Chủ tịch TP Hà Nội truy vấn việc nạo vét bùn ở Hồ Tây

Trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, chủ tịch TP Hà Nội cho rằng mặc dù đã chi 128 tỷ đồng để nạo vét hồ nhưng ông "không thấy một khối bùn ở đâu cả”.

Dantri đưa tin, chiều 5/12, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội của HĐND Thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Bí thư - Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ) cho biết, trong kế hoạch của UBND TP, Hồ Tây được xác định là điểm đến của Thủ đô. Do vậy, Thành phố sẽ kêu gọi đầu tư vào Hồ Tây để phát triển du lịch trong những năm tới theo hình thức xã hội hóa.

Để tạo cảnh quan, Hà Nội cũng đã thực hiện cải tạo, xây dựng xong 18km xung quanh Hồ Tây . Tuy nhiên, hiện gói thầu 23 (dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây) bị tạm dừng từ năm 2014 vì thành phố khó khăn về nguồn vốn. Đến tháng 7/2016, trong buổi giao ban lãnh đạo Hà Nội đã thông báo dừng dự án này.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thắng, trong buổi giao ban lãnh đạo TP Hà Nội trong tháng 9/2016, ông Thắng có kiến nghị về dự án trên và Chủ tịch UBND TP Hà Nội có ý kiến tiếp tục thực hiện gói thầu này. Tuy nhiên, trong việc phân bổ ngân sách vừa qua, ông Thắng không thấy thành phố đưa dự án này vào danh sách.

“Thành phố đã đầu tư rồi, chỉ cần hơn 100 tỷ đồng nữa là xong. Còn nếu cứ để như vậy thì không thể khai thác được”, ông Thắng nói và cho biết, hiện các hộ dân trong khu vực đã đồng thuận với việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.

VnEpress dẫn lời, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch TP Hà Nội: “Theo 3 công ty độc lập, nếu muốn làm sạch Hồ Tây phải nạo vét khoảng 1,2 triệu khối bùn. Ở Hồ Tây hiện có những khu vực chỉ còn độ sâu 0,5m nước và bùn sâu 1,7 m.

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải tạo hồ Tây thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Dự án lớn này, Hà Nội sẽ đảm nhận, thực hiện một loạt giải pháp như: nạo vét Hồ Tây; làm sạch nước môi trường Hồ Tây; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải của 8 cửa xả; khảo sát làm cột phun nước cao từ 180 m đến 200 m tạo điểm nhấn.

Hà Nội cũng đã làm việc với các đơn vị liên quan để làm một cầu tàu phục vụ đua thuyền và lướt ván ở Hồ Tây.

Lãnh đạo Hà Nội cho hay, qua kiểm tra cho thấy, từ năm 2011 quận Tây Hồ đã thực hiện 4 dự án nạo vét Hồ Tây có tổng vốn đầu tư khoảng 128 tỷ đồng, trong đó có gói thầu liên quan nạo vét ở khu vực đường Thanh Niên hơn 33 tỷ chưa thực hiện.

“Nếu để hút 1,2 triệu khối bùn, các nhà khảo sát đưa ra số tiền 170-180 tỷ đồng. Thế nhưng 4 năm vừa qua Ban Quản lý hồ Tây chi hết 128 tỷ đồng nhưng tôi không thấy một khối bùn ở đâu cả”, ông Chung nói.

Điều 165, luật hình sự năm 1999 quy định về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với nội dung cụ thể như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/chu-tich-tp-ha-noi-truy-van-viec-nao-vet-bun-o-ho-tay-a172914.html