Chủ tịch TP.HCM: Đọc 'comment' của bạn đọc về mưa ngập mà thấy nhức nhối!

Ngày 29/8, TP.HCM đã tổ chức cuộc họp về tình hình KT-XH. Tại cuộc họp, vấn đề úng ngập sau cơn mưa 2 ngày trước của TP là một nội dung "nóng" được nhiều người quan tâm.

Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM Nguyễn Ngọc Công cũng "đau đầu" với chống ngập.

"Chúng tôi đi kiểm tra ngay trong mưa"

Ngay khi bắt đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nói: “Chúng ta nỗ lực từ đầu năm đến nay nhưng sao vẫn diễn ra tình trạng như vậy. Đọc comment (bình luận) ở dưới các bài nghe nhức nhối, không biết anh Công (Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM Nguyễn Ngọc Công - PV) có đọc hay không?”

Giải trình với Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Công cho biết tuyến đường Phan Xích Long (tuyến đường có hàng loạt tầng hầm bị ngập) có cống rất lớn, tuy nhiên trận mưa vừa qua đã làm ngập trên đường khoảng 30cm. Chính vì thế nước đã tràn xuống đường hầm của các nhà cao tầng.

Ông Công khẳng định “ngay trong mưa chúng tôi đã đi kiểm tra” và phát hiện toàn bộ cửa cống xả từ đường Phan Xích Long ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đều bị rác bịt kín nên nước không thể thoát.

“Nếu như không có rác thì không đến nỗi con đường này bị ngập. Bằng chứng là ngay sau khi chúng tôi vớt rác thì chỉ 1h25’ là đường hết ngập” – ông Công nói.

Ông Công cũng cho biết trước đây đã đề nghị làm mắt lưới chắn rác thưa hơn nhưng Ngân hàng Thế giới (World Bank – đơn vị thiết kế và bỏ vốn ODA) không đồng ý, vì quan điểm của họ là “cống không phải nơi để xả rác”.

Ông Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập cũng cho biết, vào lúc 15h30’ ngày 26/8 Trung tâm đã tập trung hơn 550 người ở những điểm nóng và phối hợp với cảnh sát PCCC của Bình Thạnh để hút nước ngập từ những đường hầm đó lên.

“Qua đây cũng báo cáo TP là bơm của chúng ta dung lượng lớn nhưng cột nước thấp (khoảng 2 đến 3m) nên không thò xuống bơm được, trong khi bơm của cảnh sát PCCC có cột nước cao nên họ phát huy hiệu quả tại các tầng hầm” – ông Công nói và kiến nghị Sở Xây dựng khi duyệt dự án đối với những nhà có tầng hầm thì phải có bơm tự động.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (đeo kính)

Tất cả đều đi chống ngập

Tiếp tục trả lời về việc sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập nặng trong trận mưa vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Công cho biết tại đây hiện có 3 vấn đề khó giải quyết là hoàn thành nâng cấp, cải tạo 3 đường thoát nước là mương A41, kênh Hy Vọng và mương Nhật Bản.

“Hiện mương A41 đã làm 7 đấu nối đường kính 2.000x2.000mm theo chỉ đạo của UBND TP và có nạo vét. Mương Nhật Bản đã hoàn thành 85% và tới tháng 9 sẽ xong. Tuyến kênh Hy Vọng thuộc dự án của World Bank về quản lý rủi ro ngập nước, hiện Trung tâm đã kiến nghị với World Bank thi công trước và nơi này đã đề nghị Trung tâm làm rõ vấn đề tái định cư cho 97 hộ tại đây bị ảnh hưởng” – ông Công cho hay.

Ngoài ra, ông Công còn nhấn mạnh rằng hiện nay có 250 trường hợp lấn chiếm các loại từ hầm ga, xây nhà trên cống và thậm chí là lấn chiếm kênh rạch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thoát nước của TP.

Trước những điều ông Công trình bày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Văn phòng UBND TP và Trung tâm chống ngập phải sắp xếp các cuộc họp với chính quyền những nơi bị ngập ngay trong tháng 9.

“Ngoại trừ đồng chí Thu, tôi, anh Khoa, anh Liêm, anh Mạng và anh Tuyến ( 4 Phó chủ tịch UBND TP) sẽ tới các điểm ngập và làm việc về những vấn đề cần xử lý như lấn chiếm kênh rạch, cửa xả do thi công dự án…. Xếp lịch không phải đi cùng lúc, nhưng tinh thần là tất cả các đồng chí trong thường trực UBND TP phải đi chống ngập” – ông Phong nói.

Ông Phong khẳng định trước cuộc họp rằng phải có chuyển biến thật sự sau chỉ đạo này bởi “không giải quyết đồng bộ thì ngập vẫn ngập, ngồi đây nói chương trình này chương trình nọ nhưng khi mưa xuống là nhà dân ngập”.

Ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, trận mưa ngày 26/8 bắt đầu từ 16h05’ và sau 2h đã đạt từ 87mm đến 159mm. Trong khi đó đối chiếu trở lại quy hoạch hiện nay thì: “Tính trong chu kỳ 3h hệ thống cống cấp 3, 4 sẽ chịu được 75mm, hệ thống cấp 2 khoảng 85mm, kênh rạch khoảng 95mm, tức là đều vượt hơn năng lực thoát dẫn đến một khoảng thời gian bị ngập cục bộ”.

Một nguyên nhân nữa theo ông Cường là quy hoạch hệ thống thoát nước của TP.HCM phải có 6.000km tuy nhiên đến nay tổng cộng tất cả các dự án mới được khoảng 2.593km.

Nguyễn Cường

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chu-tich-tphcm-doc-comment-cua-ban-doc-ve-mua-ngap-ma-thay-nhuc-nhoi-post207706.info