Chú trọng định hướng nghề nghiệp cho học sinh dân tộc nội trú

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 đối với giáo dục dân tộc. Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học này là đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông dân tộc nội trú.

Một tiết học của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hà Hồng

Nhiệm vụ chung trong năm học 2017 - 2018 là tiếp tục triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp của ngành. Trong đó, giáo dục dân tộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), dự bị đại học và mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp điều kiện địa phương.

Đối với cấp học mầm non và tiểu học, khi sắp xếp, sáp nhập, dồn dịch các trường học, điểm lẻ phải bảo đảm yếu tố nhân văn, trẻ phải được theo học ở gần bố mẹ, gia đình. Không sáp nhập, dồn dịch các trường một cách cơ học, hoặc ghép với các cấp học khác.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, MN. Duy trì số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học. Tiếp tục tổ chức tốt việc dạy học tiếng DTTS cho học sinh trong các trường phổ thông và cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ở vùng DTTS, MN.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành đối với giáo dục dân tộc; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người dạy, người học và cơ sở giáo dục ở vùng DTTS, MN.

Giờ tập thể dục buổi sáng của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Khao Mang. Ảnh: Hà Hồng

Các trường PTDTNT và PTDTBT cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường. Cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động, nhằm hướng các hoạt động giáo dục hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp học sinh trường PTDTNT sau khi tốt nghiệp THPT, có thể lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường cá nhân và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, địa phương.

Khuyến khích triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương; tăng cường huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động dạy học/giáo dục trong nhà trường theo hướng thực học, lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn, đảm bảo giáo dục cơ bản ở THCS, phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đạt hiệu quả.

N.B

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chu-trong-dinh-huong-nghe-nghiep-cho-hoc-sinh-dan-toc-noi-tru/