Chủ tịch VNPT: 'VNPT chọn sản xuất công nghiệp là mũi nhọn đầu tư'

Trong các công ty con thành viên của Tập đoàn VNPT, VNPT Technology là đơn vị được chọn đầu tư trọng điểm để trở thành nhà sản xuất và cung cấp các sản phẩm, hệ thống và giải pháp CNTT-VT tại thị trường trong nước cũng như là hướng tới sẽ tiến ra thị trường quốc tế. Xuất khẩu các thiết bị viễn thông là hướng đi nằm trong chiến lược phát triển của tập đoàn VNPT giai đoạn sau tái cơ cấu từ nay đến năm 2020.

Hiện nay, VNPT Technology có gần 600 kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ CNTT làm việc trong các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D Center), chiếm 60% trong tổng số gần 1.000 nhân lực của Công ty. VNPT Technology đã làm chủ hoàn toàn sản phẩm từ khâu thiết kế, kiểu dáng bo mạch và phần mềm nhúng, điều khiển.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng mới đây đã cho biết: "VNPT chọn sản xuất công nghiệp là mũi nhọn đầu tư trong tương lai dựa trên cơ sở hạ tầng có sẵn và đội ngũ kỹ sư của tập đoàn có khả năng làm chủ được công nghệ. Nhiều công ty, nhà cung cấp dịch vụ thường bán hàng theo hình thức đóng gói, nếu mua các thiết bị đầu cuối thì không thay đổi dịch vụ được.  Vì vậy, chỉ khi tự làm chủ công nghệ thì VNPT mới có thể linh hoạt đưa các ứng dụng và dịch vụ của mình tích hợp trên các thiết bị đầu cuối được."

Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, Ông Phạm Đức Long trong một buổi chia sẻ với báo chí cách đây không lâu cũng cho rằng "Sản xuất công nghiệp sẽ được VNPT đầu tư mạnh trong thời gian tới, trở thành mũi nhọn cạnh tranh mới của VNPT với các doanh nghiệp khác trong tương lai. Mục tiêu đầu tư của VNPT trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp không chỉ hướng tới thị trường trong nước mà còn vươn ra các thị trường nước ngoài".

VNPT Technology mang đến triển lãm các sản phẩm thiết bị đầu cuối tự sản xuất. Đặc biệt nền tảng IoT Platform hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam không tụt hậu so với thế giới.

Sản phẩm của VNPT Technology tập trung vào hai mảng chính, đó là giải pháp công nghệ và thiết bị điện tử viễn thông. Mảng giải pháp công nghệ gồm: WiFi 3G Offload, giải pháp smart talk, giải pháp truyền hình Internet… và tới đây là giải pháp mới ảo hóa chức năng mạng trên nền Cloud, những công nghệ liên quan đến nền tảng IoT (vạn vật kết nối thế giới) để đón đầu nhu cầu chuyển dịch sắp tới của nền công nghệ thế giới.

VNPT đã tự sản xuất được toàn bộ các thiết bị đầu cuối khách hàng như modem ADSL, wifi, set top box, điện thoại di động…, giúp giảm sự lệ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài và tăng cường an toàn thông tin trên mạng.

Nền tảng Smart Connected Platform (SCP) do VNPT Technology nghiên cứu và phát triển là một giải pháp hoàn chỉnh về IoT để có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, công nghiệp.... Nền tảng mở của SCP giúp kết nối các ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau để có thể cung cấp dịch vụ End-to-End đến với người dùng cuối một cách tối ưu nhất. Sản phẩm đã được công ty đem đến triển lãm ICT Comm 2016 mới diễn ra hồi tháng 7/2016 vừa qua.

Cụ thể với SCP và bộ giao diện lập trình ứng dụng (API) mở được cung cấp, các nhà phát triển có thể chủ động phát triển ứng dụng trong mọi lĩnh vực chạy trên các thiết bị đã chứng thực. Một thiết bị mới sau khi đã được chứng thực bởi SCP cũng sẽ tương thích với tất cả ứng dụng mà cộng đồng phát triển. Trên nền tảng SCP, VNPT Technology đã phát triển một số ứng dụng trong các lĩnh vực: Quản lý trong Giao thông vận tải, trong Nông nghiệp, môi trường, Ngôi nhà thông minh, theo dõi và chăm sóc sức khỏe trong Y tế, Vận hành và giám sát trong nhà máy …

VNPT đã tự sản xuất được toàn bộ các thiết bị đầu cuối khách hàng như modem ADSL, wifi, set top box, điện thoại di động…, giúp giảm sự lệ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài và tăng cường an toàn thông tin trên mạng. (ảnh Bùi Hà)

Nhận nhiều đơn hàng từ nước ngoài

Là doanh nghiệp nội tự sản xuất được sản phẩm đầu thu truyền hình số DVB-T2 chất lượng cao cho nên VNPT Technology đã từng bước chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng thị trường trong nước khi phần lớn lượng đầu thu số mặt đất là sản phẩm của công ty.

Bên cạnh đó, công ty cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ một số nước trong khu vực và chuẩn bị đưa vào sản xuất 2 dây chuyền ở nhà máy tại Hòa Lạc, với tổng công suất sản xuất đạt khoảng 1 triệu thiết bị/tháng, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường.

Nhà máy sản xuất số 1 của VNPT Technology tại 124 Hoàng Quốc Việt có công suất 10.000 sản phẩm mỗi ngày. (ảnh Bùi Hà)

Thực tế thị trường Việt Nam hiện chỉ tiêu thụ khoảng 200.000 - 300.000 sản phẩm/tháng, tức xấp xỉ 30% năng lực sản xuất của nhà máy, nên các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường nước ngoài như Lào, Myanmar  và tới đây là các nước như  Malaysia, Iran, các nước Đông Âu, Ấn Độ mới là đầu ra chiến lược của các sản phẩm công nghiệp của công ty./.

Hải An

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201609/chu-tich-vnpt-vnpt-chon-san-xuat-cong-nghiep-la-mui-nhon-dau-tu-542048/