Chưa báo cáo Quốc hội tiến độ dự án bauxite tại kỳ họp thứ sáu

Việc triển khai thực hiện dự án bauxite ở Tây Nguyên sẽ không được báo cáo tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu như đề nghị của đại biểu Quốc hội.

Tại phiên họp thứ 25, sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chương trình kỳ họp Quốc hội thứ sáu, khai mạc vào ngày 20/10 tới. Theo đó, việc triển khai thực hiện dự án bauxite ở Tây Nguyên đã được Chính phủ báo cáo tương đối đầy đủ ở kỳ họp thứ năm vừa qua. Vì vậy, Ủy ban “đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho phép sẽ tiếp tục báo cáo vấn đề này tại một kỳ họp sau của Quốc hội”. Bên cạnh dự án bauxite, đại biểu Quốc hội còn đề nghị bổ sung báo cáo về tình hình triển khai xây dựng cụm khí - điện - đạm Cà Mau và công tác chuẩn bị đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, cũng sẽ không có báo cáo riêng về các nội dung trên tại kỳ họp này. Vì, cụm khí - điện - đạm Cà Mau không phải công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Do đó vấn đề này sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo lồng ghép trong báo cáo chung về kinh tế - xã hội hoặc nếu có chất vấn thì thành viên Chính phủ có trách nhiệm sẽ trả lời. Còn báo cáo về đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội sau kỳ họp, Thường vụ Quốc hội giải trình. Tiếp thu ý kiến các đại biểu, phiên giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ được truyền hình trực tiếp. Song báo cáo của Chính phủ về vấn đề này không được Chính phủ trình bày mà sẽ được gửi để đại biểu tự nghiên cứu. Cũng "gửi để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu" là các báo cáo về kết quả kích cầu, đề án tái cấu trúc nền kinh tế và kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo trong các năm qua. Sau khi xem xét tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị bổ sung một số nội dung trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này. Bao gồm quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng; dự án Luật An toàn thực phẩm. Hai dự án luật biển Việt Nam và tiếp cận thông tin chưa trình Quốc hội cho ý kiến và dự án luật cơ yếu chưa được thông qua tại kỳ họp này theo như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009. Như vậy, tại kỳ họp thứ sáu, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua 8 dự án luật và cho ý kiến 10 dự án luật. Liên quan đến cách thức tiến hành kỳ họp, đại biểu Quốc hội đề nghị tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn (từ 2,5 lên 3 ngày) và thời gian thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (từ 2 lên 3 ngày). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như các kỳ họp trước, sau khi cấn nhắc kỹ các nội dung và thời gian chung của kỳ họp. Khai mạc ngày 20/10 và bế mạc ngày 27/11, dự kiến tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội sẽ làm việc 32 ngày. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Trần Đình Đàn cho biết, công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ kỳ họp đã hoàn thành. Và, việc thí điểm thực hiện gửi tài liệu điện tử cho các đại biểu Quốc hội sẽ được thực hiện ngay tại kỳ họp này.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/20091016021111122p0c9920/chua-bao-cao-quoc-hoi-tien-do-du-an-bauxite-tai-ky-hop-thu-sau.htm