Chủ tịch kiêm CEO Vinamit: Người dân đang bị 'nhiễm độc' bởi truyền thông về thực phẩm bẩn

'Tại sao chúng ta có thể xuất khẩu rất nhiều thực phẩm hữu cơ vào thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản, nhưng ngay trên đất nước này người dân lại không tin, cứ đi tìm trái cây Thái, Mỹ, Úc… Lỗi nằm ở người dân đang bị 'nhiễm độc' bởi truyền thông về thực phẩm bẩn', ông Nguyễn Lâm Viên cho biết.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamit.

Là người theo đạo Thiên Chúa, đam mê triết học, nhưng cuộc đời lại đưa ông đến với nghiệp kinh doanh, và gắn chặt đời mình với nông sản, nông dân, nông nghiệp Việt Nam. Hơn 30 năm tiên phong trong việc áp dụng công nghệ sấy chân không vào chế biến nông sản sau thu hoạch, chủ động tạo vùng nguyên liệu và các nhà máy trải dài khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ….Vinamit đã ghi dấu các sản phẩm mít, chuối, khoai lang, sầu riêng, xoài sấy khô, sấy dẻo của Việt Nam trên bản đồ thế giới…

Với một nỗ lực bền bỉ cho nông nghiệp Việt Nam cất cánh, từ nền tảng đã có, ông lại làm cuộc khởi nghiệp lần thứ hai, đầu tư cho nông nghiệp hữu cơ và phát triển hạt giống nhân sự chuyên sâu về nông nghiệp tại Việt Nam. Hành trình hữu cơ từ nông trang đến bàn ăn của ông là một câu chuyện đầy gian truân về một quyết tâm trường kỳ làm organic bài bản, từ những bước cơ bản để có sản phẩm organic tươi cho đến sản phẩm organic chế biến, tạo ra một chuỗi giá trị hoàn thiện để gia tăng giá trị cho nông sản Việt.

Tin mừng đã đến, những ngày cuối năm 2016, Vinamit công bố 54 sản phẩm của công ty được cấp chứng nhận organic theo tiêu chuẩn USDA (Hoa Kỳ) và EU cho cả sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến. Đơn vị cấp chứng nhận là Control Union, tổ chức kiểm định và đánh giá độc lập uy tín hàng đầu thế giới, trụ sở chính tại Hà Lan.

Trên trang Facebook “Khởi nghiệp nông nghiệp” do ông lập ra để quy tụ các bạn trẻ khởi nghiệp, bạn Sunny Trang đã đặt câu hỏi: “Nhìn các loại trái cây như mít chuối bị hái non và tẩm thuốc bán mỗi ngày cả nước, không tính trái cây Trung Quốc thì có đủ không nhỉ? Mình mua để cúng chứ chẳng dám ăn!”. Bạn Kẹo Socola thì than trời: Tìm thực phẩm sạch khó như leo núi! Đây cũng là tâm trạng của rất nhiều người tiêu dùng, ông nghĩ sao về điều này?

Với thị trường nông sản hữu cơ, chúng ta đang có những sản phẩm tốt. Xu hướng tiêu dùng đã hình thành, cơ hội rộng mở, nhưng thị trường này sẽ khó bùng nổ nếu người tiêu dùng không có niềm tin vào nông sản Việt Nam. Tại sao chúng ta có thể xuất khẩu rất nhiều thực phẩm hữu cơ vào thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản, nhưng ngay trên đất nước này người dân lại không tin, cứ đi tìm trái cây Thái, Mỹ, Úc… Ngược lại, rau củ quả ngoài chợ toàn đồ Trung Quốc dân mình lại ăn rầm rầm? Lỗi nằm ở người dân đang bị “nhiễm độc” bởi truyền thông về thực phẩm bẩn.

Như câu chuyện nước mắm chẳng hạn. Người ta còn tổ chức cả một chiến dịch truyền thông để tẩy chay nước mắm truyền thống. Quan trọng là chúng ta phải xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng, khi ấy thì hàng trăm thương hiệu hữu cơ Việt Nam sẽ quay lại thị trường trong nước, vì họ cũng đâu có muốn phải đem ra nước ngoài bán. Nhưng tới thời điểm này, sản phẩm organic không có lý do để bán ở thị trường nội địa, vì người tiêu dùng chưa chấp nhận giá cao hơn, chưa đồng cảm với nhà sản xuất về mẫu mã của thực phẩm tự nhiên.

Bởi chúng ta phải biết một điều các loại trái cây đều phải ủ chín hoặc xông chín để phân phối ra thị trường. Nhà nông phải hái trái cây ở độ già 8-10 tuổi để điều tiết độ ngọt của nó. Ví dụ chuối phải hái từ lúc 7 tuổi già, để ủ trong phòng lạnh. Khi thị trường cần bán mới mang sang phòng xông chín để ra thị trường, đó là cách công ty chuyên nghiệp nào cũng làm. Tại sao xoài Thái vàng au mà chậm chín hơn xoài Việt Nam, vì họ hái ở 7 tuổi già.

Nhưng khổ một cái, nước chúng ta người biết xông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người nông dân thì đâu có phòng ủ, kho lạnh để làm công tác chín chậm, đâu có phòng xông để làm cho trái vàng au. Cách duy nhất là họ bỏ vô nhúng thôi.

Nhưng báo chí nhiều khi chỉ thích khai thác khía cạnh tiêu cực, như vụ nhúng trái sầu riêng mà báo chí đã đưa đã khiến cho hàng loạt mặt hàng tại miền Tây rớt giá không phanh, bà con lao đao. Các nhà khoa học đã phải nhảy vào cuộc, kêu oan cho thuốc làm chín trái cây Ethephon là an toàn, nhưng tới giờ giải thích thế nào cũng không có sự đồng cảm. Trái sầu riêng nếu để chín cây rụng xuống thì trái đã nứt rồi, múi đâu còn cứng. Phải hái trái từ 7 tuổi mới đủ thời gian bảo quản 2 tuần, huống hồ còn mang đi xuất khẩu nữa. Đó là chất tạo chín, để quả chín đồng đều, điều tiết độ ngọt, bảo quản dài…

Chỉ có trường hợp chế biến như Vinamit, hoặc làm kem mới chấp nhận hái 9 tuổi, để xộc lên hương vị của nó thôi. Mình rất sung sướng khi mua trái chín vì giá rẻ. Nếu hái lúc 7-8 tuổi bán được giá cao hơn nhiều. 8 tuổi khác 10 tuổi là cứng mình hơn, độ ngọt nhiều hơn, chứ đừng hiểu nhầm là hái trái non.

Đáng lo ngại nhất là cách chế biến không tự nhiên, chứ không phải chúng ta không có rau củ quả tự nhiên, điều đó làm ảnh hưởng tiếng xấu cho Việt Nam. Chúng ta đang sử dụng phụ gia công nghiệp trong thực phẩm một cách tùy tiện mà không ai kiểm soát. Những chất tạo độ dai, tẩy trắng, tạo vị, tạo mùi… do chúng ta không hiểu rõ, sử dụng tùy tiện, đó mới là hậu quả dẫn đến chuyện thực phẩm bẩn.

Người tiêu dùng Việt Nam khao khát thực phẩm organic, nhưng thiếu hiểu biết về mọi mặt, theo ông, làm thế nào để gầy dựng lại niềm tin?

Quan trọng nhất là tập cho người tiêu dùng chấp nhận hương vị tự nhiên của cây trái, chấp nhận màu sắc có thể đen một chút, vì bị oxy hóa, xù xì gai góc một chút, vì không phun thuốc, nhưng đổi lại có lợi cho sức khỏe chúng ta rất nhiều.

Vì người tiêu dùng muốn trái thanh long phải láng bóng, tai thẳng tưng, trái xoài mịn mướt…, phải phun rất nhiều hóa chất. Có những người nông dân bị ngộ độc thuốc, chết ngay trên cánh đồng”!

Nhưng thói quen chúng ta chưa thay đổi được, vì quá quen với chất hóa học rồi. Ăn xoài dẻo thích miếng xoài phải đẹp. Nhưng xoài organic chắc chắn nhăn nheo, không bằng phẳng, vì không dùng thuốc tẩy trắng, không dùng chất tạo dẻo để đồng hóa độ dẻo, không dùng các chất axít khác để tạo ra mùi vị. Bởi sau khi tẩy xong hết rồi miếng xoài đâu còn mùi vị gì, họ lại phải ướp hương cho nó!

Nếu muốn ăn đồ organic phải giáo dục lại người tiêu dùng. Nước mắm tự nhiên chắc chắn mặn hơn, chát hơn nước mắm công nghiệp. Uống lon nước cam công nghiệp khác hẳn nước cam tự nhiên. Nước cam tự nhiên nước ra nước, cái ra cái, vì không cho chất đồng hóa. Còn nước cam công nghiệp đều màu từ trên xuống dưới. Phải hiểu rõ mới thay đổi quan niệm của chúng ta.

Ông Nguyễn Lâm Viên tại nông trường.

Xu hướng organic sẽ tạo một lực đẩy mạnh mẽ để tái cấu trúc nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai?

Xu hướng này đã bùng nổ trên thế giới, nhưng ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Các hệ thống siêu thị nước ngoài đã đồng loạt thay đổi quan niệm, hướng đến những quốc gia có thể cung cấp sản phẩm tự nhiên như Thái Lan, Việt Nam. Vinamit có chứng nhận 54 sản phẩm organic, đó gần như điều không tưởng với doanh nghiệp Việt Nam. Xu hướng organic phải toàn diện, từ nguyên liệu đến các loại chế biến như nước mắm, nước tương, đường sữa, kể cả sản phẩm đông lạnh, sấy khô…

Thực phẩm organic sẽ là cơ hội cho doanh nông Việt Nam bước vào thế giới, cho doanh nghiệp bước vào kênh nông nghiệp. Thị trường chế biến sẽ mở ra, chúng ta có quyền tha hồ sáng tạo, vì người tiêu dùng sẵn sàng hiểu anh. Lần đầu tiên khi đàm phán với hệ thống siêu thị Mỹ, người ta đòi mua mãng cầu tự nhiên của Vinamit, tôi cảnh báo "các anh cẩn thận nha, màu sắc không được trắng đâu, còn hạt ở trong đó”. Họ nói thế mới OK.

Cánh cửa sẽ mở rộng khi bạn đạt được các chứng nhận quốc tế uy tín. Sẽ có nhiều lý do để bán đắt hơn, không có hàng nhiều, bán theo mùa, có bao nhiêu giao bấy nhiêu, đó là điểm ưu việt nhất, phù hợp với lối canh tác nhỏ lẻ của Việt Nam. Không như ngày xưa người ta đòi hỏi về số lượng, đã rẻ lại phải rẻ hơn. Về hình dáng, mẫu mã, có thể kém bắt mắt người ta vẫn chấp nhận. Hầu như các hệ thống siêu thị trên thị trường quốc tế đều chấp nhận bạn nếu bạn có hai chữ “tự nhiên”.

Organic là cánh cửa để cứu nền nông nghiệp Việt Nam. Việt Nam tiến về hướng khoa học chỉ mới đây, một số miền như miền Tây đi theo thuốc bảo vệ thực vật và canh tác khoa học nhiều nhất là lúa, cà phê, tiêu, xoài, thanh long… Hướng quay trở lại organic vẫn còn cơ hội rất lớn. Những con người hiểu về hữu cơ như ông bà mình sẽ hướng dẫn các bạn trẻ làm phân xanh, phân trùn quế, tìm cây còn thuần giống không biến đổi gien. Cơ hội canh tác có khả năng. Nông nghiệp tiểu nông vườn- ao-chuồng dễ làm cân bằng sinh thái. Đặc tính người Việt Nam rất tinh xảo, dễ trở thành những ngôi sao nếu đích thân chăm sóc mảnh vườn của họ.

Nếu chúng ta chuyển hướng như vậy, có thể đặt niềm tin Việt Nam sẽ là trung tâm organic cùng Thái Lan và các nước lân cận, trở thành nơi cung cấp nguồn organic cho thế giới. Thái Lan rất sợ Việt Nam sẽ lấy lại thị trường, vì người Việt Nam đông hơn, đất Việt Nam còn nhiều, đó là điều Việt Nam phải biết. Ưu việt nữa là chúng ta có thể bán rẻ hơn họ.

Hiện nay Vinamit đang làm nông nghiệp hữu cơ theo hướng tự quản lý tất cả các nông trường của mình?

Để phát triển rộng hơn, Vinamit đã thuê 200 hecta đất nông nghiệp dài hạn trong vòng 50 năm, tiến hành cải tạo và đưa đội ngũ canh tác của mình vào quản lý vận hành. Tất cả được đặt trong sự quản lý và kiểm soát chất lượng chặt chẽ của Hệ thống Kiểm soát nội bộ (Internal Control System - ICS) được huấn luyện theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong nông trường có hai vấn đề quan trọng, trước hết là dinh dưỡng cho đất, thứ hai là thuốc bảo vệ thực vật, thứ ba là nước. Làm nông trường organic phải biết cách tạo ra phân bón. Ngày xưa ông bà không biết, trồng xong phải cho đất nghỉ, hay trồng thêm các loại đậu để phụ độ đạm, độ phốt pho. Nếu đã hiểu chuyện đó phải biết cách bồi đắp lại lượng NPK cho đất bằng các loại phân xanh, phân trùn quế.

Thứ hai, phải biết cách bảo vệ cái cây của mình, mắc mùng cho nó để tránh sâu bệnh, chờ chừng nào lá non vững chãi rồi mở ra thì côn trùng nào ăn được. Phân xanh phun lên cây, lên cỏ cho cỏ tốt luôn, ủ lại thành phần dinh dưỡng cho đất, nuôi lại các loại động vật thích ăn thực vật, thì làm gì có con sâu con bọ nào ăn cái cây của mình nữa. Tôi đứng trên quan điểm đó để suy luận, phát triển.

Trồng cây phải có nước, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu. Phải hiểu đất để cung cấp lượng nước vừa đủ để cây sống được. Cuối cùng là cơ giới hóa, giúp con người chăm sóc cây. Không nên để cây quá cao, không quản lý được. Phải cắt ngọn cho cây thấp xuống để ánh sáng mặt trời có thể soi xuống đất, sát trùng cho đồng ruộng, hấp thụ ánh sáng cho cây mạnh lên. Khi cây thấp sẽ quản lý sâu bệnh, bao trái, thu hoạch cũng dễ dàng hơn.

Ông nghĩ gì về trào lưu các đại gia đang nhảy vào nông nghiệp?

Tôi nói ra đôi khi bị phản ứng, nông nghiệp organic thì không cơ giới hóa. Hoặc cơ giới hóa được thì phải bảo đảm cho sinh học cân bằng. Cơ giới hóa dễ bị rơi vào tình trạng hóa học nhiều hơn, đồng hóa thu hoạch đồng loạt, chín đồng loạt… tất cả tác động đồng loạt quanh năm đó là tác động của hóa học, không phải tự nhiên. Dễ bị rơi vào cuộc cách mạng thặng dư, không có đường thoát.

Ưu điểm của người Việt là xây dựng tinh hoa của từng cá nhân trên những cánh đồng nhỏ, tích cóp lại thành sức mạnh mới, có giá trị cao hơn cho người nông dân. Vì thị trường tự nhiên chấp nhận trả giá cao hơn cho người canh tác tự nhiên. Nếu những cánh đồng nhỏ hữu cơ đi theo đúng con đường này, sẽ có sự cộng hưởng để tạo nên sức mạnh lớn.

Tôi tin điều đó hơn là tạo những cánh đồng lớn quy tụ người dân lại. Vì tất cả tinh hoa của nông dân chỉ có thể phát huy trên cánh đồng của riêng họ, chứ không thể phát huy trên cánh đồng mẫu lớn. Làm vậy sẽ chỉ giết đi những nhân tài của Việt Nam mà thôi. Mô hình này khác biệt với thế giới. Như anh Võ Văn Tiếng ở Đồng Tháp chẳng hạn, quy tụ rất nhiều thanh niên tới làm không công cho mình, nhiều anh em đi tất cả các nơi, cuối cùng về đó, vì ở đó thực sự không hóa chất.

Chúng ta đang có những người yêu mến cánh đồng tự nhiên, tại sao không tạo nên những cánh đồng như thế. Vinamit sẽ là cánh ta nối dài giúp cho nông dân có được các chứng nhận quốc tế, để đưa đặc sản của mình ra thế giới.

Nhưng đồng bằng sông Cửu Long đất đã bị thoái hóa hết rồi, làm sao cải tạo?

Để cải tạo Mekong đen thành Mekong xanh là bài toán khó, nhưng tôi vẫn tin Mekong còn những mảnh đất xanh, đó là rừng U minh, rừng tràm, chúng ta phải giữ được hệ sinh thái của rừng, nhà nước phải hy sinh cho người nông dân vào canh tác. Vùng đang bị phun thuốc, các loại nấm bệnh, phải hy sinh để phơi phóng nó trong vòng 3 đến 5 năm để trở đất, tập trung làm phân bón, xử lý lại nguồn đất, nguồn nước…

Ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng, ưu điểm của người Việt là xây dựng tinh hoa của từng cá nhân trên những cánh đồng nhỏ, tích cóp lại thành sức mạnh mới, có giá trị cao hơn cho người nông dân.

Tâm huyết của riêng ông với nông nghiệp, nông dân?

Mỗi năm Vinamit thu mua từ 40 ngàn tấn đến 60 ngàn tấn trái cây, củ quả chế biến, mỗi năm tăng ba, bốn lần… Nhưng tôi cảm thấy nông dân mình vẫn không kết nối chặt chẽ, thích đi theo con đường riêng của họ, quên đi rằng phải cần nối kết, có kế hoạch về sản xuất và tiêu thụ thì độ bền vững mới cao.

Với nông nghiệp, thị trường Trung Quốc vừa là diễm phúc nhưng cũng là bất lợi cho nông dân. Trung Quốc có mùa đông kéo dài, chu kỳ nửa năm đó họ sẵn sàng đổ sang Việt Nam mua với giá cao các loại xoài, chuối, dưa hấu, thanh long… Nhưng đến tháng hè họ không cần mua, nông dân lại bán đổ bán tháo, rớt giá là chuyện đương nhiên. Năm 2016 chúng ta may mắn vì Trung Quốc bị bão đến giữa năm nên con số xuất khẩu lên đến 2 tỷ, trong đó thanh long chiếm 1 tỷ. Nếu họ không bị bão thì chắc chắn điệp khúc được mùa rớt giá lại xảy ra.

Vấn đề quan trọng nhà nông phải tính toán làm sao để có được cây trái vào tháng 10 thu hoạch là vừa khớp cho mùa đông của Trung Quốc. Nhưng khổ cái xoài tháng 4 lại chín rộ rầm rầm, bên kia lại đầy rồi… Canh tác phải lưu ý thị trường Trung Quốc, khi họ không mua thì phải nghĩ kiểu khác, nối kết với chế biến. Chứ cứ so sánh giá bán cho Trung Quốc với chế biến thì làm sao phát triển. Đừng nói được mùa mất giá, khúc được giá sao không thấy than? Mấy năm nay dân mình giàu lên nhờ chuối, khoai lang, nhưng sang năm là coi chừng.

Tâm trạng của riêng ông những ngày này, khi Vinamit vừa nhận được chứng chỉ organic cho 54 sản phẩm đạt chuẩn canh tác, chuẩn chế biến và chuẩn đóng gói của USDA?

Nông nghiệp là đam mê của mình. Thế giới rất tin khi Việt Nam trở thành đất nước nông nghiệp. Thú vị nữa là làm sao phải có tên mình bán ở thị trường của Mỹ. Cung ứng cho người ta cũng tốt, nhưng tạo ra thương hiệu riêng sẽ thú vị hơn nhiều. Tôi mong ngày càng nhiều lực lượng anh em có những món chế biến khác nhau, công nghệ chế biến bằng thực phẩm tự nhiên sẽ rất tuyệt vời, đó là điều khiến tôi không mệt mỏi.

Còn làm cho Việt Nam, Trung Quốc thì tôi chưa cảm thấy thú vị, mặc dù Trung Quốc cũng thích sản phẩm của tôi. Organic là hành trang của Vinamit bước vào thị trường Mỹ, chứng minh Việt Nam có sản phẩm sạch, một năm bán mấy chục ngàn tấn. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần phải xem lại việc mất niềm tin vào nông nghiệp. Có gì đó sai rồi. Giống mít Viên Linh hiện đang có giá nhất, chuối nam Mỹ, người Bắc mình gọi là chuối tiêu cũng xuất đi hết rồi. Xoài Úc Nha Trang bên Mexico bán 50 cent/kg, trong khi Trung Quốc có thể mua 80 ngàn đồng, đâu có cửa bán trong nước.

Cách làm của Vinamit phải đánh đường vòng, định hình ở thị trường Mỹ trước, rồi tiến sang châu Âu. Xuất bên ngoài là giữ kênh của mình. Đây là cơ hội để mình bước vào kênh toàn cầu, khẳng định tên tuổi của mình trong kênh đó ở nước ngoài. Khi mình có kênh rồi thì mở rộng hay trở lại trong nước đều dễ dàng.

Với trong nước, Vinamit chỉ mở chuỗi cửa hàng organic của riêng mình chứ không bán đại trà cho các siêu thị. Vinamit không bán món hàng mà giáo dục nhận thức người tiêu dùng để thay đổi tốt hơn. Nếu tung ra tràn lan thì đôi khi người ta không hiểu sản phẩm của mình, uy tín lại bị ảnh hưởng. Phải đến cửa tiệm của mình thì mình mới nói chuyện được. Bắt đầu bằng 3 cửa tiệm trong nước, khi nào người Việt hiểu và nhìn ra được giá trị của sản phẩm organic mới mở rộng.

Đúng là thay đổi thói quen cực kỳ khó, vì đã ngấm vào trong máu. Phải đầu tư từng bước rất thận trọng: xây dựng nông trường, đội ngũ quản lý, rồi mới truyền thông và giáo dục người tiêu dùng. Không thể đi tắt đón đầu, đốt cháy giai đoạn.

Ngoài doanh nghiệp đầu đàn bước vào nông nghiệp đếm trên đầu ngón tay, việc khởi nghiệp organic hiện còn rất mạo hiểm. Là người luôn theo sát từng bước đi của các bạn trẻ làm nông nghiệp tự nhiên, gắn bó với CLB sáng tạo khởi nghiệp của BSA, ông nghĩ gì về đội ngũ này?

Các bạn có niềm khát khao rất lớn làm cho nông nghiệp, thay đổi cách làm không đúng với tự nhiên. Tôi rất yêu quý Võ Văn Tiếng, ai dạy cho bạn đặt tên thương hiệu gạo của mình là Tâm Việt? Phải xuất phát từ khát khao sâu thẳm, kết tinh từ ông bà để lại mới nghĩ ra được cái tên đó.

Tôi quý vì các bạn biết giữ tinh hoa của ông bà và đẩy nó lên. Đó là cách mà các quốc gia tiên tiến đang làm, giữ lại những tinh túy của truyền thống, dùng những kiến thức công nghệ thế giới để nâng cấp nó lên, làm cho thị trường đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đó mới là xu hướng được thế giới chấp nhận, mang bản sắc quốc gia để giới thiệu cho thế giới.

Các bạn đang có khởi điểm rất tốt, con đường khởi nghiệp đúng đắn. Vấn đề làm sao có thể bổ sung những công nghệ mới để giá trị hơn, có con đường đi vào thị trường thế giới, cho người tiêu dùng có khuynh hướng sử dụng sản phẩm tự nhiên đón nhận. Phải kết nối với nhau thành tổng lực mới tạo sức mạnh. Tôi sẵn sàng kết nối, chia sẻ cách canh tác, tạo phân bón, phòng tránh bệnh tật, để các bạn trẻ có niềm tin vững chắc thực hiện.

KIM YẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/bizlife/bizstory-chu-tich-kiem-ceo-vinamit-nguoi-dan-dang-bi-nhiem-doc-boi-truyen-thong-ve-thuc-pham-ban-2300538.html