử học nước nhà sẽ tiếp tục nghiên cứu. Hy vọng sẽ tiếp tục đi sâu hơn, toàn diện hơn về lịch sử Việt Nam.

Nói rõ về chiến tranh biên giới

Ông cũng nói, hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc cũng được đề cập trong bộ sách. Ông có thể cho biết cụ thể hơn?

Chúng tôi khẳng định trong bộ sách này, nhiều vấn đề lịch sử đã được nói rõ như cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Ngay từ 1975 sau khi chúng ta thống nhất đất nước thì tập đoàn Pol Pot đã đánh sang Việt Nam. Chúng ta đã chiến đấu bảo vệ biên giới của mình, đồng thời, theo nguyện vọng của những người yêu nước Campuchia, chúng ta đã cử quân tình nguyện sang giúp Campuchia đánh tan quân diệt chủng, giải phóng đất nước và sau đó lại bàn giao lại cho họ. Cái đó là rõ.

Thứ hai, Trung Quốc gây nên cuộc chiến tranh ở khu vực biên giới phía Bắc nước ta. Chúng ta cũng đã có một cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới trên toàn tuyến từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Phải nói cuộc chiến đó rất quyết liệt và chúng ta đã bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong này, chúng tôi nói rõ là có bao nhiêu quân Trung Quốc, bao nhiêu xe tăng, bao nhiêu đại bác và chúng tôi đã nói rõ đó là một cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng ta đã chiến đấu hết sức kiên cường.

Có một điều nữa, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không chỉ gói gọn trong khoảng tháng 2/1979 mà còn kéo dài. Cán bộ chiến sĩ của chúng ta còn phải hy sinh rất nhiều xương máu để đến khoảng năm 1988 thì mới có hòa bình tương đối ở biên giới phía Bắc. Trong bộ sử của chúng tôi có nói rõ điều đó.

Theo ông, bộ sách lịch sử này sau khi phát hành có ý nghĩa như thế nào?

Chúng ta biết, hiện nay đang có những khó khăn về văn hóa, xã hội. Chúng ta cũng đang nói nhiều về hệ giá trị trong mỗi người Việt Nam hướng tới. Tôi nghĩ rằng, không một lĩnh vực hoạt động khoa học xã hội, văn hóa nào tác động trực tiếp tới công dân ngay từ lúc còn bé như sử học. Bởi vì sử học nói về những chuyện đã qua, tổng kết, đánh giá những cái gì là giá trị, những gì là ưu điểm, khiếm khuyết mắc phải để đi tới cái đúng hơn, tốt hơn.

Giáo dục lòng yêu nước thì có điều gì bằng việc lấy truyền thống yêu nước của người Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách chống quân xâm lược, chống các thế lực tàn bạo để có được đất nước ngày hôm nay.

Thêm một điểm nữa là rất nhiều người viết về lịch sử nhưng sai nhiều. Đó là chưa kể nhiều người quan niệm truyền thuyết là lịch sử. Nhiều khi lấy những tư liệu dân gian, huyền thoại thay cho lịch sử. Khi bộ sách sử này ra, giúp cho người đọc có so sánh, đối chiếu đâu là sự thật lịch sử đâu chỉ là dân gian.

"5h sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực; 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lai Châu 10 – 15km, vào Cao Bằng 40 – 50km.

Quân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam".

Trích trong sách "Lịch sử Việt Nam" - tập 14

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chu-tich-hoi-khoa-hoc-lich-su-chung-toi-da-viet-ro-ve-chien-tranh-bien-gioi-1979-1178680.tpo