Chủ trường mầm non bị còng tay: Có dấu hiệu bắt người trái pháp luật?

Các luật sư cho biết, hành vi còng tay chủ trường mầm non trước mặt học sinh của lực lượng quản tài viên đã vi phạm vào tội bắt giữ người trái luật theo quy định tại điều 123 Bộ Luật Hình sự.

Liên quan tới vụ việc bà Đoàn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nguyên, chủ Trường Trường mầm non, tiểu học Thanh Nguyên bị lực lượng hỗ trợ của Quản tài viên còng tay ngay trong trường, các luật sư cho biết, hành vi này đã vi phạm vào tội bắt giữ người trái luật theo quy định tại điều 123 Bộ Luật Hình sự .

Chủ trường mầm non bị lực lượng hỗ trợ quản tài viên còng tay.

Theo đó, Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý cho biết, những người hỗ trợ lực lượng quản tài viên rõ ràng đã vi phạm pháp luật.

Luật sư Kiên nêu: “Thông tin báo chí đăng tải, ông Huỳnh Văn Hùng Phó - cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận, cho biết Công ty TNHH Thanh Nguyên do bà Đoàn Thị Dung làm giám đốc đã bị TAND TP. Phan Thiết có quyết định cho phá sản theo yêu cầu của chủ nợ. Do vậy, việc lực lượng Quản tài viên sẽ được thực hiện công việc niêm phong, thanh lý tài sản để bán trả cho các chủ nợ theo luật định.”

Tuy nhiên, lực lượng quản tài viên này không có quyền còng tay bà Đoàn Thị Dung khi bà phản đối niêm phong. “Rõ ràng hành vi này đã vi phạm vào tội bắt giữ người trái luật theo quy định tại điều 123 Bộ Luật Hình sự.”

Nói về việc, một người trong đoàn quản tài viên đã dùng vật giống súng đe dọa các cô giáo trong trường, Luật sư Trần Sỹ Hoàng – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, trong việc này cơ quan chức năng cần điều tra xem đó là súng quân sụng hay chỉ là công cụ hỗ trợ.

Vật giống súng đã được lực lượng hỗ trợ quản tài viên mang ra đe dọa giáo viên.

“Nếu là súng quân dụng thì lực lượng quản tài viên không được phép sử dụng. Họ còn dùng để đe dọa các cô giáo thì đã vi phạm vào Điều 230 Bộ Luật Hình sự, cụ thể đó là tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Còn nếu súng đó chỉ là công cụ hỗ trợ, lực lượng chức năng cũng phải xem xét họ có được phép sử dụng công cụ hỗ trợ đó hay không” – Luật sư Hoàng phân tích.

Luật sư Hoàng cho biết thêm, nếu lực lượng quản tài viên kia có giấy phép sử dụng các công cụ hỗ trợ như súng, còng tay, thì quy chế sử dụng cũng phải tuân thủ theo pháp luật, không thể có chuyện sử dụng để đe dọa người khác.

Trước đó, bà Trương Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường MN-TH Thanh Nguyên, cho biết chiều 23/3, khi trường đang cho các cháu tan học thì một số người mặc đồng phục lạ ập vào trường dán niêm phong và đề nghị mọi người ra khỏi trường, gây náo loạn trường học; khiến nhiều phụ huynh, học sinh chứng kiến lo sợ.

Khi bà Đoàn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nguyên, chủ Trường Trường MN-TH Thanh Nguyên vào ngăn cản và không cho niêm phong thì bị một số người mặc đồng phục bảo vệ đã còng tay bà Dung lại.

Do đội ngũ giáo viên và bảo vệ nhà trường phản đối quyết liệt nên sau khoảng 45 phút, việc dán niêm phong của số người nói trên không thực hiện được và nhóm này đã ra về.

Thu Hà

Xuân Tùng

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/tinh-huong-phap-luat/chu-truong-mam-non-bi-cong-tay-co-dau-hieu-bat-nguoi-trai-phap-luat-a185332.html