Chủ tịch Tập đoàn Toyota điều trần vì sự cố xe ô tô tại Mỹ: Đánh mất niềm tin

(HNM) - Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ cuối tuần qua, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Toyota Akiô Tôyôđa đã chính thức xin lỗi khách hàng và khẳng định sẽ "chịu hoàn toàn trách nhiệm" với những sự cố đáng tiếc do lỗi tăng ga đột ngột làm 39 người Mỹ thiệt mạng. Việc Toyota chạy theo lợi nhuận mà đánh mất niềm tin với khách hàng đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Chạy theo số lượng, bỏ quên chất lượng "Bản thân tôi cũng như tất cả mọi thành viên của Toyota, không ai hoàn hảo cả. Hơn bất cứ người nào khác, tôi luôn mong muốn khách hàng của mình được an toàn. Tôi xin lỗi vì những gì đã xảy ra", ông A.Tôyôđa phát biểu tại phiên điều trần. Cùng với lời xin lỗi và cam kết sẽ cải thiện các tiêu chuẩn an toàn của mọi dòng xe mang thương hiệu Toyota, trong văn bản gửi Quốc hội Mỹ, ông A.Tôyôđa thừa nhận việc Toyota phát triển quá nhanh để trở thành hãng chế tạo ô tô hàng đầu thế giới đã phần nào gây ra hậu quả trên. Mẫu xe Toyota SAI đã bị thu hồi vì trục trặc hệ thống phanh. Đến nay Toyota đã thu hồi khoảng 8,5 triệu xe trên toàn thế giới sau một loạt khiếu kiện của khách hàng liên quan đến lỗi kỹ thuật. Liệu những vụ tai nạn xảy ra có phải do lỗi kẹt dính bàn đạp chân ga như Toyota từng khẳng định? Nhiều khách hàng cho rằng còn do nhiều nguyên nhân khác như một thiết bị điện nào đó có vấn đề hoặc hệ thống điện bị trục trặc nên xe mới tăng tốc đột ngột. Tuy nhiên, phía Toyota đã phủ nhận điều này khi quả quyết rằng lỗi là do kẹt dính chân ga. Vì thế trong phiên điều trần vừa qua tại Mỹ, các nhà lãnh đạo Toyota luôn né tránh các câu hỏi về kỹ thuật. Dư luận cho rằng, Toyota có thể đã biết về lỗi hỏng hóc chết người này từ năm 2007 khi những khiếu nại đầu tiên của khách hàng được trình lên do sự cố xe tăng tốc đột ngột. Trên thực tế, từ năm 2007 đến 2009, Bộ Giao thông Nhật Bản cũng nhận được 38 khiếu nại của khách hàng về hiện tượng trên. Mặc dù tháng 3-2009 nhà sản xuất này đã mở cuộc điều tra nhưng lại không đưa ra lời khuyến cáo nào tới khách hàng về khả năng gây ra nguy hiểm của lỗi hỏng hóc này. Các loại xe bị thu hồi gồm 8 loại: RAV4 đời 2009-2010, Corolla đời 2009-2010, Matrix đời 2009-2010, Avalon đời 2005-2010, Camry đời 2007-2010, Highlander đời 2010, Tundra đời 2007-2010 và Sequoia đời 2008-2010. Đánh mất niềm tin của khách hàng Việc Toyota phải thu hồi hàng loạt ô tô trên toàn thế giới, riêng thị trường Mỹ là 2,3 triệu xe đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích kinh tế của tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới này. Các quan chức Toyota dự báo, tổng thiệt hại từ đợt thu hồi xe toàn cầu hiện nay sẽ lên tới 2 tỷ USD, trong đó có khoản thiệt hại do 100.000 xe ở Mỹ và châu Âu không bán được, trong khi số người có dự định mua xe Toyota đã giảm xuống mức 13,1% vào cuối tháng 1-2010. Ước tính những đợt thu hồi xe gần đây sẽ làm thị phần của Toyota tại thị trường Mỹ giảm mất 2 đến 4% từ mức 17% hiện nay, trong khi thị phần của hầu hết đối thủ khác đều được dự báo tăng, đặc biệt là Honda. Doanh số bán ra của Toyota trong tháng 1 vừa qua đã giảm 16%. Nhà phân tích Côdi Enđô thuộc Advanced Research Japan ở Tôkyô dự đoán, doanh số bán ra của Toyota sẽ giảm 30 đến 40% trong tháng 2. Giá cổ phiếu Toyota trên sàn giao dịch Tokyo đã tụt hơn 22% kể từ ngày 21-1-2010 đến nay, hiện chỉ còn khoảng 35 USD/cổ phiếu, mức thấp nhất trong vòng mười tháng qua, khiến giá trị thị trường của hãng mất gần 30 tỷ USD. Đáng nói nhất là việc Toyota bỏ qua những lời chỉ trích và các cuộc điều tra khiếu nại lẫn tai nạn khiến cho hình ảnh và uy tín của hãng bị tổn hại nặng nề. Đây là những thiệt hại không thể đong đếm được và nó không thể bù lại những gì mà Toyota đã gây dựng hơn 70 năm qua. Vì thế, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Giao thông Mỹ Rây Lahút, ông A.Tôyôđa đã nhắc lại cam kết sẽ áp dụng những sáng kiến để nâng độ an toàn của xe ô tô do hãng sản xuất lên tầm mức mới vì Toyota cần phải cố gắng lấy lại niềm tin của khách hàng sau sự cố vừa qua. Giữa lúc Toyota đang đau đầu về sự cố trên, ba hãng sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản gồm Suzuki Motor, Nissan, Daihatsu đã công bố thu hồi hàng nghìn xe, chủ yếu tại thị trường trong nước do lỗi kỹ thuật. Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông về tình trạng mất an toàn, chạy theo lợi nhuận của các nhà sản xuất xe ô tô nói chung, ở Nhật Bản nói riêng. Một số vụ thu hồi xe ô tô lớn nhất trong lịch sử - Năm 1971, General Motors (GM) thu hồi 6,7 triệu xe để sửa chữa lỗi khung đặt động cơ trong khoang máy. - Năm 1981, GM thu hồi 5,8 triệu xe do lỗi hỏng hệ thống treo, ảnh hưởng đến hệ thống lái. - Năm 1996, Ford thu hồi hơn 8 triệu xe để sửa lỗi chập điện ở ổ khóa xe, có thể gây cháy động cơ. - Năm 1998, GM thu hồi gần 1 triệu chiếc Cadillac, Pontiac và Chevrolet vì lỗi túi khí bị nổ khi bung. - Năm 2008, GM phải thu hồi 857.735 xe tại Mỹ do lỗi ở hệ thống điện có thể gây cháy. - Năm 2009, Ford thu hồi 14 triệu xe do lỗi cầu chì điều khiển hành trình xe.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/the_gioi/310762/chu-tich-tap-doan-toyota-dieu-tran-vi-su-co-xe-o-to-tai-my-%c4%91anh-mat-niem-tin.htm/