Chủ tịch Quảng Ngãi cảnh báo nhà máy bột giấy xả thải

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phải liên tiếp gửi công văn ra các Bộ đề nghị vào cuộc giúp đỡ, khi nhà máy giấy VNT19 sắp hoàn thành.

Vị trí xả thải giống Formosa

Ngày 3/4, Chủ tịch Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã ký công văn gửi Bộ TN-MT bày tỏ lo lắng về việc xả thải của nhà máy sản xuất bột giấy VNT19.

Theo ông Căng, dự án trên được Bộ TN-MT thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ngày 7/9/2015. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn xây dựng và lắp đặt thiết bị tại nhà máy.

Qua sự cố môi trường tại công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh; để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường khi dự án đi vào hoạt động, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi tỏ ra lo lắng khi đề nghị Bộ TN-MT xem xét, có ý kiến.

Cụ thể, Quảng Ngãi mong Bộ có ý kiến về các vấn đề như: Theo ĐTM của dự án đã được phê duyệt thì thì vị trí xả thải tại vịnh Việt Thanh (thuộc thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn) cách bờ biển khoảng 500-1500m.

Văn bản được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký

Với vị trí xả thải này thì chủ dự án sẽ phải lắp đặt đường ống ngầm dưới mặt nước (giống như trường hợp của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh). Như vậy, vấn đề này có đảm bảo đúng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam hay không?.

Vị Chủ tịch trên yêu cầu: “Một vấn đề mà chính quyền và người dân địa phương hết sức quan tâm là việc kiểm soát chất lượng nước thải sau khi xử lý của dự án trước khi xả thải ra môi trường.

Do đó, ngày 3/3/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có đặt vấn đề và đề nghị chủ dự án: ‘Để có cơ sở đối chứng, trong quá trình thiết kế, xây dựng nhà máy, đề nghị chủ đầu tư xây dựng 1 hồ nuôi cá bằng nước thải của nhà máy trước khi thải ra biển nhằm kiểm nghiệm tiêu chuẩn của nước thải khi xả ra môi trường".

Tuy nhiên, trong ĐTM đã được Bộ TN-MT duyệt không đề cập đến vấn đề này. Vì vậy, kính đề nghị quý Bộ xem xét yêu cầu chủ dự án xây dựng hồ chỉ thị sinh học (hồ nuôi cá) để kiểm chứng chất lượng nước thải sau khi xử lý nước thải ra biển hoặc có ý kiến chính thức về vấn đề này”.

Chưa tổ chức họp dân!

Được biết, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được Bộ TN-MT phê duyệt năm 2015, vị trí xả nước thải của nhà máy dự kiến thải ra vịnh Việt Thanh thuộc thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Trong văn bản UBND tỉnh nêu rõ, giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý KKT Dung Quất, UBND huyện Bình Sơn và chủ dự án (Cty cổ phần bột giấy VNT 19) tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về vị trí dự kiến xả nước thải nhằm tạo sự đồng thuận của người dân, tránh làm ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, sinh kế của người dân, báo cáo UBND tỉnh chậm nhất ngày 5/3/2016.

Nhà máy bột giấy VNT19 đang trong giai đoạn hoàn thành. Ảnh Lao động

Chú ý công khai đầy đủ công nghệ hoạt động của nhà máy và quy trình xử lý nước thải.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Thính - Chủ tịch UBND xã Bình Trị, đến 14/5/2017, chủ đầu tư vẫn chưa tổ chức một cuộc họp dân nào. Chính quyền xã cho rằng, việc đặt đường ống xả thải ra biển tại khu vực thôn Lệ Thủy là không phù hợp vì khu vực này thuộc phạm vi quy hoạch của đô thị Vạn Tường.

Nhà máy lắp đặt toàn thiết bị cũ, tỉnh cầu cứu Bộ KH-CN

Đây cũng không phải lần đầu Quảng Ngãi gửi đơn cầu cứu, vào cuối tháng 3, ông Trần Ngọc Căng đã phải ký công văn gửi ra Bộ KH-CN nhờ vào cuộc "hỗ trợ giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án nhà máy bột giấy VNT19".

Tại giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 1 vào năm 2014 có ghi rõ yêu cầu: VNT19 được đầu tư tại khu công nghiệp nhẹ Bình Hòa, xã Bình Phước (huyện Bình Sơn), thuộc KKT Dung Quất với mục tiêu sản xuất bột giấy và giấy tẩy trắng, công suất giai đoạn 1 là 250.000 tấn bột tẩy trắng/năm với yêu cầu phải sử dụng công nghệ tiên tiến, máy móc thiết bị hiện đại và đồng bộ, mới 100%; quy trình công nghệ khép kín, đáp ứng điều kiện về các chỉ tiêu kinh tế và thực hiện tốt nội dung bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, chính quyền Quảng Ngãi đã phát hiện ra rằng Công ty Cổ phần Bột giấy VNT19 không lắp đặt máy móc thiết bị mới mà đã nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ đã qua sử dụng được tháo dỡ từ Nhà máy bột giấy Sodra Cell Tofte-Na Uy.

Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo BQL KKT Dung Quất yêu cầu VNT19 thuê đơn vị giám định độc lập có chức năng để giám định chất lượng và giá trị máy móc, dây chuyền công nghệ của dự án.

Thực hiện yêu cầu, VNT19 đã thuê Công ty Cổ phần giám định Á Việt (trụ sở tại Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) thực hiện giám định độc lập.

Tuy nhiên, Sở KH-CN Quảng Ngãi đã phát hiện và báo cáo lên tỉnh là công ty Á Việt chưa có tên trong danh sách tổ chức giám định do Bộ KH-CN công bố. Báo cáo giám định của công ty Á Việt về chất lượng và giá trị máy móc ở VNT19 chỉ nêu chung chung, không đầy đủ các thông tin cần thiết về giám định.

Theo ông Căng, hiện nay chủ đầu tư đang khẩn trương thực hiện việc lắp đặt máy móc, thiết bị, do dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, tác động nhiều mặt, liên quan đến nhiều ngành và thuộc lĩnh vực "nhạy cảm" về môi trường nên tỉnh phải đề nghị Bộ KH-CN vào cuộc hỗ trợ.

Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ KH-CN thẩm tra tư cách pháp nhân của Công ty Cổ phần giám định Á Việt. Thứ hai là kiểm tra, giám sát việc thẩm định, giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ dự án nhà máy bột giấy VNT19.

Sơn Ca

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chu-tich-quang-ngai-canh-bao-nha-may-bot-giay-xa-thai-3335802/