Chưa an tâm với cách tiêu tiền ngân sách

(CATP) Trong ngày làm việc thứ năm (25-10), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, sơ kết ba năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 và phương án phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 – 2016. Tại đây, một lần nữa vấn đề chi tiêu công lại được đặt ra trong nỗi bức xúc của nhiều đại biểu.

(CATP) Trong ngày làm việc thứ năm (25-10), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, sơ kết ba năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 và phương án phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 – 2016. Tại đây, một lần nữa vấn đề chi tiêu công lại được đặt ra trong nỗi bức xúc của nhiều đại biểu.

THU HẸP CHƯƠNG TRÌNH, MỤC TIÊU QUỐC GIA

Đánh giá ba năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2013, nhiều đại biểu cho rằng chương trình đã đạt được những kết quả đáng kể trong đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; phát triển, xây dựng nông thôn mới, vệ sinh môi trường, phòng chống HIV, phòng chống tội phạm... góp phần nâng cao chất lượng, đời sống người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình vẫn còn nhiều bất cập, lãng phí dẫn đến hiệu quả thu được chưa cao. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) bức xúc: “Chương trình mục tiêu quốc gia nào cũng thấy tập huấn, bồi dưỡng, in ấn tài liệu... Tài liệu in mới toanh rồi để bán giấy vụn”. Theo đại biểu Tâm, những việc làm này chẳng qua chỉ là để giải ngân mà chuyện xây nhà vệ sinh cả tỷ đồng từng được báo chí nhắc đến chính là hệ quả của việc “xài tiền làm sao cho hết chứ không phải là xài tiền làm sao cho hiệu quả”. Vì thế, nữ đại biểu TPHCM đề nghị trong tương lai cần thu hẹp chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ duy trì những chương trình cần thiết. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) thì cho rằng, đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ chế xin - cho và chạy chọt vẫn còn rất nặng nề. “Trước mắt, tôi đồng ý vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia mà Nghị quyết Quốc hội đã quyết định, không mở rộng thêm. Nhưng về lâu dài, đề nghị đưa việc chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia vào một số chương trình lớn, còn đâu rà soát lại và đưa vào chi thường xuyên, để khắc phục cơ chế xin - cho và bảo đảm tính minh bạch hơn. Tôi thực sự thấy dị ứng khi nhắc tới một số chương trình mục tiêu quốc gia” - ông Quyền nói.
Các đại biểu Đỗ Văn Đương, Trương Thị Ánh (TPHCM) cũng phàn nàn chất lượng, hiệu quả một số chương trình mục tiêu quốc gia chưa cao. Đại biểu Đỗ Văn Đương nhận xét, “báo cáo rất hời hợt, không nói rõ các dự án thành phần. Chủ yếu là hội họp, tập huấn, in ấn tài liệu...”. Ông Đương nhất trí với việc thu gọn mục tiêu và bố trí chi thường xuyên bằng khoảng 50% dự toán năm 2013, cắt giảm các dự án thành phần và chỉ giữ lại những chương trình thật sự cần thiết, hiệu quả. Đại biểu Tâm lưu ý, vấn đề không chỉ là cắt giảm 50% mà còn cần quan tâm việc 50% còn lại được sử dụng ra sao. “Phải đánh giá được nó chi vào cái gì thì mới đánh giá được hiệu quả đầu tư” - bà Tâm nói. Đại biểu Quyền nhấn mạnh, những chương trình mục tiêu quốc gia còn lại phải có tiêu chí, mục tiêu cụ thể, đó chính là tính hiệu quả của chương trình; phải “đong, đếm” được hiệu quả hàng năm của chương trình, không thể chung chung như hiện nay.

Có một thực tế khiến không ít đại biểu phân vân là các chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều trùng lắp, chồng lấn cả trong quản lý, bố trí vốn và giữa nội dung các chương trình gây ra tình trạng lãng phí vốn. Do vậy, trong giai đoạn hai năm tiếp theo cần cơ cấu lại các chương trình và cơ chế giám sát để đạt kết quả cao hơn. Đại biểu Trần Quốc Tấn (Trà Vinh) đề nghị cần quan tâm hơn nữa, siết chặt hơn nữa về quản lý các chương trình này theo hướng ban hành một khung giám sát. Ông Tấn nêu ý kiến: “Tôi cũng đề nghị nên có một quy chế quản lý phân cấp, phân công cụ thể nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trung ương với địa phương. Nên lồng ghép các dự án thành phần với các chương trình sự nghiệp ở địa phương hoặc giữa các dự án thành phần của chương trình mục tiêu quốc gia với nhau triển khai trên cùng một địa phương. Có như vậy sẽ không trùng lắp và không lãng phí nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia này”.

Đoàn TP.Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ

NỢ CHỒNG NỢ

Nhất trí với phương án phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) 170.000 tỷ đồng cho đầu tư giai đoạn 2014 - 2016 nhưng các đại biểu đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng trong phương án sử dụng nguồn vốn này. Chia sẻ với các đề xuất của Chính phủ khi xin nâng trần bội chi và phát hành trái phiếu, đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM) phân tích: “Nếu không nâng trần bội chi thì lấy tiền đâu đầu tư. Nếu không huy động vốn TPCP thì lấy tiền đâu để chi vì ngân sách thu không đạt. Như vậy chúng ta phải chấp nhận”. Tuy nhiên, bà Ánh đề nghị Chính phủ, Thường vụ Quốc hội phải có trách nhiệm với các quyết định của mình. Và trên thực tế, chúng ta đang “quyết cái mà chúng ta không có”.

Cũng đồng ý với việc tăng trần bội chi và phát hành TPCP nhưng đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng cần soát xét lại những công trình mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Cần thiết có thể huy động từ các nguồn lực khác để giải quyết mà không dựa hẳn vào ngân sách. Đồng thời, cần có lộ trình thực hiện công trình đó cũng như đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của nó. “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay cần thực hiện tiết kiệm một cách nghiêm ngặt. Chúng ta không thể chi tiền một cách nhẹ nhàng trong khi người dân thì oằn lưng đóng từng đồng bạc” - bà Tâm giãi bày, đồng thời bày tỏ sự xót xa trước cảnh các doanh nghiệp phải vật lộn để tồn tại, để đóng góp cho ngân sách nhà nước trong khi lãng phí trong chi tiêu công chưa được giải quyết triệt để. Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) kiên quyết: “Tiết kiệm phải bằng hành động chứ không thể hô hào tiết kiệm chung chung. Kinh tế khó khăn, Quốc hội tiết kiệm được gì cũng phải báo cáo với dân”. Bà Dung cho biết rất đau xót khi đi tiếp xúc cử tri, nghe người dân phàn nàn: “Các ông bà họp liên miên nhưng chuyện của dân thì không giải quyết được gì!”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cũng băn khoăn về phương án sử dụng nguồn vốn TPCP. Theo tính toán của đại biểu Hòa, số tiền có được do phát hành TPCP đã “xài” gần hết cho hai dự án giao thông quan trọng là Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14, vốn đối ứng để thu hút ODA và nợ đọng xây dựng cơ bản. “Cần một bộ lọc, một tiêu chí cụ thể cho các dự án được đưa vào đầu tư. Chúng ta đã từng cắt giảm nhiều dự án với lý do tiết kiệm nhưng khi có nguồn vốn từ phát hành TPCP lại đưa vào. Không tiền đưa ra, có tiền đưa vào” - ông Hòa tỏ ra không an tâm với cách lựa chọn đầu tư này.

Mang theo nỗi lo rằng tất cả các khoản đầu tư đều là vốn đi vay, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) khuyến nghị nên ưu tiên đầu tư theo tiêu chí hiệu quả kinh tế - xã hội chứ không phải thời gian hoàn thành. Lý do là nếu vì hoàn thành đúng tiến độ mà chất lượng công trình không đảm bảo thì sau đó ngân sách lại phải “cõng” thêm khoản bảo trì, bảo dưỡng cùng bộ máy để thực hiện việc đó nữa. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) lưu ý, việc sử dụng nguồn vốn TPCP cần ưu tiên cho các công trình cấp bách, trọng điểm có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, khu vực. “Tôi đề nghị đầu tư vào những dự án trọng điểm, tác động lớn đến nhiều địa phương và khu vực” - bà Khá nói, đồng thời khuyến cáo nên quan tâm đến việc giới hạn nợ công dưới 65%, tính toán đến khả năng huy động cũng như khả năng trả nợ hàng năm.

Liên quan đến vấn đề phân bổ ngân sách, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng nên tránh tình trạng dàn đều. Đại biểu Trương Thị Ánh nói: “Chính phủ phải tính đủ, phải cho thấy được một bức tranh nợ công như thế nào, từ đó chúng ta mới biết đồng tiền của chúng ta bao nhiêu, vay nợ như thế nào để có kế hoạch trả nợ”. Nhưng có một điểm đáng lưu ý, theo suy tính của đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa thì, chúng ta đang vay nợ để trả nợ. Điều này cũng có nghĩa chúng ta không cân đối được ngân sách và nợ đang chồng nợ.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=942&id=506029&mod=detnews&p=