Chú trọng đồng bộ 3 trụ cột phát triển

Ngày 27.5, đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm.

đại biểu Quốc hội lo lắng về mức dư nợ và phát triển KT- XH thiếu bền vững và yêu cầu chú trọng đồng bộ 3 trụ cột tạo nên sự phát triển bền vững. Chưa đánh giá rõ các vấn đề xã hội Theo ĐB Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi), trong báo cáo của Chính phủ trình ra Quốc hội lần này dường như chỉ tập trung về kinh tế mà chưa đánh giá, phân tích rõ các vấn đề xã hội và môi trường trong khi kinh tế - xã hội và môi trường là 3 trụ cột tạo nên sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Trong số 25 chỉ tiêu thì có 8 chỉ tiêu là không đạt kế hoạch và có 7/8 chỉ tiêu đó tập trung chủ yếu vào nhóm xã hội và môi trường. ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) bổ sung thêm trong 8 chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch trong lĩnh vực xã hội và môi trường đều là những chỉ tiêu ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. ĐB Bùi Sỹ Lợi phân tích: Chuẩn nghèo đã được áp dụng từ năm 2006, nhưng giá tiêu dùng năm 2009 đã tăng đến 53,3% so với năm 2005... ĐB Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh ) nhấn mạnh thêm: Các chỉ tiêu liên quan mật thiết đến đời sống người nghèo, người có thu nhập thấp, đến an sinh xã hội... Đang thực sự là những vấn đề bức xúc được xã hội rất quan tâm, chúng ta cần giải quyết trong thời gian gần nhất để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội. Lực lượng chức năng kiểm tra đường ống nước thải của Vedan. Dấu hiệu buông lỏng quản lý ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) đặt vấn đề: Tại sao hệ số Icor (hệ số sử dụng vốn) có xu hướng tăng lên nhanh chóng: Năm 2007 là 5,2%; năm 2008 là 6,6% và năm 2009 đã tăng lên hơn 8%. Như vậy cho thấy, hiệu quả đầu tư không cao trong một thời gian dài, chưa tìm được giải pháp cụ thể để kiềm chế. ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) đánh giá: Hệ số ICOR năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt hệ số ICOR của khu vực nhà nước cao nhất thế giới, đã có dấu hiệu buông lỏng quản lý với khu vực công, nhiều công trình mang ý nghĩa khuyếch trương bề nổi hơn là hiệu quả kinh tế. ĐB Vũ Quang Hải đặt vấn đề, dù tăng thu ngân sách 51,69 nghìn tỉ đồng, nhưng tăng chi ngân sách cũng khoảng này. Tại sao Chính phủ không sử dụng số tăng thu ngân sách làm giảm bội chi ngân sách, đồng thời làm giảm dư nợ Chính phủ? ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đề nghị Quốc hội từ nay nên quyết mức bội chi ngân sách theo con số tuyệt đối, thay vì quyết theo tỉ lệ phần trăm, để tránh tình trạng tăng bội thu đồng thời cũng lại tăng bội chi. ĐB Nguyễn Văn Tuyết lo lắng: "Chính phủ vẫn khẳng định mức dư nợ nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng tôi thấy đã tới ngưỡng rồi. Trước đây mức dư nợ chỉ trên 30% thôi”. Phát triển kinh tế phải chú trọng bảo vệ môi trường. Ảnh: Đường ven sông Tô Lịch (Hà Nội) thành nơi đổ rác thải. Ảnh: Lê Hà Cần tổng kiểm tra ngành điện Trong thảo luận, các ĐB không ngần ngại chỉ ra những yếu kém của ngành điện trong bối cảnh lạm phát rình rập. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao (4,55%) những tháng đầu năm, trong khi mục tiêu Quốc hội đặt ra cho cả năm 2010 chỉ có 7%, đời sống của người lao động sẽ gặp khó khăn. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) chỉ ra mức tăng giá cao là do các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất đồng loạt tăng giá, từ xăng dầu, điện, than... ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đưa ra những cảnh báo về lãng phí, thất thoát trong mọi lĩnh vực, trong đó nhiều lãng phí, thất thoát là do thiếu điện sản xuất... ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) phê phán ngành điện đã dồn việc thiếu điện về các địa phương khác (10-15%, thậm chí có nơi tỉ lệ cắt điện lên tới 20%) để giảm việc cắt điện ở các vùng tập trung nhiều áp lực (như Hà Nội, TPHCM). ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị ) nhấn mạnh: Thiếu điện thì cắt điện, đó là cách giải thích rất hồn nhiên của ngành điện mà chưa hình dung được tác hại nặng nề của việc cắt điện đối với tăng trưởng kinh tế phát triển xã hội và đời sống nhân dân. Nhìn chung, ĐBQH bác bỏ những nguyên nhân khách quan đã được ngành điện đưa ra như nhu cầu sử dụng điện tăng cao, hạn hán... và đặt thẳng vấn đề tại sao ngành điện không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước việc mất điện, trong khi khách hàng nào cũng ký hợp đồng? Các ý kiến đề nghị tới đây phải có biện pháp rà soát và tổng kiểm tra ngành điện. Gây lãng phí, thất thoát lớn có lẽ là lĩnh vực đất đai. Theo ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị): Báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 3.311 tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, để hoang hóa, lãng phí với diện tích 25.587,82ha. Sau 1 năm với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của các địa phương cũng chỉ thu hồi được 4.731ha, bằng 1/5 diện tích đất lãng phí thất thoát vi phạm pháp luật. Đ.L.T Hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ Bên hành lang phiên họp QH ngày 27.5, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời báo chí về vấn đề nhập khẩu hàng hóa. Bộ trưởng cho biết: Trong điều kiện Việt Nam nhập siêu 20% là chấp nhận được vì chúng ta đang phải đầu tư mạnh nên phải nhập khẩu máy móc. Ngoài ra chúng ta cũng nhập khẩu nhiều mặt hàng để tái chế, gia công rồi xuất khẩu. Thế nhưng những tháng đầu năm 2010 tình hình nhập siêu đã vượt 20% rồi. Những nhóm hàng rất cần thiết như máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, chiếm 70% kim ngạch nhập khẩu. Nhóm thứ hai cần nhập khẩu, nhưng có thể giảm bớt, chiếm trên 20% kim ngạch. Nhóm còn lại là hàng tiêu dùng chưa thiết yếu, chiếm khoảng 7%. Cần hạn chế nhập khẩu gồm những mặt hàng xa xỉ như điện thoại di động đắt tiền, ôtô, xe máy đắt tiền thậm chí cả linh kiện, phụ tùng ôtô, xe máy. Phải có quy định về mặt kỹ thuật, tăng cường sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp bổ trợ. Vận dụng mức cao nhất trong khung thuế đối với những mặt hàng không cần thiết nhập khẩu. Dùng biện pháp kỹ thuật phi thuế để khống chế chặt việc nhập khẩu mà không vi phạm các cam kết quốc tế. Sơn Đà

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/chu-trong-dong-bo-3-tru-cot-phat-trien/20105/186115.laodong