Chủ tịch Tập Cận Bình nêu bật sự chia rẽ của châu Âu, trước khi Tổng thống Putin thăm Bắc Kinh

CNN nhận định, chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc cùng với thông điệp nêu bật sự chia rẽ trong lòng 'lục địa già', rằng: bất chấp những mâu thuẫn với phần lớn lục địa, Trung Quốc vẫn thiện cảm ở một số quốc gia châu Âu.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại thủ đô Budapest vào ngày 9/5. Ảnh: AFP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại thủ đô Budapest vào ngày 9/5. Ảnh: AFP

Bài phân tích của CNN có tựa đề: "Chủ tịch Tập Cận Bình nêu bật sự chia rẽ của châu Âu, trước chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Bắc Kinh".

Theo CNN, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đã bắt đầu chuyến công du châu Âu bằng cách đưa ra những câu hỏi hóc búa ở Pháp về kinh tế thương mại và cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kết thúc chuyến công du bằng cách đưa ra một thông điệp rõ ràng: dù rằng vẫn còn nhiều mâu thuẫn với phần lớn lục địa, Trung Quốc vẫn dành được thiện cảm ở một số quốc gia châu Âu.

CNN cho rằng, sức hút của Bắc Kinh đã được thể hiện ở thủ đô Belgrade (Serbia) và Budapest (Hungary), cùng với sự chào đón nồng nhiệt. Trong khi đó, truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã đề cập về mối quan hệ "thắt chặt" của Trung Quốc với Serbia, và "tình hữu nghị vàng" với Hungary. Đây là hai quốc gia nhận đầu tư lớn từ Trung Quốc. Cả Serbia và Hungary đều tuyên bố nâng cấp quan hệ với Bắc Kinh trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Giới phân tích cho rằng, đây là một chiến thắng mang tính biểu tượng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, có thể làm dịu đi chính sách răn đe của châu Âu đối với Trung Quốc trong các lĩnh vực như thương mại, an ninh và nhân quyền.

Cả Serbia và Hungary đều là những điểm đến đầu tư quan trọng của Trung Quốc. Trong đó Hungary nổi lên như một trung tâm sản xuất ngày càng quan trọng ở châu Âu đối với các nhà cung cấp ô tô Trung Quốc, bao gồm cả các nhà sản xuất xe điện (EV). Tại Pháp, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire chia sẻ với báo giới rằng, công ty BYD của Trung Quốc "hoan nghênh" mở nhà máy ở Pháp; nhưng "gã khổng lồ" xe điện dường như đã chọn được chỗ đứng đầu tiên cho việc sản xuất ô tô ở châu Âu, khi cam kết mở một nhà máy ở Hungary vào cuối năm 2023.

Giới phân tích cho rằng, tất cả những điều này góp phần phản ánh nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc chứng minh các nước của châu Âu được hưởng lợi như thế nào từ quan điểm sáng suốt về Trung Quốc, so với những quốc gia đang nối gót Mỹ áp đặt trừng phạt với Bắc Kinh.

Chuyên gia Liu Dongshu, trợ lý giáo sư về các vấn đề xã hội và quốc tế tại Đại học Hong Kong cho hay: "Việc gần gũi với các quốc gia này phù hợp với câu chuyện trong nước của Trung Quốc rằng, có những "quốc gia thông minh" ở châu Âu thực sự hiểu Trung Quốc và không ủng hộ Mỹ. Và Trung Quốc đang hợp tác với những quốc gia này vì lợi ích của châu Âu".

 Chủ tịch Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AP

Chủ tịch Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: AP

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, sự chào đón trọng thị của Tổng thống Serbia Alexander Vucic và Thủ tướng Hungary Viktor Orban - những nhà lãnh đạo được coi là có quan điểm "thân Nga", dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình lại khiến những điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến công du của nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như mang bầu không khí căng thẳng và thiếu đi những "cái ôm ấm áp".

Theo CNN, mối quan hệ Trung Quốc - Châu Âu đã bị rạn nứt bởi danh sách trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn diện. Ngoài ra, châu Âu còn bày tỏ sự lo ngại về tham vọng và sức ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh, đặc biệt là mối quan hệ của Trung Quốc với Nga.

CNN cho rằng, trong chuyến công du châu Âu đầu tiên sau 5 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gây áp lực.

"Cả hai nhà lãnh đạo sẽ theo dõi rất chặt chẽ Hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, dự kiến diễn ra trong tháng 5 này" - CNN cho hay.

Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc, Pháp và EU cần cùng nhau ngăn chặn sự leo thang thù địch ở Ukraine, tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình. Ông Tập khẳng định, Trung Quốc sẽ ủng hộ việc tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế được cả Nga và Ukraine công nhận./.

Mỹ Nga (Theo CNN )

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/chu-tich-tap-can-binh-neu-bat-su-chia-re-cua-chau-au-truoc-khi-tong-thong-putin-tham-bac-kinh-post289294.html